• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ma mị với điệu múa Kuchipudi của Ấn Độ

Văn hoá 22/04/2017 09:39

(Tổ Quốc) -Tối 22/4, Lễ khai mạc Năm Hữu nghị Ấn Độ - Việt Nam 2017 được diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Đây là chương trình mở màn cho chuỗi các sự kiện trong  năm Hữu nghị Ấn Độ - VIệt Nam nhân dịp hai nước kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (7/1/1972 - 7/1/2017) và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (tháng 7/2007 - 7/2017).
Tới dự lễ khai mạc có Đại tướng, Tiến Sĩ Vijay Kumar Singh, Quốc vụ Khanh của Ấn Độ; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cũng các đại sứ của nhiều quốc gia tại Việt Nam.
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam Parvathaneni Harish phát biểu khai mạc năm Hữu nghị Ấn Độ - VIệt Nam nhân dịp hai nước kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (7/1/1972 - 7/1/2017) và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (tháng 7/2007 - 7/2017).
Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm Đối tác Chiến lược Việt Nam - Ấn Độ, Bộ VHTTDL phối hợp với ĐSQ Việt Nam tại Ấn Độ, Hội đồng Quan hệ Văn hóa Ấn Độ đã tổ chức thành công “Những ngày Việt Nam tại Ấn Độ” từ ngày 13 đến 19/1/2017. Bộ VHTTDL phối hợp với ĐSQ Ấn Độ tại Việt Nam, Hội đồng Quan hệ Văn hóa Ấn Độ cùng Nhóm múa Kuchipudi biểu diễn tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng từ ngày 21-26/4/2017 và “ngày Quốc tế Yoga lần thứ ba” nhân ngày Quốc tế Yoga (21/6) tại Hà Nội.
Kuchipudi là loại hình múa phổ biến ở vùng Andhra Pradesh. Nó giống với thể loại vũ kịch, đặc biệt là mang âm hưởng của Bhagvata Mela, nhưng tiết tấu sôi nổi, động tác linh hoạt. Mỗi nhân vật chính trong các vở múa Kuchipudi đều phải tự giới thiệu mình trên sân khấu bằng một màn hát - múa ngắn gọn. Những màn hát múa này được gọi là dharu và trung bình mỗi vở múa Kuchipudi có gần 80 dharu như thế. Điệu vũ Kuchipudi phổ biến nhất là múa bình - vũ công đội bình nước trên đầu khi múa mà không được đánh đổ nước. Kuchipudi sử dụng nhạc cổ điển Karnatic, chủ yếu là đàn mridanga, violin và kèn clarinet.
Điệu múa truyền thống Kuchipudi của Ấn Độ do cô Parvathaneni Amani- Ái nữ  của Ngài Harich Parvathaneni Đại sứ nước Cộng Hòa Ấn Độ tại Việt Nam trình diễn.
Nhóm múa cổ điển Ấn Độ do nghệ sĩ Padmashree- người từng đoạt giải thưởng Guru Shri Jayarama Rao biểu diễn cùng các đồng nghiệp gồm các nữ vũ công  T Reddi Lakshmi, Lipsa Satpathy, Shivalika Kataria và Tanya Saxena. Những điệu múa là sự kết hợp của cả 4 phong cách múa cổ điển Ấn Độ gồm Kuchipudi, Odissi, Bharatanatyam và Kathak do nghệ sĩ Guru Jayarama Rao (Padmasri) là biên đạo múa.
Múa cổ điển Ấn Độ xưa kia chỉ được biểu diễn trong những buổi tế lễ ở các đền đài và do một đội vũ nữ chuyên nghiệp là những “nô lệ của thần linh” đảm nhiệm. Gần hơn một chút, nó chỉ là “sản phẩm” độc quyền của Hoàng gia, cung đình và hàng ngũ quý tộc với những vũ nữ được tuyển chọn một cách kỹ càng. Từ khoảng thập niên 1930 trở lại đây, múa cổ điển mới được trình diễn rộng rãi trên các sân khấu và được dạy trong các trường nghệ thuật.
Để có thể múa được các điệu vũ cổ điển, người nghệ sĩ múa phải có một trình độ kỹ thuật rất cao bởi loại múa này yêu cầu người múa phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt các quy tắc đã được điển chế hoá về các tư thế và động tác. Vì vậy, họ phải có thời gian khổ luyện lâu dài, thường là từ khi còn rất nhỏ cho đến lúc trưởng thành. Đối với một vũ công tài hoa, những động tác vũ đạo bằng thân hình cũng như nét mặt không chỉ biểu hiện được niềm xúc động (rasa) và tình cảm (bhava) của mình đối với khán giả, mà còn có thể truyền đạt cho người xem toàn bộ cốt chuyện với tất cả những tình tiết éo le, lãng mạn hay bi tráng hào hùng của nó. 
Múa cổ điển Ấn Độ được chia làm 7 loại: Bharatnatyam, Kathak, Kathakali, Manipuri, Kuchipudi, Mohinyiattam và Odissi.
Các điệu múa thể hiện những câu chuyện thần thoại của Ấn Độ miêu tả thần Shiva (Thần sáng tạo và hủy diệt), thần Vishnu (Thần bảo hộ) trong 10 kiếp.. Đây là hai trong ba vị thần quan trọng nhất của Ấn Độ giáo.
Các nghệ sỹ múa đã thể hiện sự nhuần nhuyễn, thành thục của những động tác mang đậm phong cách múa Ấn Độ kết hợp cùng những biểu cảm trên gương mặt khiến các tiết mục vô cùng sinh động và lôi cuốn khán giả.
Bên cạnh đó, Chương trình còn có màn biểu diễn kết hợp của 5 nghệ sỹ múa Ấn Độ với Dàn nhạc giao hưởng quân đội Ấn Độ và Dàn nhạc dân tộc Nhà hát ca múa nhạc quân đội của Việt Nam, với các tiết mục mang âm hưởng truyền thống, cổ điển, kết hợp nét hiện đại, pha trộn những nét đặc sắc văn hóa hai nước, thể hiện tinh thần đoàn kết, hữu nghị của nhân dân Việt Nam - Ấn Độ.

Bảo Trung

NỔI BẬT TRANG CHỦ