• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Màn "có đi có lại" đưa liên minh Nga, Trung tại Bắc Cực lên tầm cao mới

Thế giới 19/04/2019 16:07

(Tổ Quốc) - Nga muốn có sự chung tay của Trung Quốc trong những nỗ lực khai phá Bắc Cực, đổi lại Bắc Kinh sẽ được gì?

Trang SCMP đưa tin, mới đây Đại sứ Nga tại Bắc Kinh đã chia sẻ về mong muốn của Moscow muốn cùng hợp tác với Trung Quốc để thiết lập con đường vận chuyển biển Bắc Cực.

Moscow đang vạch ra một chương trình tham vọng, xây dựng các cảng biển và hạ tầng cơ sở mới nhằm tăng cường vận chuyển hàng hóa dọc theo Bắc Cực – hay còn gọi là Tuyến đường biển Bắc.

Đại sứ Nga Andry Denisov cho biết, các cuộc thương lượng về việc cung cấp khí gas Nga cho Trung Quốc thông qua tuyến đường ống mang tên Power of Siberia 2 (Sức mạnh Siberia 2) – đang ở giai đoạn cuối.

Màn có đi có lại đưa liên minh Nga, Trung tại Bắc Cực lên tầm cao mới - Ảnh 1.

Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andry Denisov (ảnh: SCMP)

"Cho tới nay, hầu hết mọi thứ đều đã được hoàn thiện nhưng chỉ có một khác biệt, đó là giá cả", ông Denisov nói. "Giá cả là chi tiết cuối cùng nhưng rất quan trọng và cũng rất tự nhiên trong các cuộc đàm phán giữa người mua và người bán – người bán muốn có mức giá cao nhất có thể nhưng người mua lại muốn trả càng ít càng tốt".

Theo Đại sứ Denisov, hai bên vẫn tiếp tục đẩy mạnh tốc độ đàm phán và ông tin rằng một thỏa thuận cuối cùng sẽ sớm đạt được. "Trong vai trò một người mua, Trung Quốc cần khí gas và nguồn cung dài hạn dáng tin cậy. Nga chắc chắn là nguồn cung đó", ông Denisov khẳng định.

Trong vai trò một người mua, Trung Quốc cần khí gas và nguồn cung dài hạn dáng tin cậy. Nga chắc chắn là nguồn cung đó.

Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andry Denisov

Dự án đường ống Power of Siberia 1 (Sức mạnh Siberia 1), hay còn gọi là "Tuyến đường Đông", dự kiến hoàn thiện vào ngày 10/12 và được kỳ vọng sẽ vận chuyển 38 tỷ mét khối gas tới Trung Quốc mỗi năm. Bất kỳ thỏa thuận nào liên quan tới Power of Siberia 2, hay "Tuyến đường Tây" sẽ càng củng cố hơn nữa liên minh năng lượng giữa Nga và Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, hai quốc gia cùng có đường biên giới giáp Bắc Cực ngày càng thể hiện rõ sự kiên quyết trong các tuyên bố chủ quyền của mình. Điều này diễn ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra hiện tượng băng tan, nhưng cùng lúc lại mở ra viễn cảnh về mở rộng di chuyển đường biển và tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu giá trị.

Hiện đang kiểm soát gần 50% đường bờ biển Bắc Cực, Nga đã và đang không ngừng nỗ lực phát triển khu vực – có khả năng trở thành một nguồn cung cấp khí gas chủ chốt cho Trung Quốc trong tương lai.

Những hợp tác của Bắc Kinh với Moscow đã khiến Washington không thể ngồi yên. Đầu năm nay, Lầu Năm góc đã tuyên bố, họ đang xem xét một chiến lược nhằm "bảo vệ cho các lợi ích của nước Mỹ, đồng thời hỗ trợ cho an ninh và ổn định tại Bắc Cực".

Màn có đi có lại đưa liên minh Nga, Trung tại Bắc Cực lên tầm cao mới - Ảnh 3.

Tổng thống Putin từng miêu tả Bắc Cực là "khu vực quan trọng nhất sẽ đem tới tương lai cho nước Nga".

Tuần trước, phát biểu tại Diễn đàn Bắc cực Quốc tế tại St Petersburg, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Nga đã lên kế hoạch mở rộng các cảng của mình tại Bắc Cực và hoan nghênh đầu tư nước ngoài. Động thái này được giới chuyên gia đánh giá là nhằm khắc phục những tổn thất kinh tế mà nước Nga đang phải gánh chịu từ các lệnh trừng phạt phương Tây sau khi Moscow quyết định sáp nhập Crimea.

"Tuyến đường biển bắc rất có hiệu quả về mặt khoảng cách, nhưng điểm kém thuận lợi đó là việc thiếu các hạ tầng cơ sở định vị. Chúng tôi cần trang bị cho tất cả các đường bờ biển với các thiết bị có thể giúp xác định độ dày của cũng như các điều kiện tự nhiên khác", ông Denisov nói.

"Chúng tôi cần các tàu phá băng. Nga là một quốc gia đặc biệt, sở hữu nhiều tàu phá băng và có một chương trình cụ thể về đóng thêm các tàu phá băng mới trong những năm gần đây", ngài Đại sứ chỉ ra. "Trung Quốc cũng có kinh nghiệm trong việc đóng tàu phá băng và họ cũng đi qua tuyến đường này".

Màn có đi có lại đưa liên minh Nga, Trung tại Bắc Cực lên tầm cao mới - Ảnh 4.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn Bắc Cực Quốc tế xem những hình ảnh về một tàu phá băng (ảnh: EPA-EFE)

Bắc Kinh bắt đầu gửi các nhà nghiên cứu khoa học và thám hiểm tới Bắc Cực từ những năm 1990. Trung Quốc được "tay chơi" mới nhưng cũng không hề kém về thực lực trong cuộc chạy đua lợi ích tại khu vực. Trong thời gian gần đây, các lợi ích của Bắc Kinh tại đây ngày càng tập trung vào vận tải biển, thương mại và tài nguyên thiên nhiên.

Mối quan hệ căng thẳng của Moscow với phương Tây cũng đã mở rộng thêm cánh cửa cho các nhà đầu tư Trung Quốc. Cùng lúc, vai trò của Nga như một nhà cung cấp năng lượng hàng đầu - càng được thúc đẩy bởi cuộc đấu tranh chống ô nhiễm của Bắc Kinh. Chính quyền Trung Quốc cho rằng, một trong những ưu tiên bảo vệ môi trường chính là chuyển từ sử dụng than đá sang khí gas.

Theo ông Denisov, hợp tác với Trung Quốc tại Bắc Cực có thể lâu dài về cả không gian và thời gian, đồng thời bao gồm đầu tư vào các hạ tầng định vị cũng như vận tải biển và giám sát trên không.

Văn phòng Thông tin Tuyến đường biển bắc cho hay, 8/27 con tàu đi qua tuyến đường này trong năm ngoái thuộc về tập đoàn nhà nước Vận tải đại dương Trung Quốc.

Tháng bảy năm ngoái, công ty sản xuất khí gas tự nhiên của Nga là Novatek đã bắt đầu cung cấp khí gas hóa lỏng cho quốc gia đông dân nhất thế giới.

Tham vọng của Moscow cũng như vai trò ngày càng gia tăng của Bắc Kinh tại Bắc Cực, cũng làm trầm trọng thêm quan ngại của các nước Bắc Cực khác và giới chuyên gia môi trường.

Một mặt thừa nhận các lo ngại trên là điều "tự nhiên", mặt khác ông Denisov cố gắng làm giảm tầm nghiêm trọng của chúng.

"Đó là những dự án rất lớn và đương nhiên có những khía cạnh khác biệt", ông nói. "Tuy nhiên chúng tôi có thể thảo luận về nhưng điều đó một cách cởi mở và tìm ra giải pháp. Chúng tôi không có bất kỳ khác biệt nào mà không thể giải quyết được".

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ