• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lời khuyên cho các doanh nghiệp nước ngoài về phát triển mạng lưới phân phối tại Việt Nam

Kinh tế 21/08/2023 15:11

(Tổ Quốc) - Theo trang Vietnam Briefing, việc kết nối với một nhà phân phối địa phương có thể là một cách thâm nhập thị trường Việt Nam với chi phí thấp, ít rủi ro và rất nhanh chóng.

Có rất nhiều điều cần làm để một thương hiệu quốc tế thâm nhập vào các thị trường mới, ví dụ như: xin giấy phép, đăng ký kinh doanh, thị thực làm việc, thuê nhân viên … và giải quyết cả khâu hậu cần trong nước.

Trong trường hợp này, việc kết nối với một nhà phân phối địa phương của Việt Nam có thể là một lựa chọn tốt hơn. Việc chọn lựa các đối tác phù hợp là một cách để đưa sản phẩm và dịch vụ ra thị trường Việt Nam thuận lợi hơn.

Mạng lưới phân phối của Việt Nam

Nhìn chung, mạng lưới phân phối của Việt Nam rất rộng lớn. Về mặt địa lý, Việt Nam dài và hẹp, do đó, cơ sở hạ tầng phân phối cũng phát triển tương ứng. Việt Nam có một trục di chuyển trung tâm nối dài bằng cả đường bộ và đường sắt. Từ hệ thống đường chính, các nhánh đường nhỏ được tách ra để kết nối với khắp các địa phương. Việt Nam cũng có một trong những đường bờ biển dài nhất ở Đông Nam Á, trải dài từ bắc xuống nam với các cảng tạo thuận lợi cho thương mại toàn cầu.

Lời khuyên cho các doanh nghiệp nước ngoài về phát triển mạng lưới phân phối tại Việt Nam - Ảnh 1.

Hệ thống giao thông vận tải Việt Nam có thể kết nối với khắp mọi miền. Ảnh: Vietnam Briefing.

Sự thuận lợi này càng được phát triển thêm với 22 sân bay đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển nhiều loại hàng hóa trên khắp đất nước. Đáng chú ý, đường bay nối Hà Nội – TP.HCM được xếp vào hàng nhộn nhịp nhất thế giới.

Các mạng lưới vận chuyển này sau đó được sử dụng để cung cấp thức ăn cho các siêu thị, chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại và các nhà bán lẻ thương mại điện tử trên khắp Việt Nam.

Về phía các nhà bán lẻ, tính đến năm 2021, một báo cáo thị trường của Euromonitor ước tính rằng Việt Nam có khoảng 1.005 cửa hàng tiện lợi nằm dưới tên sáu thương hiệu chính.

Euromonitor cũng phát hành một báo cáo về siêu thị ước tính Việt Nam có 5.669 siêu thị hoạt động vào năm 2021. Con số này tăng từ 1.672 siêu thị trong năm 2016 – gần gấp ba lần.

Mảng bán lẻ điện tử cũng đang gia tăng. Thị trường thương mại điện tử của Việt Nam đã thu về 14 tỷ USD vào năm 2022 và ước tính sẽ đạt 32 tỷ USD vào năm 2025. Những con số khổng lồ này đưa lĩnh vực thương mại điện tử lên vị trí hàng đầu về phân phối tại Việt Nam.

Hiện tại có hàng ngàn nhà bán lẻ điện tử trực tuyến tại Việt Nam, tuy nhiên, phần lớn doanh số bán hàng trực tuyến được bao phủ bởi ba thương hiệu địa phương: Thế Giới Di Động, FPT Shop và Hoàng Hà Mobile.

Tuy nhiên, có một số nhà bán lẻ quốc tế tên tuổi lớn đang hoạt động tại Việt Nam, bao gồm Shopee và Lazada.

Về hệ thống kho lạnh và vận tải tại Việt Nam, mảng này trong những năm gần đây đã thu hút được một lượng lớn đầu tư. Lĩnh vực này đã nhận được sự thúc đẩy trong đại dịch COVID-19 để đảm bảo vắc xin không hết hạn do nắng nóng.

Do đó, các doanh nghiệp muốn nhập khẩu hàng hóa dễ hư hỏng vào Việt Nam hiện tại có thể tận dụng sự phát triển của các kho lạnh này.

Lợi ích của việc kết nối với các nhà phân phối Việt Nam

Theo Vietnam Briefing, có ba lý do cơ bản đặc biệt đáng chú ý. Đầu tiên là kết nối dễ dàng hơn với khách hàng. Dù Tiếng Anh đang dần được sử dụng trên diện rộng nhưng tiếng Việt vẫn là ngôn ngữ phổ biến nhất tại Việt Nam. Cũng cần lưu ý rằng Việt Nam giàu truyền thống và văn hóa nên điều này có thể đóng một vai trò quan trọng trong cách mọi người giao tiếp. Do đó, việc thông qua một nhà phân phối địa phương có thể giúp việc giao tiếp với khách hàng dễ dàng hơn.

Tiếp theo đó, các nhà phân phối địa phương cũng đã thiết lập được mạng lưới kết nối sẵn có của họ. Một nhà phân phối giỏi tại địa phương sẽ biết rõ các nhà bán lẻ và công ty vận tải, đồng thời có các mối quan hệ mà doanh nghiệp cần để đưa sản phẩm của họ ra thị trường một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Yếu tố thứ 3 là giúp các công ty nước ngoài dễ quản lý khâu phân phối hơn. Khi các thương hiệu nước ngoài giao hoàn toàn khâu phân phối cho các đơn vị địa phương, những nhà phân phối này chịu trách nhiệm thanh toán đầy đủ và phải chịu cả rủi ro không bán được hàng.

Để kết nối nhanh chóng với các nhà phân phối địa phương tại Việt Nam, các công ty nước ngoài có thể thông qua nhiều phương pháp như tìm kiếm trực tuyến, thông qua các dịch vụ kết nối giữa các doanh nghiệp nước ngoài với các nhà phân phối địa phương hay thông qua các hiệp hội doanh nghiệp địa phương, đặc biệt là các phòng thương mại quốc gia. Các tổ chức này thường có mạng lưới rộng khắp của riêng họ và thường tổ chức các sự kiện kết nối có sự tham gia của cả các nhà lãnh đạo ngành quốc tế và trong nước.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ