• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Luật Thủ đô (sửa đổi): Xây dựng Hà Nội thành trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao

Thời sự 14/11/2023 10:27

(Tổ Quốc) - Đại biểu Quốc hội Vương Quốc Thắng cho rằng, muốn Thủ đô là đầu tàu của cả nước về kinh tế - xã hội thì trước hết và quan trọng nhất phải xây dựng Thủ đô thành trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) là nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại các nghị quyết của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó xác định xây dựng, phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện qua hơn 9 năm thi hành Luật Thủ đô năm 2012.

Dự thảo luật gồm 7 chương, 59 điều; trong đó sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều. Đáng chú ý, dự thảo luật quy định về chính quyền Thủ đô, trong đó, về mô hình tổ chức, thực hiện mô hình không tổ chức Hội đồng nhân dân phường ở Hà Nội theo Nghị quyết số 97 và bổ sung thành phố thuộc Thành phố Hà Nội.

Cùng với đó là tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân (từ 95 lên 125 đại biểu), tỉ lệ đại biểu chuyên trách (từ 20% lên 25%), số lượng Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân (từ 2 lên tối đa 3); mở rộng thành phần Thường trực Hội đồng nhân dân so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm nâng cao năng lực và tăng tính chuyên nghiệp của Hội đồng nhân dân.

Luật Thủ đô (sửa đổi): Xây dựng Hà Nội thành trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao - Ảnh 1.

Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình tóm tắt Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Đặc biệt là quy định cơ cấu tổ chức của chính quyền thành phố thuộc thành phố Hà Nội (dự kiến thành lập theo Nghị quyết số 15-NQ/TW tại khu vực phía Bắc - thành phố logistics, dịch vụ - vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và phía Tây - thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học - vùng Hòa Lạc, Xuân Mai), với những đặc thù khác so với chính quyền quận, huyện, thị xã như tăng số lượng Phó chủ tịch Hội đồng, Ủy ban nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách, bổ sung Ban Đô thị.

Đặc biệt, về tổ chức, bộ máy, cán bộ, công chức Thủ đô, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, dự thảo luật quy định một số nội dung đặc thù: Hội đồng nhân dân thành phố thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đặc thù thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, quận, huyện. Hà Nội được tăng thêm biên chế phù hợp với nhu cầu thực tế.

Qua thảo luận, các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành, mục đích, quan điểm xây dựng và phạm vi sửa đổi Luật Thủ đô; Hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được Chính phủ chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Vương Quốc Thắng- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam bày tỏ tán thành với hồ sơ dự án Luật và báo cáo thẩm tra. Tán thành với quy định về chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài được nêu trong dự thảo Luật, nhưng đại biểu cũng cho rằng để phát huy hết "nguyên khí" của "hiền tài" đưa Thủ đô trở thành thành phố "văn hiến - văn minh - hiện đại", "trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng", phải xây dựng cơ chế đặc thù tương xứng, cụ thể và khả thi trong việc thu hút, trọng dụng nhân tài của Thủ đô.

Theo đó, bên cạnh các chính sách ưu đãi về xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức; ký hợp đồng làm việc hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập, được ký hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, y tế, giáo dục với chế độ đãi ngộ phù hợp, cần bổ sung và cụ thể hóa các chính sách ưu đãi cụ thể về thu nhập, bao gồm tiền lương và các thu nhập ưu đãi ngoài tiền lương, các ưu đãi hoặc hỗ trợ về chỗ ở, phương tiện đi lại, chăm sóc y tế cho người tài và một số lượng nhất định người thân của người tài đó.

"Nếu chỉ dừng lại ở những ưu đãi nhất định trong tương quan của khu vực công lập như quy định tại dự thảo Luật hiện nay sẽ rất khó cạnh tranh và giữ chân người hiền tài gắn bó với khu vực công", đại biểu Vương Quốc Thắng nói và đề nghị nghiên cứu chính sách với nhân tài hoạt động cơ hữu và một số nhân tài hoạt động theo các chương trình, sự việc cụ thể.

Luật Thủ đô (sửa đổi): Xây dựng Hà Nội thành trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Vương Quốc Thắng- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Về chính sách phát triển giáo dục và đào tạo của Thủ đô, theo đại biểu Vương Quốc Thắng, so với các quy định tại Luật Thủ đô hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi đã có bước tiến lớn về chính sách phát triển giáo dục và đào tạo của Thủ đô.

Nhấn mạnh giáo dục là quốc sách hàng đầu, đại biểu Vương Quốc Thắng nêu rõ, muốn Thủ đô là đầu tàu của cả nước về kinh tế - xã hội thì trước hết và quan trọng nhất phải xây dựng Thủ đô thành trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao.

Để làm được điều này, theo đại biểu tỉnh Quảng Nam, song song với việc chú trọng đầu tư, xây dựng sở hạ tầng, đội ngũ giáo viên phục vụ tối đa nhu cầu học tập của học sinh; cho phép thực hiện liên kết giáo dục với các cơ sở giáo dục nước ngoài, ưu đãi về tài chính, chính sách về giáo dục và đào tạo của Thủ đô cần được tiếp tục đổi mới theo hướng chú trọng giáo dục và đào tạo toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ; xây dựng chính sách thu hút các nhà giáo, nhà khoa học trong nước và quốc tế đến giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở các học của Thủ đô…

Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Sùng A Lềnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai cho biết, tại điểm d khoản 5 Điều 27 dự thảo Luật quy định, phân cấp, phân tuyến chuyên môn kỹ thuật các cơ sở khám, chữa bệnh chăm sóc sức khỏe Nhân dân thuộc phạm vi quản lý của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 không còn khái niệm "phân tuyến chuyên môn kỹ thuật". Do giữa dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chưa thống nhất với Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành, nên đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị, Ban soạn thảo cân nhắc chỉnh sửa phù hợp.

Luật Thủ đô (sửa đổi): Xây dựng Hà Nội thành trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao - Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội Sùng A Lềnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Ngoài ra, điểm b khoản 2 Điều 28 dự thảo Luật quy định, việc hỗ trợ đất sản xuất cho hộ dân tộc thiểu số nghèo sinh sống ở xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi làm nghề nông, lâm nghiệp không có hoặc thiếu từ 50% đất sản xuất trở lên. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật chưa quy định như thế nào là "hộ dân tộc thiểu số nghèo". Nêu ra vấn đề này, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị, Ban soạn thảo cân nhắc chỉnh sửa cho phù hợp hoặc bổ sung khái niệm "hộ dân tộc thiểu số nghèo" hoặc thay bằng cụm từ "hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi".

Bên cạnh đó, để đảm bảo tính thống nhất trong toàn bộ dự thảo Luật, đại biểu tỉnh Lào Cai đề nghị: Tại Khoản 2 Điều 14 dự thảo luật quy định "Ủy ban nhân dân thành phố thuộc thành phố Hà Nội có không quá 04 Phó Chủ tịch", sửa đổi số "04" thành chữ "bốn". Tức là:"Ủy ban nhân dân thành phố thuộc thành phố Hà Nội có không quá bốn Phó Chủ tịch".

Ngoài ra, tại Khoản 3 Điều 20 của dự thảo luật quy định "Quỹ đất của các cơ quan, đơn vị, cơ sở di dời khỏi đô thị trung tâm theo quy định tại khoản 2 Điều này, khoản 3 Điều 29 của Luật này được ưu tiên sử dụng để xây dựng không gian công cộng và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa". Về nội dung này, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm cụm từ "lịch sử, truyền thống" thành như sau: "Quỹ đất của các cơ quan, đơn vị, cơ sở di dời khỏi đô thị trung tâm theo quy định tại khoản 2 Điều này, khoản 3 Điều 29 của Luật này được ưu tiên sử dụng để xây dựng không gian công cộng và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống".

Đăng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ