• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Lời tựa một tình yêu” - Bản tình ca Cách mạng nồng thắm

Văn hoá 18/08/2016 10:44

(Tổ Quốc) - “Họ đã vượt qua những tháng năm giam cầm tra tấn của kẻ thù, vượt qua sắt thép, hiểm nguy và vượt qua cả cái chết để đến với nhau trong một mối tình thủy chung, trong sáng như một huyền thoại.”

 Bìa cuốn tiểu thuyết "Lời tựa một tình yêu" (ảnh TL)

Nhân dịp kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh mùng 2/9, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật phối hợp với Công ty Cổ phần sách Thái Hà tổ chức xuất bản, phát hành cuốn tiểu thuyết Lời tựa một tình yêu từ những nguyên mẫu lịch sử. Cuốn sách được ví như một bản tình ca Cách mạng chân thật mà hào hùng. 

Cuốn sách dầy gần 250 trang, gồm 12 chương: “Ngày mai con lại đi bán cá với má…”, Hai tiếng “đồng chí”, Lời cầu hôn và một vòng quả đất, Án tử hình và phiên tòa chấn động dư luận, “Vật làm tin”, Miếng bạc hình trái tim, “Tội nghiệp nó ở ngoài Côn Đảo, má thương con, thương nó…”, Đêm trước ngày ra pháp trường, Cuộc vượt ngục hi hữu, Nữ Chủ tịch Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời…, Giải phóng nhà tù Côn Đảo và lễ cưới đêm Trung thu, Gần bốn mươi năm sau và những hình ảnh tư liệu quý về ông Lê Hồng Tư và bà Nguyễn Thị Châu.

Ông Lê Hồng Tư và bà Nguyễn Thị Châu những năm hoạt động trong phong trào học sinh, thanh niên miền Nam yêu nước (1953-1960) (ảnh TL)

Hai tuyến truyện song song

Lời tựa một tình yêu của tác giả Trần Mai Hạnh thoạt nghe cái tên ban đầu cứ ngỡ là cuốn sách viết về tình yêu đôi lứa. Nhưng khi đọc hết cuốn sách thì chữ “tình yêu” được mở rộng, không chỉ giới hạn ở tình yêu đôi lứa mà còn là tình yêu đất nước, tình yêu với lý tưởng cách mạng. Hai tình yêu này luôn song hành, gắn kết và thành điểm tựa nâng đỡ tinh thần lớn lao cho con người ở nơi tù đày được mệnh danh là “địa ngục trần gian”.

Ở tuyến truyện tình yêu đôi lứa, tác giả Trần Mai Hạnh đã đưa người đọc trở về những năm tháng chiến tranh chống Mỹ - Diệm ở miền Nam nước ta. Tình yêu của hai người chiến sĩ  cách mạng kiên trung có thật trong lịch sử:  Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu.

Tình yêu của hai người nảy nở từ những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường và cùng nhau hoạt động trong phong trào học sinh, thanh niên miền Nam yêu nước, trong sáng, giản dị đến ngỡ ngàng. Khi anh mới ngỏ lời, chị còn chần chừ chưa dám ước hẹn thì cả hai đã bị địch bắt. Kể từ đấy cho đến 15 năm liền xa cách, lần lượt anh rồi chị bị kẻ thù bắt, giam cầm không biết bao nhiêu nhà tù, tiêng anh Lê Hồng Tư bị càm tù 15 năm, trong đó có 13 năm ở Côn Đảo với cái án tử hình và ba lần chuẩn bị ra pháp trường xử bắn.

Viết về tình yêu trong chiến tranh, có biết bao chuyện tình éo le được khắc họa và trở thành hình tượng văn học nghệ thuật có sức sống bền bỉ trong lòng người, hòn vọng phu để nói về người đàn bà bồng con đứng chờ chồng đến hóa đá, màu tím hoa sim để khắc họa “không chết người trai khói lửa mà chết người gái nhỏ hậu phương”, bến không chồng, hay người về bến sông Châu đúng ngày người yêu ở quê nhà cưới vợ… Nhà văn Trần Mai Hạnh không khai thác tình yêu thời chiến ở khía cạnh này, họ không vì uẩn khúc, không vì gia đình, dòng họ, bom đạn, tuổi thanh xuân…  khiến tình yêu rơi vào bi kịch với chia ly, hiểu lầm, đau khổ.

Thứ làm “gián đoạn” tình yêu duy nhất của hai người chiến sĩ là “nhà tù” đế quốc - nơi giam cầm, tra tấn, hành hạ con người cả về thể xác và tinh thần hết sức dã man, tàn bạo. Thể xác bị suy kiệt, biết bao lần phải cận kề cái chết, thời gian thì nghiệt ngã trôi 15 năm dằng dặc và nặng nề lấy đi tuổi thanh xuân đẹp đẽ nhất của đời người.  Nhưng dù nhà tù có tàn bạo, thời gian xa cách đằng đẵng đến bao lâu thì cũng không thể chia cắt được tình yêu chân chính của họ. 15 năm, có quá nhiều biến cố xảy ra trong đời người, vận mệnh của đất nước nhưng tình yêu của hai người vẫn vẹn nguyên để cuối cùng được đoàn tụ với nhau trong ngày đất nước toàn thắng.

Ông Lê Hồng Tư và bà Nguyễn Thị Châu tại trụ sở tạm của Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Quận 10, Thành phố Sài Gòn - Gia Định, nơi bà Châu là Chủ tịch Ủy ban (tháng 5-1975) (ảnh TL)

Song song với tuyến truyện tình yêu đôi lứa, “Lời tựa một tình yêu” còn kể về cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Với tuyến truyện này, đúng như những gì đã diễn ra trong lịch sử, tác giả Trần Mai Hạnh đã không dành quá nhiều trang và mất thời gian để nói về những trận đánh mà tập trung miêu tả nội tâm nhân vật, cũng như tội ác của kẻ thù.

Có rất nhiều trang viết tác giả Trần Mai Hạnh miêu tả nội tâm người chiến sĩ trước tin chiến thắng của dân tộc chân thực, cảm động đến trào nước mắt. Và có lẽ phải là người từng chứng kiến cái giây phút huy hoàng của lịch sử đất nước mới có thể cảm nhận và viết được như thế.

Phải chăng, với tuyến truyện này tác giả Trần Mai Hạnh muốn nói về giá trị của tự do độc lập đối với một quốc gia nói chung và đối với tình yêu đôi lứa nói riêng. Sau khi đất nước được giải phóng, những người tù được trả tự do thì tình yêu của hai người chiến sĩ mới đơm hoa kết trái. Với người chiến sĩ, có lý tưởng cách mạng thì hạnh phúc của cá nhân khó có thể tách rời với độc lập tự do của đất nước.

Ông Lê Hồng Tư và bà Nguyễn Thị Châu trong lễ cưới tại Sài Gòn ngày 17-8-1975 (ảnh TL)

Giá trị của sự thật

Khi đánh giá về thành công của cuốn sách của cùng một tác giả “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” đã xuất bản trước đó, nhà thơ Hữu Thỉnh -  Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam có nói về phong cách viết của tác giả Trần Mai Hạnh là “văn - sử - báo” bất  phân. Và với “Lời tựa một tình yêu”, một lần nữa phong cách này của ông lại tiếp tục được phát huy và khẳng định.

Chất báo của tác giả Trần Mai Hạnh ở đây là “sự thật”, tôn trọng sự thật đến tuyệt đối. Và sự thật này bổ sung cho hai chất còn lại: văn - sử. Thử làm một giả định, nếu tác giả Trần Mai Hạnh viết cuốn sách này, nội dung vẫn y nguyên như thế, nhưng lược bỏ tất cả những chi tiết, tình tiết để chứng thực mối tình giữa anh Lê Hồng Tư và chị Nguyễn Thị Châu thì có lẽ cuốn sách sẽ rơi vào sự nhạt nhẽo bởi nhiều người mặc định đó là câu chuyện hư cấu, khó tin…

Hoặc có thể  người viết chỉ dựa vào nguyên mẫu có thật để lấy cảm hứng, làm chất liệu… để từ đó phóng bút viết tiểu thuyết.

Lễ ra mắt Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Quận 10, Thành phố Sài Gòn- Gia Định (ngày 07-5-1975) (ảnh TL)

Nhưng tác giả Trần Mai Hạnh thì không. Ông dường như không mảy may có ý định dùng hư cấu để xây dựng nên tác phẩm của mình. Và việc tôn vinh “sự thật” đã phát huy giá trị, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Nhiều cuốn sách trên thị trường hiện nay câu khách bằng những chuyện tình giật gân gây sốc hoặc sến nhằm đánh vào sự tò mò của độc giả.

Ngay cả không ít hồi ký - một thể loại được xem là lấy sự thật làm nền tảng cũng phơi bày biết bao chuyện giật mình để công chúng hoang mang và vô cùng lưỡng lự tự hỏi có nên cho con em mình đọc không?. Họ dường như mất niềm tin, không biết bấu víu vào đâu trước sự đảo lộn của nhiều giá trị. Những câu chuyện đẹp của đời thường chỉ như đóa hoa nhỏ nhoi, khiêm nhường và lặng lẽ tỏa hương ở góc khuất.

Lấy “sự thật” làm điểm tựa cho cuốn sách, ngòi bút Trần Mai Hạnh còn cho độc giả thấy bản thân sự thật đôi khi còn vượt xa trí tưởng tượng của con người. Đó là chi tiết anh Lê Hồng Tư cùng hai người tù, với sức khỏe kiệt quệ vì bị đánh đập, tra tấn, ăn uống kham khổ, chân bị cùm, trong hoàn cảnh an ninh vô cùng nghiêm ngặt lại có thể trổ nóc vượt qua được bức tường cao 6 mét của phòng giam cấm cố giam tù tử hình cùng hàng rào kẽm gai của nhà tù để thực hiện cuộc vượt ngục hi hữu có một không hai trong lịch sử các cuộc vượt ngục của tù nhân Côn Đảo.  Là chi tiết chị Châu còn chần chừ trước lời cầu hôn của anh Tư khi đối diện, nhưng lại đủ mạnh mẽ để tuyên bố với mọi người mình là vợ chưa cưới của anh khi nghe anh bị tuyên án tử hình. Rồi 15 năm đằng đẵng xa nhau, có khi chỉ là những lời nhắn truyền miệng, những kỷ vật giản dị cũng đủ để nuôi dưỡng tình yêu… 

Phóng viên Trần Mai Hạnh (ngoài cùng đang ghi chép) cùng các đồng nghiệp Việt Nam Thông tấn xã Hoàng Thịnh, Phạm Vỵ và bà Nguyễn Thị Châu tại cửa phòng giam số 4, bốt Nguyễn Tri Phương, nơi bà Châu bị địch bắt giam, tra tấn lần cuối tới trưa 29-4-1975 mới được trả tự do (tháng 5-1975) (ảnh TL)

Trong lời tựa mở đầu cuốn sách, nhà báo Đỗ Phượng, nguyên ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam xúc động viết: “Đây là lời tựa cho một TÌNH YÊU - TÌNH YÊU đất nước, TÌNH YÊU lý tưởng, TÌNH YÊU đôi lứa của hai chiến sĩ cộng sản với niềm tin mãnh liệt ở tương lai đã vượt qua sự xa cách đằng đẵng của cả thời gian và không gian, vượt qua những năm tháng giam cầm của kẻ thù, vượt qua sắt thép, hiểm nguy và vượt qua cái chết để đến với nhau trong một mối tình thủy chung, trong sáng như huyền thoại”.

“Lời tựa một tình yêu” ra đời trong bối cảnh hôm nay đã trở thành điểm tựa tinh thần đầy giá trị và nhân văn. Cuốn sách đã chứng minh những điều đẹp đẽ của tình yêu, của lý tưởng cách mạng đã tồn tại, và không phải là chuyện cổ tích. Đọc cuốn sách, độc giả có niềm tin về những giá trị cao đẹp của ngày hôm qua, hôm nay. Công bố “Lời tựa một tình yêu” Nhà xuất bản Chính trị quốc gia- Sự thật mong muốn “Tình yêu đất nước cao cả và tình yêu đôi lứa sắt son đã hòa quyện, làm nên sức mạnh phu thường của những chiến sĩ cách mạng năm xưa; thổi bùng lên niềm tin, ngọn lửa bất diệt mà những người trẻ hôm nay lấy đó để soi rọi, tin yêu, sống và cống hiến”- Lời Nhà xuất bản.

Hiền Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ