• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lựa chọn bất ngờ mới của Nhà Trắng về con đường vũ khí hạt nhân với Nga?

Thế giới 21/05/2020 16:46

(Tổ Quốc) - Nhà Trắng dường như đang xem xét gia hạn trong thời gian ngắn hơn hiệp ước vũ khí với Nga - một phần của chiến lược hướng đến một thỏa thuận rộng hơn với Moscow và cũng có thể bao gồm cả Trung Quốc.

Chính quyền Trump đang cân nhắc một chiến lược duy trì được một hiệp ước hạt nhân thời Obama sắp hết hạn trong khi vẫn theo đuổi một hiệp ước vũ khí sâu rộng hơn với cả Nga và Trung Quốc, tờ Politico dẫn thông tin từ các quan chức chính quyền đương nhiệm và các cựu quan chức thạo tin.

Tờ Politico dẫn các nguồn tin này cho biết, theo kế hoạch, Nhà Trắng sẽ tạm thời gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới New START trong khi vẫn tìm kiếm một thỏa thuận mới với Moscow và cố gắng thuyết phục Trung Quốc tiến tới bàn đàm phán.

Tìm giải pháp duy trì hạn chế hạt nhân

Công thức ngoại giao này được Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh Quốc gia nhìn nhận là đầy hứa hẹn để ngăn chặn START mới hết hạn vào tháng 2 và khiến Nga đồng ý - ít nhất là về nguyên tắc - đối với các giới hạn toàn diện hơn về vũ khí hạt nhân.

"Cả hai cách tiếp cận đều phù hợp, hoặc kết hợp chúng với nhau", theo một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, người yêu cầu không nêu tên.

Lựa chọn bất ngờ mới của Nhà Trắng về con đường vũ khí hạt nhân với Nga? - Ảnh 1.

Mỹ đã nhiều lần chỉ trích sự phát triển sức mạnh hạt nhân của Nga. Ảnh: BQP Nga/ AP.

New START là một trong những hiệp ước cuối cùng còn lại nhằm kiểm soát kho vũ khí nguyên tử lớn nhất thế giới. Nhưng những lo ngại đã gia tăng giữa các thành viên đảng Cộng hòa và Dân chủ rằng Tổng thống Donald Trump có thể rút Mỹ khỏi hiệp ước này, tương tự như việc ông rút khỏi Hiệp ước các Lực lượng hạt nhân tầm trung năm 1987 với Nga và hiệp ước hạt nhân thời Obama với Iran.

Nhiều tuần gần đây đã có những tiếng nói lo lắng về nguy cơ Mỹ đi theo hướng đi này, rằng mục tiêu của Washington về việc đàm phán hiệp ước hạt nhân quy mô lớn hơn với cả Moscow và Bắc Kinh trước khi New START hết hạn là không thực tế và, nếu thất bại, có nguy cơ gây ra chạy đua vũ trang hạt nhân toàn diện.

Một số chuyên gia về kiểm soát vũ khí cũng nêu ra một số câu hỏi và quan ngại, lưu ý rằng cách tiếp cận này vẫn gây rủi ro cho New START trong khi không đảm bảo rằng có thể thi hành được bất kỳ hiệp ước nào tiếp theo.

Nhưng nó cũng mang lại những khả năng mới, theo Jon Wolfsthal, người giám sát chính sách hạt nhân của Hội đồng An ninh Quốc gia trong chính quyền Obama.

"Gia hạn thêm sáu tháng để cho mình một chút thời gian đàm phán điều gì đó mới với người Nga - và kêu gọi người Trung Quốc tham gia - vốn dĩ không tệ", Wolfsthal, hiện là cố vấn cấp cao của Global Zero, một nhóm về giải giáp vũ khí.

New START, được Tổng thống Mỹ Barack Obama ký với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào năm 2010 và được Thượng viện Mỹ phê chuẩn, giới hạn vũ khí hạt nhân chiến lược ở cả hai bên là 1.550 đầu đạn. Hiệp ước này cũng đề cập đến các biện pháp xác minh chi tiết như thanh sát tại để đảm bảo cả hai bên đều tuân thủ thỏa thuận.

Nga cho biết công khai vào cuối năm ngoái rằng họ sẵn sàng gia hạn hiệp ước trọn năm năm mà không cần điều kiện tiên quyết. Cho đến nay, chính quyền Trump vẫn khăng khăng rằng hiệp ước này còn thiếu sót vì nó không bao gồm một loạt vũ khí hạt nhân khác trong kho vũ khí của Nga, như các đầu đạn chiến thuật.

Hoa Kỳ không cam kết gia hạn hiệp ước và Trump nói rằng muốn thay thế nó bằng một thỏa thuận toàn diện hơn, bao gồm nhiều loại vũ khí hơn và các biện pháp xác minh nghiêm ngặt.

Marshall Billingslea, đặc phái viên của Trump về kiểm soát vũ khí, gần đây đã nói với Washington Times: "Nga đã vi phạm gần như mọi thỏa thuận mà chúng tôi đã từng có với họ - và Trung Quốc vi phạm một số thỏa thuận mà họ đã ký kết".

Đánh bạc với hi vọng mong manh

Các quan chức Mỹ cho biết một điều hiện đang được xem xét nghiêm túc sẽ là sẽ gia hạn New START, nhưng trong thời gian ngắn hơn đáng kể so với mốc thời hạn tối đa năm năm được cho phép theo hiệp ước.

Wolfsthal cho biết một vấn đề lớn là liệu hiệp ước này có thể được gia hạn hợp pháp một lần nữa không nếu Hoa Kỳ và Nga - không đề cập đến Trung Quốc - không đạt được bất kỳ thỏa thuận tiếp theo nào trước khi lượt gia hạn New START này cũng hết hạn.

"Có một số lo ngại rằng chính quyền này, để tìm cách xóa sổ New START, sẽ nói rằng chúng tôi sẽ kéo dài sáu tháng, nhưng sau đó đốt cháy cây cầu của mình. Nhưng những người khác lại nói rằng: "Không, bạn có thể gia hạn trong sáu tháng và sau đó gia hạn bốn năm rưỡi hoặc ba năm, miễn là tổng cộng thời gian gia hạn không vượt quá 5 năm".

Một cựu quan chức chính phủ theo dõi chặt chẽ chính sách hạt nhân nhìn nhận rằng suy nghĩ trên đang phản ánh thực tế ngày càng rõ ràng rằng chính quyền Trump đang đi gần tới cuối nhiệm kỳ và khi quan hệ với Nga và Trung Quốc tiếp tục bị ảnh hưởng thì Washington dường như không thể đạt được của đột phá ngoại giao lịch sử Trump đã được hứa hẹn.

Chính quyền có thể tìm kiếm một hiệp ước kéo dài một năm hoặc hai năm trong khi họ muốn nhận được một điều gì đó. Tôi nghĩ họ muốn có điều gì đó bằng văn bản, một cựu quan chức giải thích. "Tuy nhiên, đây sẽ không phải là một tài liệu pháp lý ràng buộc. Tôi nghĩ rằng nó sẽ chỉ mang tính nguyên tắc".

Một số quan chức đã nêu ra dự đoán rằng văn bản mới sẽ tương tự nhưHiệp ước Giảm tấn công chiến lược năm 2002, còn được gọi là Hiệp ước Moscow.

Được ký bởi Putin và Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush, thỏa thuận này hướng tới cắt giảm thêm vũ khí hạt nhân ở cả hai bên nhưng có ít quy định hơn các hiệp ước tương tự và ít ràng buộc hơn về cách mỗi bên có thể thực hiện các cam kết của mình.

Nhưng một yếu tố chính vào thời điểm đó là START I, trước khi có New START, vẫn còn tồn tại trong bảy năm nữa và Hiệp ước Moscow có thể dựa vào đó để thực hiện các biện pháp xác minh.

"Đánh bạc với kì vọng rằng một phần mở rộng ngắn hạn sẽ đủ thuyết phục người Nga và người Trung Quốc đến bàn đàm phán và đáp ứng các điều khoản không gây được ấn tượng với tôi như một cách tiếp cận thông minh hay có trách nhiệm", Kingston Reif, giám đốc về giải trừ vũ khí và chính sách giảm thiểu mối đe dọa tại Hiệp hội kiểm soát vũ khí, cho biết.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ