• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lũ lụt do dân, thời tiết, hay thủy điện?

Thời sự 14/11/2010 22:27

(Toquoc)-Một cuộc hội thảo mổ xẻ công tác vận hành các hồ chứa thủy điện đang khiến dư luận bức xúc

(Toquoc)-Một cuộc hội thảo mổ xẻ công tác vận hành các hồ chứa thủy điện đang khiến dư luận bức xúc vừa được tổ chức…

Không hoàn toàn do các “chủ hồ”?

Nhà máy thuỷ điện nào cũng mong muốn cắt được đỉnh lũ lớn, nhưng do hạn chế về dung lượng hồ chứa, thời tiết diễn biến khó lường...nên thiệt hại là khó tránh khỏi.

Tổng giám đốc nhà máy thuỷ điện sông Ba Hạ ( Phú Yên) Võ Văn Tri, đã “thanh minh” hành động xả lũ vừa qua tại “Hội thảo công tác vận hành các hồ chứa thuỷ điện” sáng 13/11 do Bộ Công Thương chủ trì.

Thủy điện sông Ba Hạ xả lũ khiến hạ du Phú Yên ngập lụt thêm trầm trọng

Trong đợt lũ vừa qua, dư luận đã quy kết trách nhiệm hồ thuỷ điện Sông Ba Hạ xả lũ không theo quy trình do Thủ tướng quy định gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo, điều hành di dời dân. Công ty cổ phần Thuỷ điện Sông Ba Hạ trước khi xả lũ cường độ lớn (có thời điểm hơn 6.000m3/s) đã không báo cáo cho UBND tỉnh, khiến tỉnh hoàn toàn bị động.

Theo nguyên tắc vận hành qui trình xả lũ, trước khi tiến hành mở van các chủ hồ phải có thông báo bằng văn bản gửi UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh, Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, thậm chí cả số dân sinh sống ven hồ chứa.

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Phú Yên, ông Võ Tiến Cam cho rằng, hồ thuỷ điện Sông Ba Hạ đã làm đúng quy trình xả với mức nước về. Tuy nhiên, sơ suất của Công ty là không báo cho UBND tỉnh để có kế hoạch di dân kịp thời. Hơn nữa, việc xả lũ với lưu lượng lớn rơi vào thời điểm chiều tối, gây khó khăn cho công tác di dân và ứng phó với ngập lụt vùng hạ du...

Bỏ qua khâu cốt yếu nhất trong quy trình vận hành xả lũ, “ông chủ” thuỷ điện sông  Ba Hạ vẫn được Sở chuyên ngành đánh giá đó chỉ là một sơ suất nhỏ (?!)

Đồng quan điểm thuỷ điện không phải là nguyên nhân gây ra ngập lụt, ông Bùi Minh Tăng –Giám đốc Trung tâm khí thượng thuỷ văn Trung ương, và vị đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng: các sông miền Trung có độ dốc lớn, xuất hiện lưu lượng đỉnh lũ nhanh, rất khó để tính toán các phương án, vì vậy không nên đổ tại các hồ xả lũ, cứ nhằm vào các hồ thuỷ điện rồi lại tiến hành triển khai cải tiến, mà không xem xét nhiều góc độ khác của thuỷ điện.Từ trước tới nay, khi đầu tư các dự án thuỷ điện, đa phần chỉ quan tâm đến hiệu quả kinh tế mà ít quan tâm tới các vấn đề về môi trường dân sinh. Khi một dự án thủy điện được triển khai người ta phải chặt cây, làm đập, mở đường, kéo điện...làm cho môi trường bị biến dạng và tất nhiên, điều này sẽ làm cho lũ lụt, thiên tai trở nên nặng nề thêm.

Lụt do dân, thời tiết, hay thiết kế hồ chứa?

Còn nhớ, vào tháng 9/2009 giữa lúc bão dữ tràn vào bờ cũng là lúc lãnh đạo Nhà máy Thuỷ điện A Vương có công văn xin lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cho xả lũ hồ chứa nước. Lãnh đạo tỉnh đã lắc đầu từ chối. Tuy nhiên, sau đó ít giờ đồng hồ lãnh đạo UBND trong cuộc hội ý chớp nhoáng đã phải gật đầu để cho xả lũ. 6 giờ đồng hồ sau, lũ trên các sông Vu Gia - Thu Bồn đã vượt báo động III gần 2 mét nước. Với nhiều người dân Quảng Nam đó lần đầu tiên họ chứng kiến một "hiện tượng" lạ lùng trái với qui luật. Đó là bão và lũ diễn ra cùng lúc.

Giám đốc thuỷ điện A Vương khá bức xúc khi có nhiều người dân canh tác tại khu vực hạ lưu đập tràn, vi phạm hành lang thoát lũ, mất an toàn cho chính bản thân và khả năng thoát lũ của công trình. “Trong lúc thuyết phục người dân đã khó, mùa lũ cũng như biến đổi của thiên nhiên thì quá khắc nghiệt, trận lũ năm ngoái đã cho thấy rằng thiết kế của nhà máy đã không còn phù hợp mặc dù mới bắt đầu đi vào vận hành chưa đến ba mùa lũ (2008)”

Thực tế cũng cho thấy, khu vực miền Trung và Tây Nguyên do các sông có độ dốc lớn, lòng sông hẹp nên thời gian xuất hiện lưu lượng đỉnh lũ nhanh. Hơn nữa, cửa sông các tỉnh ven biển thường bị bồi lấp, cản trở việc tiêu thoát lũ trong khi không thể xây dựng các hồ chứa lớn. Mặc dù không có nhiệm vụ phòng lũ nhưng trong quá trình thẩm định, Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu các chủ đập bố trí dung tích hồ chứa trong thời kì lũ sớm để góp phần giảm lũ cho hạ du.

Một số ý kiến cho rằng, phần lớn các thuỷ điện không có hồ chứa dự phòng nên khi lũ lớn đến mức báo động thì xảy ra nhiều nguy cơ. Công tác dự báo cũng chưa hoàn thành nhiệm vụ trợ giúp cho việc điều tiết nước của hồ thuỷ điện. Thời gian vừa qua, các thuỷ điện đều có tâm lý tích nước để phát điện, không chủ động xả lũ nên khi lũ về nhanh thì lâm vào thế bị động.

Sự cố tràn đập thuỷ điện Hố Hô (Hà Tĩnh) trong đợt lũ tại Bắc trung bộ tháng trước, thể hiện rõ hạn chế năng lực hệ thống vận hành cửa xả tràn của các nhà máy thuỷ điện hiện nay. Nhà máy thuỷ điện Hố Hô thậm chí đã tính toán đến phương án cho nổ mìn nhằm bảo vệ thân đập.

Trong khi các phương án bảo vệ đập thủy điện đang được triển khai thì hàng ngàn hộ dân ở huyện miền núi Hương Khê vẫn đang sống trong cảnh nớm nớp nỗi lo vỡ đập.

Đánh giá công tác vận hành các hồ chứa thuỷ điện trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đã yêu cầu các lãnh đạo nhà máy thuỷ điện phải phối kết hợp chặt chẽ với địa phương, trong đó lãnh đạo các nhà máy thuỷ điện phải là thành viên của Uỷ ban phòng chống lụt bão địa phương để việc thông báo xả lũ không gặp phải vướng mắc.

Với các dự án nhà máy thuỷ điện công suất nhỏ, không phát huy tác dụng lại góp phần tạo ngập lụt hàng trăm hecta, Bộ và các ban ngành có liên quan sẽ rà soát lại các danh mục để có thể chyển đổi mục đích hoặc sẽ dẹp bỏ những dự án thuỷ điện không hiệu quả./.

Thành Tâm

NỔI BẬT TRANG CHỦ