(Toquoc)-Phần lớn các bảo tàng có kinh doanh dịch vụ đều lôm côm, ít gắn với chức năng hoạt động.
>> Bảo tàng ở Việt Nam: Nhiều mà vẫn thiếu
(Toquoc)-“Bế tắc” trong việc tìm ra các loại hình dịch vụ thiết thực gắn với hoạt động bảo tàng, nhiều bảo tàng hiện nay đành để cho các đơn vị bên ngoài thuê mặt bằng để kinh doanh tiệc cưới, bãi đỗ xe, bán bia hơi...
Hiện trạng đáng buồn này đã được đem ra bàn thảo tại buổi toạ đàm “Phát triển sản phẩm lưu niệm và dịch vụ trong bảo tàng” do Cục Di sản văn hoá, Bộ VH-TT&DL vừa tổ chức.
“Chán như.. bảo tàng!?”
Nếu đặt ra câu hỏi rằng các bảo tàng ở nước ta hiện nay có kinh doanh dịch vụ hay không, câu trả lời chắc chắn là có. Tuy nhiên, nếu phải gọi tên các loại hình dịch vụ đó thì quả thực là một thách thức. Phần lớn các bảo tàng có kinh doanh dịch vụ đều rất lôm côm, tạp nham, số dịch vụ gắn với chức năng và nhiệm vụ của bảo tàng thì ít, còn lại phần lớn phục vụ kiểu đại trà, bán hàng chợ. Hầu hết các bảo tàng đều có khu bán đồ lưu niệm hoặc cho thuê bán đồ lưu niệm, tuy nhiên những sản phẩm ở đây lại khiến ngay chính những người làm tại bảo tàng cũng phải ngán ngẩm. Ông Phạm Quốc Quân, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt
Nhiều bảo tàng hiện nay dành mặt bằng để cho các đơn vị bên ngoài thuê kinh doanh tiệc cưới, bãi đỗ xe... (Ảnh: Đất Việt)
TS Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá cũng phản ánh: “Phần lớn các cửa hàng lưu niệm ở bảo tàng đều cho các đơn vị bên ngoài thuê để kinh doanh nên sản phẩm không phải do bảo tàng làm ra, chất lượng chưa cao, chưa nêu bật được ý nghĩa của bảo tàng. Một số bảo tàng còn bày bán cả tẩu hút thuốc phiện (!?). Không hiểu rằng nó có tính giáo dục gì tới khách thăm quan, đặc biệt là trẻ em nữa? Giá cả đồ lưu niệm ở bảo tàng giá cũng cao hơn bên ngoài trong khi chất lượng lại kém hơn. Thái độ phục vụ cũng kém!”.
Ngoài ra, nhiều bảo tàng còn “dễ dãi” trong việc cho thuê đất công để các đơn vị được “tự do” vào kinh doanh tiệc cưới, làm bãi đỗ xe hay bán cả bia hơi… TS Minh Lý đau xót khi đến thăm các bảo tàng ở TP.Hồ Chí Minh, chứng kiến tình trạng hai kiốt lớn bán tranh ngay phía trước Dinh Thống Nhất. “Tại sao một địa điểm lịch sử thiêng liêng như thế mà không thể tạo ra được những dịch vụ có tính giáo dục tới người dân?”… Tất cả những hoạt động kinh doanh dịch vụ tạp nham này, đã và đang làm biến dạng bộ mặt của bảo tàng, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động thăm quan của khách.
Nói về tình trạng kinh doanh dịch vụ trong bảo tàng, ông Đỗ Trọng Bằng, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh phân bua: “Chúng tôi cũng có những dịch vụ như trưng bày, triển lãm, bán hàng, bán đồ ăn, đồ giải khát. Tôi nghĩ bia hơi cũng là một nhu cầu hết sức bình thường của người dân khi đi thăm quan, thấy nóng và dừng chân uống giải khát. Bảo tàng chúng tôi có hai hội trường, cũng để cho thuê tổ chức hội thảo và tiệc cưới… Tất cả những dịch vụ này cũng chỉ là để góp phần tăng thêm nguồn thu nhập vốn ít ỏi của anh em”.
Năng động, sáng tạo để góp phần nâng cao đời sống cho cán bộ trong bảo tàng là điều đáng quý mà bảo tàng nào cũng nên làm. Nhưng liệu rằng, cách làm “ào ào” và “tràn lan” như hiện nay có phải là hướng đi đúng đắn và dài lâu cho các bảo tàng. PGS, TS. Nguyễn Văn Huy, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt
Đừng chỉ “té nước theo mưa”!
Trước tất cả những thực trạng đáng buồn đang xảy ra, liệu rằng bảo tàng có nên tiếp tục làm dịch vụ? Các đại biểu tham dự buổi toạ đàm đều khẳng định bảo tàng cần phải làm dịch vụ, đó không chỉ là việc nâng cao chất lượng phục vụ của bảo tàng mà còn là tạo thêm nguồn thu nhập cho cán bộ, nhân viên. Nhưng vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để bảo tàng vẫn hoạt động theo đúng nghĩa của nó và các dịch vụ đi kèm là để phát huy hơn nữa giá trị của bảo tàng?
Ông Phạm Quốc Quân, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt
Chính vì không xác định được kế hoạch lâu dài nên các dịch vụ như bán hàng lưu niệm, lẽ ra cần được đẩy mạnh thì lại không được các bảo tàng coi trọng. Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ phó Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho rằng: “Khu bán đồ lưu niệm cũng cần phải được xác định quan trọng như khu trưng bày. Nó không chỉ là phục vụ cho du khách mà còn là một nguồn thu cho bảo tàng”.
Những cán bộ bảo tàng ở nước ta đã không ít lần được sang các nước bạn như Trung Quốc, Thuỵ Điển,… để học tập về công tác bảo tàng. Tuy nhiên, kết quả mang về vẫn chưa thực sự nhiều. Có chăng vẫn chỉ là sự trầm trồ “tại sao bảo tàng của bạn lại làm ra được những sản phẩm tinh xảo, mang ý nghĩa gắn với những sự kiện, dấu tích trong bảo tàng và bán được với giá cao hơn rất nhiều hàng bên ngoài?”, mà chưa phải là “ta cần phải làm gì để có được những sản phẩm như thế?”.
Đây là lần thứ hai, một cuộc toạ đàm về dịch vụ tại bảo tàng được tổ chức, cho thấy tầm quan trọng của vấn đề này và những bức xúc của các đại biểu về hiện trạng hiện nay. Tuy nhiên, liệu rằng sau cuộc toạ đàm này, hoạt động dịch vụ ở các bảo tàng sẽ có sự chuyển biến tích cực hơn không, khi mà hầu hết các đại biểu chỉ tập trung nhấn mạnh việc bảo tàng cần đẩy mạnh dịch vụ, nhưng đẩy mạnh như thế nào thì chỉ có duy nhất PGS.TS. Nguyễn Văn Huy đề xuất giải pháp.
Theo ông Huy, khâu yếu nhất của các bảo tàng ở nước ta hiện nay vẫn là hai điểm: hoạt động của các cửa hàng lưu niệm, dịch vụ và vấn đề cho thuê đất công. “Chúng ta cũng nên học tập các nước trên thế giới. Bảo tàng không chỉ đơn thuần trưng bày hiện vật mà còn cần có khu phục vụ đồ ăn, uống giải khát cho khách trước, trong và sau khi thăm bảo tàng. Nhu cầu về quà lưu niệm cũng không thể thiếu, phải bằng mọi cách để khách đến và khi đi thì đều mua một cái gì đó. Có thể làm như các nước là bán những băng ghi âm, đĩa CD, DVD giới thiệu về bảo tàng…”, ông Huy nhấn mạnh.
Vấn đề cấp bách hiện nay là làm sao để nâng cao tính chuyên nghiệp và bản sắc trong hoạt động dịch vụ của bảo tàng. Ông Huy cho rằng: Mỗi bảo tàng đều có đặc trưng riêng và bộ sưu tập riêng, đó là bản sắc của bảo tàng và cần được nghiên cứu để chuyển hoá ra thành các sản phẩm phục vụ du khách. Bảo tàng cần phải có sự nỗ lực góp sức của các nhà kinh doanh chuyên nghiệp. Hiện các kiốt bán đồ lưu niệm hiện nay đều của người kinh doanh nhỏ lẻ nên chỉ là “ăn xổi” chứ không mang tính chuyên nghiệp. Phải có những nhà kinh doanh lớn, các đại gia để cùng thiết kế ra các sản phẩm văn hoá. Nếu có thể làm được thì sẽ gắn được đặc điểm, sản phẩm của làng nghề văn hóa vào đó.
Tới đây, mỗi bảo tàng chắc chắn sẽ có định hướng hoạt động dịch vụ riêng của mình, nhưng điều quan trọng là dù hoạt động như thế nào, cũng phải đặt thương hiệu của mình lên hàng đầu như PGS.TS. Huy đã nói: “Phải tạo ra được thương hiệu cho bảo tàng mình, và phải làm dịch vụ sao cho phát huy được thương hiệu đó mà không phải là làm mờ nó trong mắt khách thăm quan”./.
Khánh Nguyên