• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Luật Đất đai (sửa đổi): Cần tạo cơ chế phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thời sự 01/12/2023 13:58

(Tổ Quốc) - Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhận được nhiều ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội. Bên cạnh quy định về định giá đất, vấn đề thu hồi đất để phát triển hạ tầng du lịch đang nhận được nhiều quan tâm góp ý.

Cần bổ sung phạm vi thu hồi đất để phát triển hạ tầng du lịch

Điều 79 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định 30 trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, gồm: Xây dựng công trình giao thông; xây dựng cơ sở y tế; xây dựng cơ sở giáo dục, đào tạo; thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang trừ trường hợp thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất; nhà ở công vụ; cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư… Song lại vắng bóng các dự án phát triển du lịch. Lĩnh vực này tạo ra hàng loạt công ăn việc làm cho người lao động, thúc đẩy các ngành, nghề khác phát triển, như ẩm thực, khách sạn, hàng không, thậm chí là làng nghề truyền thống.

Trong khi, đối với Việt Nam, du lịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, kinh tế tổng hợp có nhiều đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Về đóng góp trực tiếp, theo Tổng cục Du lịch, năm 2019 (trước dịch bệnh) doanh thu từ du lịch đạt 755.000 tỷ đồng, tương đương 12,5% GDP hiện hành. Trong 9 tháng năm 2023, ngành du lịch tiếp tục có những đóng góp quan trọng khi doanh thu lưu trú, ăn uống và dịch vụ lữ hành đạt 526,5 nghìn tỷ đồng (tương đương 7,24% GDP ), trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 16% và du lịch lữ hành tăng 47,7% so cùng kỳ năm trước.

Khảo sát của Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam cho thấy, trong các yếu tố cản trở tốc độ, quy mô và quyết tâm tham gia vào thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Việt Nam, yếu tố kinh tế - tài chính chiếm 30%, yếu tố pháp lý chiếm 50% và yếu tố khác chiếm 20%. Số liệu trên cho thấy, những khoảng trống pháp lý trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng cũng đã và đang gây ra lo ngại cho các nhà đầu tư về tính an toàn pháp lý hay những rủi ro có thể xảy ra.

Theo các chuyên gia, thực tế hệ thống văn bản pháp luật hiện hành chưa thực sự tạo động lực cho phát triển hạ tầng du lịch, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực này. Cụ thể, Luật Du lịch được Quốc hội thông qua vào tháng 6.2017 và có hiệu lực từ ngày 1.1.2018 với phạm vi điều chỉnh liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước về tài nguyên du lịch, phát triển sản phẩm du lịch và hoạt động du lịch; quyền, nghĩa vụ của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, cộng đồng dân cư có hoạt động liên quan đến du lịch; quản lý nhà nước về du lịch. Do vậy, phạm vi điều chỉnh của Luật du lịch không bao gồm việc xây dựng và hình thành, phát triển hạ tầng du lịch và tài nguyên du lịch. Trong khi đó, các lĩnh vực khác được hỗ trợ, tiếp cận được đất đai để thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua việc nhà nước thực hiện thu hồi đất, kể cả các công trình như kho chứa dầu thô, kho chứa, trạm bơm xăng, dầu khí hoặc xây dựng chợ dân sinh.

Theo đại biểu Cầm Thị Mẫn, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, mục tiêu quan trọng nhất của lần sửa đổi Luật Đất đai lần này là phải xây dựng dự án luật đáp ứng yêu cầu phát huy tiềm năng thế mạnh của đất đai. Đồng thời, làm sao phải giảm thiểu phát sinh các khiếu nại, tố cáo, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng, lợi ích của người dân, doanh nghiệp.

Luật Đất đai (sửa đổi): Cần tạo cơ chế phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn - Ảnh 1.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa

Tuy nhiên, đại biểu Cầm Thị Mẫn thừa nhận thực tế, các dự án vui chơi, giải trí gắn với du lịch đòi hỏi quỹ đất phải đủ lớn. Trong khi đó, khâu giải phóng mặt bằng là một trong những thách thức lớn. Hiện nhiều trường hợp, việc giải phóng mặt bằng bị "ách tắc", thậm chí là phải dừng thi công không thời hạn chỉ vì một, hoặc một số ít hộ dân không chịu thỏa thuận đền bù, hoặc yêu cầu mức giá quá cao so với giá trị của thửa đất hay căn nhà đang sở hữu. Trên thực tế, đối với dự án lớn, quan trọng, tiến độ thi công yêu cầu nhanh, cấp bách thì một số nhà đầu tư, doanh nghiệp không thể đàm phán, thỏa thuận được với hàng nghìn người dân trong một thời ngắn được. Do đó, để triển khai được dự án, khai thông bế tắc, nhà đầu tư, doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ của Nhà nước trong thu hồi đất.

Trong khi đó, theo đại biểu Cầm Thị Mẫn, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện mới chỉ quy định trường hợp thu hồi đất đối với xây dựng khu vui chơi, giải trí công cộng, sinh hoạt cộng đồng, không thu phí. Các dự án này thường được đầu tư kinh phí từ ngân sách nhà nước, nên có quy mô nhỏ lẻ. Vì thế, quy định trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần bao quát đầy đủ các trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, đặc biệt là những dự án hạ tầng du lịch, đô thị quy mô lớn, mang lại giá trị kinh tế - xã hội lớn cho các địa phương. Điều này vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhu cầu phát triển của địa phương trong điều kiện nguồn lực eo hẹp, vừa thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 18.

Nên bổ sung trường hợp thu hồi đất với dự án khu chức năng trong khu kinh tế

Một vấn đề nữa được các ĐBQH rất quan tâm đó là việc thu hồi đất để nhà đầu tư có cơ hội tiếp cận nguồn lực đất đai phát triển khu kinh tế. Hiện nay, cả nước có 18 khu kinh tế đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước. Trong khu kinh tế có các khu chức năng như khu công nghiệp, khu dịch vụ, du lịch, khu vui chơi giải trí, khu đô thị. Khu kinh tế được đưa vào danh mục cần được phát triển và khuyến khích đầu tư. Theo đó, cơ chế, chính sách khu kinh tế được hưởng tương ứng với địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Cụ thể, được hưởng các chính sách về tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất, nhập khẩu. Do vậy, phát triển khu kinh tế là một trong những chính sách lớn của Đảng, Nhà nước.

Vì vậy, theo đại biểu Cầm Thị Mẫn, việc tạo điều kiện phát triển khu kinh tế, nhất là việc thu hồi đất để tiếp cận nguồn lực về đất đai trong phát triển khu kinh tế là điều cần thiết. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện nay chỉ quy định trường hợp thu hồi đất trong khu kinh tế đó là khu phi thuế quan, không bao gồm các khu chức năng khác dẫn đến sẽ mất cân bằng phát triển, mất tính cạnh tranh giữa các ngành nghề trong khu kinh tế. Vì vậy, cần có cơ chế thu hồi đất đối với toàn bộ các khu chức năng theo quy hoạch của khu kinh tế và bảo đảm phù hợp phát triển bền vững, cạnh tranh công bằng, minh bạch.

Bên cạnh đó, đại biểu Cầm Thị Mẫn cũng cho rằng cần quan tâm đến tạo quỹ đất cho mục đích an sinh – xã hội, nhất là xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người có thu nhập thấp. Do đó, Luật Đất đai (sửa đổi) cần phải thống nhất, đồng bộ với Luật Nhà ở (sửa đổi), hướng tới tạo quỹ đất phù hợp, đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội hiện nay cho các đối tượng này có chốn "an cư lập nghiệp".

Cần cơ chế để thúc đẩy phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Tạ Văn Hạ, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần ứng xử như thế nào đối với du lịch, để làm sao đó thực hiện được đúng tinh thần, mục tiêu, quan điểm Nghị Quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, cũng như các quy định triển khai Luật Du lịch.

Cụ thể, đối với các dự án phát triển du lịch, vấn đề giao đất, thu hồi đất tại Điều 79 của Dự thảo Luật, ở khoản 21 và khoản 27 cần bổ sung thêm các dự án phát triển du lịch, hướng tới các mục tiêu của Nghị quyết số 08. Ngoài câu chuyện về phát triển kinh tế, các dự án du lịch, giải trí còn tác động đến vấn đề xã hội, đáp ứng nhu cầu vui chơi của người dân, người lao động. Bởi vậy, Dự thảo Luật lần này cần nghiên cứu, bổ sung các cơ chế về quỹ đất nhằm tạo động lực, điều kiện để du lịch Việt Nam "cất cánh".

Luật Đất đai (sửa đổi): Cần tạo cơ chế phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn - Ảnh 2.

Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách, ĐBQH Hoàng Văn Cường

Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách, đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cũng cho rằng, đầu tư phát triển hạ tầng du lịch là đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, nếu để nhà đầu tư tự thỏa thuận với người dân sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, các dự án du lịch tạo nhiều công ăn, việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống người dân trong vùng, có thể xem xét là mang lại lợi ích quốc gia, công cộng.

Chính vì vậy, các dự án du lịch nên thuộc diện phải thu hồi đất. Sau khi Nhà nước hoàn tất thu hồi và bảo đảm quyền lợi cho người dân. Việc này sẽ giúp điều tiết giá trị địa tô chênh lệch của đất nông nghiệp. Ngược lại, nếu không đấu thầu, đấu giá mà để nhà đầu tư và doanh nghiệp tự thỏa thuận với nhau sẽ gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Tuy nhiên, việc thu hồi đất cũng phải có điều kiện như dự án phải tạo ra giá trị cho kinh tế - xã hội, đúng quy hoạch, được sự đồng thuận của người dân.

Đăng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ