• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mâm giỗ đặc biệt cúng các liệt sỹ Gạc Ma

Thời sự 14/03/2018 07:53

(Tổ Quốc) - Nhiều năm qua, cứ đến ngày giỗ con, ông Hoàng Dỏ lại  làm một mâm cơm tươm tất với 64 cái bát, 64 đôi đũa đặt lên chiếc bàn vuông hướng ra biển để làm giỗ cho con trai cùng 63 đồng đội của con đã hy sinh trong trận chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988.

Mâm cơm cúng 64 đôi đũa, 64 cái bát

Cụ Hoàng Dỏ (SN 1928, ở thôn Tân Định, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), là bố của liệt sỹ Hoàng Văn Túy hy sinh trong trận chiến Gạc Ma năm 1988. Liệt sỹ Túy là người con thứ tư trong sáu người con của cụ Dỏ.

Đã ngoài 90 tuổi, cụ Dỏ vẫn rất minh mẫn. Cứ đến ngày 27/1 âm lịch (tức ngày giỗ của các liệt sỹ Gạc Ma tính theo lịch âm), cụ lại dặn dò và cùng các con cháu chuẩn bị mâm cơm tươm tất để làm giỗ cho con trai cùng 63 đồng đội của con.

Ngày 14/3 năm nay cũng là ngày 27/1 năm Mậu Tuất. Mấy hôm nay, gia đình cụ Dỏ đã chuẩn bị tươm tất mọi thứ như: 64 cái bát, 64 đôi đũa, 64 bộ quần áo, la mã, tiền vàng… để làm mâm cơm cúng giỗ con.

Cụ bảo: “Mấy năm nay, năm nào đến ngày giỗ các con, tôi cũng làm một mâm cơm để mấy anh em nó về ăn chung với nhau”.

 30 năm qua, cụ Dỏ vẫn không nguôi nhớ đến người con đã hy sinh nơi biển cả.

Cụ nói rằng, việc bưng bát đũa được xem là việc rất quan trọng của bữa giỗ này. Trước khi cúng phải đếm thật kỹ trên bàn có đúng 64 cái bát và 64 đôi đũa hay chưa. Phải cho đủ, chứ thiếu cái nào là có tội với liệt sĩ cái đó.

Trên mâm cơm cúng này, cụ cũng đặt một xấp giấy A4, là danh sách ghi lại tên tuổi, địa chỉ của 64 liệt sỹ đã hy sinh trong trận chiến Gạc Ma năm đó.

Nhà cụ Dỏ nằm cách bờ biển chỉ vài chục mét. Người nhà cụ Dỏ cho biết, mâm cơm cúng đặt giữa sân cũng được cụ Dỏ bảo con cháu đặt xoay về hướng biển, dù theo thông lệ người ta thường đặt bàn cúng theo hướng tây nam.

Mọi việc chuẩn bị cho mâm cơm cúng đã tươm tất, cụ Dỏ mới yên tâm, ngồi lại trò chuyện với tôi. Ánh mắt xa xăm, cụ lại nghĩ về cái lần cuối cùng được gặp con. 

Cụ kể, năm đó liệt sỹ Túy chỉ về thăm nhà được một ngày vào hôm 30 Tết. Đón giao thừa xong thì anh bảo phải quay vào đơn vị luôn.

“Tôi có hỏi nó sao đi gấp thế thì nó nói phải chấp hành tốt để tháng 3 tới được ra quân về nhà. Có ngờ đâu, đó lại là đêm giao thừa cuối cùng mà nó được đón cùng với gia đình”.

Hai năm sau ngày anh Túy hi sinh cùng 63 liệt sĩ Gạc Ma, cụ Dỏ cứ chiều nào cũng đi ra bờ biển đầu làng nhìn hướng về Trường Sa.

 Hai vợ chồng anh Hoành chuẩn bị đồ để làm giỗ cho anh trai cùng các động đội của anh.

Mộ gió nghi ngút khói

Cách nhà cụ Hoàng Dỏ không xa, gia đình em trai liệt sỹ Trương Văn Hướng (ở thôn Cừa Thôn, xã Hải Ninh) cũng đang chuẩn bị để làm giỗ cho anh trai.

Lúc tôi đến, vợ chồng anh Trương Văn Hoành (SN 1972) và chị Mai Thị Lạnh (SN 1978) đang sắp xếp lại mấy thứ chuẩn bị cho mâm giỗ ngày anh.

Anh Hoành bảo: “Bây giờ bố mẹ mất hết rồi, tôi là phận em trai, đến ngày giỗ anh, vợ chồng tôi cũng làm mâm cơm để mời anh cùng các đồng đội của anh về dự. Ngoài mâm cơm, năm nay vợ chồng tôi cũng chuẩn bị một chiếc tàu hải quân bằng giấy để đốt cho những liệt sỹ Gạc Ma”.

Anh Hoành cho biết, gia đình anh có đến 9 anh em, liệt sỹ Trương Văn Hướng là con thứ 3 trong gia đình. Ngày anh Hướng đi bộ đội, điều kiện kinh tế khó khăn lắm, nhà lại đông anh em đến miếng cơm còn không đủ.

Cái tết năm 1988, anh Hướng, anh Túy cùng nhau về quê, nhưng về chỉ được hôm 30 tết thì các anh lại vào đơn vị. Gần một tháng sau thì có tin các anh mất.

 Những kỷ vật, bức ảnh của liệt sỹ Trương Văn Hướng được em trai là Trương Văn Hoành cất giữ cẩn thận.

Hồi đó, phương tiện thông tin đại chúng chưa phổ biến như bây giờ, trong làng chỉ có một vài nhà có đài radio để nghe.

“Lúc đầu, nhà hàng xóm nghe phong thanh trên đài được tin anh mất, nhưng chưa ai tin. Sau đó, họ nói nhiều thì ba mẹ và chúng tôi mới tin đó là sự thật. Ba mẹ tôi lúc đó như chết đi sống lại, mấy anh em đang đi làm phải bỏ hết việc để về động viện ba mẹ”, anh Hoành nhớ lại.

Vì không nhận dạng được thi thể, liệt sỹ Trương Văn Hướng được bố mẹ lập mộ gió, hiện đặt tại nghĩa trang liệt sỹ xã Hải Ninh. Đến ngày giỗ, ngoài mâm cơm cúng, vợ chồng anh Trương Văn Hoành cùng các con lại ra nghĩa trang thắp hương, tưởng nhớ anh trai.

Phan Thủy

Phan Thủy

NỔI BẬT TRANG CHỦ