(Tổ Quốc) -Một vụ va chạm giao thông không quá nghiêm trọng về tính mạng con người nhưng lại khiến cộng đồng mạng bỗng sốc vì một đảng viên, là Chánh văn phòng Đảng ủy Khu kinh tế Hải Phòng cho rằng: “Con người không quan trọng”.
Phát ngôn “người không quan trọng” sở dĩ gây bức xúc trong dư luận bởi từ xưa tới nay chúng vẫn quan niệm và trân trọng tính mạng, cuộc sống con người là trên hết, là quan trọng nhất. Con người là thứ tài sản quý giá nhất của tạo hóa, xã hội và gia đình. Con người cũng là chủ thể tạo ra mọi giá trị vật chất và tinh thần.
Tai nạn giao thông là điều không ai muốn trong cuộc sống nhưng lại là nguy cơ có thể xảy ra với bất kỳ ai lưu thông trên đường. Vụ tai nạn giữa nam sinh viên với nữ tài xế không gây ra hậu quả nghiêm trọng, lẽ ra dễ bị lẫn vào những vụ va chạm giao thông thường ngày, lẽ ra không đáng được chú ý nhiều như vậy… Thế nhưng, ngược lại, vụ tai nạn lại gây sốc và chú ý dư luận không phải vì hậu quả nghiêm trọng nó gây ra mà lại từ ứng xử giữa con người với con người.
Khi va chạm xảy ra, một bên là nam sinh – chỉ là một sinh viên đi xe máy điện, không có quyền chức gì với một bên là nữ tài xế đi ô tô, đang giữ chức Chánh văn phòng Đảng ủy khu kinh tế. Nên xét về mặt “mạnh về gạo, bạo vì tiền” thì rõ ràng nữ tài xế đang chiếm ưu thế. Vì vậy, chưa biết đúng sai xuất phát từ ai nhưng dường như nữ tài xế tận dụng ưu thế này để lớn tiếng chỉ trích và phát ngôn “con người không quan trọng”, mặc kệ nam sinh bị thương. Khi nan sinh gọi công an tới nữ tài xế còn thách thức và có ý không cho nam sinh vào viện mà phải giải quyết chuyện xe cộ trước. Vì thế câu chuyện va chạm giao thông đã bị sang một hướng khác, gây nên sự phức tạp.
Những người liên quan tại vụ va chạm giao thông. Ảnh: GD&TĐ |
Việc tự bào chữa (nếu bị oan uổng) hay thanh minh cho sai lầm (để được cảm thông, hoặc giảm mức độ) cũng là chuyện thường thấy trong va chạm giao thông. Nhưng cách ứng xử của người trong cuộc như thế nào thì rất đáng bàn. Vẫn biết, có không ít trường hợp vì “hoàn cảnh”, vì sự bốc đồng nhất thời, vì không làm chủ được bản thân mà có những ứng xử lệch lạc. Tuy nhiên, không thể vì thế mà biện hộ cho tất cả ứng xử, sai lầm. Bởi không ai khác, chính bản thân phải chịu trách nhiệm cho mọi hành vi, lời nói của mình trong mọi hoàn cảnh, trường hợp. Không thể “đánh đồng” với một đảng viên, một người có ăn học với một người bộc lộ những hành vi thiếu văn hóa, học thức khi tức giận. Thử tưởng tượng, nếu con người không tự kiềm chế trong mọi hoàn cảnh thì xã hội sẽ không còn chuẩn mực, mọi thứ sẽ vô cùng lộn xộn, khó chấp nhận và kệch cỡm, thô thiển đến mức nào.
Một công chức hay đảng viên không có nghĩa là khi ra khỏi cơ quan, ra khỏi giờ hành chính là được tự cho mình cái quyền “sắm một vai khác” với hình ảnh xấu xí, cư xử thiếu chuẩn mực và thiếu nhân văn, làm ảnh hưởng đến chính bản thân cũng như người khác.
Trong hoàn cảnh một vụ tai nạn giao thông, có người bị thương nhưng lại không được đưa đi cấp cứu ngay, chưa biết đúng sai thế nào mà đôi co để giành phần thắng về mình và nhăm nhăm muốn người khác đền cho mình. Thậm chí khi công an đến vẫn còn yêu cầu giữ người bị thương lại để đền xe cho mình thì đến một người bình thường cũng khó chấp nhận chứ đừng nói đó lại xuất phát từ người có chút quyền chức. Câu nói “con người không quan trọng” là một cú bồi như giọt nước tràn ly của chuỗi hành động liên tiếp ở nữ tài xế, nó chứng minh một cách rõ ràng cho sự nông cạn, ích kỷ, hẹo hòi, coi thường tính mạng con người, thách thức cơ quan chức năng thi hành nhiệm vụ và coi của cải vật chất là trên hết.
Không những thế, sau mấy ngày trời nam sinh nằm viện nữ tài xế cũng không có lấy một lời hỏi thăm như một ứng xử tối thiểu, bình thường nhất của con người với con người. Vì thế khi nữ tài xế bị yêu cầu viết tường trình đã thanh minh rằng phát ngôn đó do nóng giận, bột phát khó khiến dư luận chấp nhận. Cứ cho là lúc đó nữ tài xế nóng giận thật đi chăng nữa, vậy mà sau mấy ngày xảy ra vụ tai nạn chưa thấy nữ tài xế hỏi thăm thì phải chăng cơn tức giận, bột phát của nữ tài xế có thời gian kéo dài kỷ lục?. Hay đó là bản chất ứng xử của nữ tài xế mà bản tường trình chỉ là một sự lấp liếm vụng về?.
Có thể rồi một vài ngày nữa hoặc cuối cùng khi đã có công an vào cuộc phân định đúng –sai, hoặc từ áp lực của dư luận nữ tài xế cũng sẽ đến thăm hỏi nam sinh nhưng câu chuyện đã mất đi sự đúng lúc, đúng thời điểm.
Mới đây, một cô giáo tiếng Anh cũng mắng học sinh là “óc lợn” khiến nhiều người không thể không đặt ra dấu hỏi về ứng xử của một bộ phận người có học thức đang thực sự có vấn đề?. Vì thế, một số nơi đã phải xây dựng những bộ quy tắc ứng xử của công chức, viên chức là điều cần thiết để như một sự nhắc nhở, điều chỉnh và định hướng cho cán bộ các chuẩn mực trong giải quyết công việc với tổ chức và công dân, trong gia đình và xã hội.
Có không ít câu chuyện từng được kể lại khi họ là nạn nhân của một vụ tai nạn, trong cơn đau đớn, mất mát hay thiệt hại họ có tâm lý được “đền bù”, nhưng đôi khi vì ứng xử nhân văn, có văn hóa, có tình có lý…mà họ chia sẻ, cảm thông cho lỗi lầm người đã gây ra, như tài xế xích lô chở tôn không may cứa cổ bé trai đã được gia đình nạn nhân xin miễn trách nhiệm hình sự, vụ tài xế bẻ lái cứu 2 nữ sinh đã thoát xử lý hình sự vì được người chủ xe bãi nại…
Thế mới biết, trong một vụ tai nạn giao thông hay bất cứ va chạm gì trong cuộc sống, nếu con người không có ứng xử phù hợp thì rất có thể sẽ kéo theo nhiều hệ quả khác ngoài mong muốn và dự liệu của người trong cuộc. Đạo đức và sự tử tế của con trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng rất đáng quý và cần thiết để cuộc sống tốt đẹp, ý nghĩa và nhân văn hơn.