• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lý giải sự thành công của Đông Bắc Á trong môn curling và kinh nghiệm cho Việt Nam

Thể thao 27/06/2023 10:19

(Tổ Quốc) - Theo New York Times, trong những năm gần đây, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đã phát triển mạnh mẽ curling (bi đá trên băng), đầu tư nhiều nguồn lực, gây dựng được những vận động viên nổi tiếng và thay đổi bối cảnh cạnh tranh trên toàn cầu.

Mỗi khi đến các kỳ Olympic mùa đông, curling là một môn thể thao được rất nhiều người hâm mộ Việt Nam theo dõi. Trong khi Việt Nam chưa phát triển nhiều môn thể thao này thì việc đánh giá được hành trình curling tại các nước khác trong khu vực có thể mang lại nhiều kinh nghiệm chủ động hơn.

Ở Nhật Bản, các nữ tuyển thủ curling đội tuyển quốc gia nổi tiếng không kém những ngôi sao nhạc rock, thậm chí thói quen ăn vặt của họ cũng trở thành tin tức quốc gia.=

merlin_202147458_bf0cfb77-3c3f-4.jpg

Các nữ tuyển thủ Nhật Bản nổi tiếng không kém những ngôi sao nhạc rock. Ảnh: NYT.

Tại Hàn Quốc, số lượng khán giả theo dõi môn thể thao này trên truyền hình cũng liên tục tăng vọt. Vào ngày thi đấu của đội Hàn Quốc và đội Nhật Bản tại Olympic mùa đông 2022, khoảng 1/5 tổng số hộ gia đình trên khắp Hàn Quốc tập trung theo dõi.

Và ở Trung Quốc, chính phủ đã thuê một nhà vô địch thế giới ba lần để huấn luyện các đội tuyển curling. Ở nhiều địa phương, các tuyển thủ curling nghiệp dư cũng tự sáng chế ra những dụng cụ chơi ngoài trời để luyện tập

Có thể nói curling đang dần rời xa các cường quốc truyền thống như Canada và Thụy Điển và hướng tới Đông Bắc Á.

Sự đầu tư lớn từ chính phủ

Olympic mùa đông tại Bắc Kinh vừa qua có thể nói là một trong những sàn đấu cạnh tranh nhất của curling trong nhiều năm. Một lý do chính là sức mạnh của Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, những đội tuyển nữ hiện đang được xếp hạng trong top 10 thế giới.

Thành công của các quốc gia này phản ánh lượng tài nguyên và sự quan tâm dành cho một môn thể thao mà nhiều người ở Đông Bắc Á thậm chí còn chưa từng nghe đến vài thập kỷ trước. Các huấn luyện viên nước ngoài hàng đầu hiện đang dẫn dắt các đội tuyển của họ, các cầu thủ đang dành 8 đến 10 giờ mỗi ngày trên sân và cả chính phủ cùng các nhà tài trợ doanh nghiệp cùng đang tài trợ lớn cho môn thể thao này.

Sự cạnh tranh đặc biệt lớn giữa các đội nữ. Kết quả chung cuộc là Anh đã giành huy chương vàng và Nhật Bản đánh bại một cường quốc curling là Thụy Điển để giành huy chương bạc.

J.D. Lind, huấn luyện viên trưởng người Canada của đội tuyển Nhật Bản cho biết: "Đây là lần thi đấu cạnh tranh nhất từng thấy trong Thế vận hội".

Trung Quốc đón nhận môn curling mới chỉ vào đầu những năm 1990 nhưng cho tới nay cũng đã đạt được thành công quốc tế tương đối nhanh chóng. Đội tuyển curling nữ Trung Quốc đã giành chức vô địch thế giới năm 2009 và huy chương đồng trong Thế vận hội mùa đông Vancouver 2010.

Dù không mang về thành tích lớn tại Olympic 2022, đội nữ Trung Quốc đã đánh bại Canada, Hàn Quốc và Anh trong các trận đấu vòng tròn một lượt.

Vậy đâu là bí mật thành công của Trung Quốc? Tại đây, nhiều trại huấn luyện dài hạn đã được mở và chính phủ cũng dành các khoản đầu tư cho môn thể thao này. Vào năm 2019, Trung Quốc thậm chí đã thuê Peja Lindholm, người từng ba lần vô địch thế giới đến từ Thụy Điển, để giám sát công tác huấn luyện.

Việc xây dựng được một chương trình phát triển thể thao thống nhất từ trên xuống cũng giúp phát hiện tài năng trẻ dễ dàng hơn. Zhang Lijun, người hiện dẫn đầu đội curling nữ ở Trung Quốc, từng là một vận động viên trượt băng tốc độ nhưng sau đó đã được phát hiện và chuyển sang môn curling. Năm 2019, Zhang giành vị trí đầu tiên tại Giải vô địch curling trên băng châu Á - Thái Bình Dương.

Lý giải sự thành công của Đông Bắc Á trong môn curling và kinh nghiệm cho Việt Nam - Ảnh 2.

Curling ghi nhận sự phát triển nhanh chóng tại Trung Quốc. Ảnh: NYT.

Môn thể thao giúp gắn kết cộng đồng

Huấn luyện viên tuyển Nhật Lind cũng cho biết bối cảnh phát triển môn curling tại Nhật Bản đã thay đổi đáng kể trong thập kỷ qua. Trong khi các câu lạc bộ curling đang đóng cửa ở một số vùng của Canada, thì chúng lại mở cửa ở Nhật Bản và "với rất nhiều người muốn đến."

Ông Lind nói: "Có rất nhiều thứ mang tính hệ thống ở Canada khiến mọi người nản lòng", ví dụ như việc thiếu kinh phí và không có kế hoạch đáng kể nào để phát triển thế hệ tuyển thủ tiếp theo.

Khi ông Lind đến Nhật Bản vào năm 2013, đội tuyển nữ quốc gia Nhật Bản không giành được huy chương nào và thiếu kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Trong khi ở Alberta, Canada, các tuyển thủ curling phát triển được bằng cách thi với nhau với tâm lý thoải mái thì tại Nhật Bản, các tuyển thủ chủ yếu trau dồi kỹ năng tại sân thi đấu và hết sức nghiêm túc. Ông Lind chia sẻ: "Ngay cả khi tôi yêu cầu họ hãy chơi curling vui vẻ, thoải mái với nhau thì vẫn luôn có một chút e ngại. Họ nói: 'Không, chúng tôi chỉ muốn luyện tập thôi.'"

Đội curling nữ Nhật Bản hiện có 5 người, trong đó có hai chị em gái. Ba người trong số họ đến từ thị trấn phía bắc Tokoro, nơi được nhiều người coi là cái nôi của môn curling ở Nhật Bản.

Curling đến Nhật Bản vào năm 1980 sau khi Yuji Oguri, một người dân của Tokoro, tham gia một hội thảo với các tuyển thủ curling từ Alberta.

Ông Oguri và những người bạn của mình sau đó bắt đầu tự chế tạo dụng cụ và các vật dụng thi đấu như giày và thậm chí cả sân trượt để có thể chơi curling.

Shinobu Fujiyoshi, 76 tuổi, một nông dân đã nghỉ hưu và hiện cũng là một người chơi curling nghiệp dư, chia sẻ: "Việc phát triển curling rất khó khăn nhưng cũng rất thú vị. Không có trò giải trí hay nơi nào để đi vào mùa đông nên sân curling là nơi chúng tôi có thể gặp nhau."

Curling sau đó phát triển nhanh chóng tại Nhật Bản. Đến năm 1981, có 14 đội đến thi đấu tại Tokoro. Nhưng curling chỉ trở nên nổi tiếng toàn Nhật Bản kể từ khi một sân curling trong nhà – có quy mô lớn nhất châu Á - được xây dựng vào năm 1988.

Vận động viên Makoto Tsuruga bắt đầu luyện tập tại sân vào hồi 14 tuổi và chia sẻ rằng ban đầu ông gặp khó khăn để duy trì cân bằng và sử dụng thể lực ở mức vừa đủ. "Nhìn có vẻ dễ dàng, nhưng tôi thấy nó rất khó", ông Tsuruga nói.

Sau đó, ông đã đại diện cho Nhật Bản tại Thế vận hội mùa đông 1998, được tổ chức tại thành phố Nagano của Nhật Bản. Hồi đó, chỉ có ông và một người chơi khác được đeo micrô để nói khi thi đấu. Nhưng giờ đây, mọi tuyển thủ đều được trang bị đầy đủ. Và theo ông, đây là một trong những lý do khiến các tuyển thủ curling được chú ý hơn.

Ông Tsuruga nói: "Trong bóng chày hay bóng đá, khán giả không bao giờ có thể nghe được những gì các cầu thủ đang nói. Còn với curling, khi nghe các cuộc trò chuyện của vận động viên, khán giả cũng có thể suy nghĩ và hiểu những gì người chơi đang cố gắng làm. Đó là một môn thể thao phù hợp với TV."

Trong Thế vận hội Mùa đông 2018 ở Pyeongchang, Hàn Quốc, người xem truyền hình có thể thấy đội tuyển Nhật Bản ăn dâu tây, táo hoặc trái cây sấy khô khi họ thảo luận về chiến lược trong giờ nghỉ giải lao. Chi tiết này đã thu hút nhiều sự chú ý ở quê nhà và thậm chí tạo ra một từ mới là "thời gian ăn nhẹ".

Tại Nhật Bản, những người hâm mộ curling chắc chắn sẽ dành thời gian cổ vũ khi đội tuyển quốc gia thi đấu. Osamu Mabuchi, 31 tuổi, cư dân Tokoro, bắt đầu chơi curling khi mới 10 tuổi. Ông cho biết mình thích môn thể thao này vì nó giúp ông gắn bó với những bậc cao niên như ông Fujiyoshi. Về Đội tuyển nữ curling, ông nói: "Họ rất đáng yêu và mọi người đều thích họ."

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ