(Tổ Quốc) - Tên lửa trên B-2 có tầm bắn gần 1.000km, có ưu thế vượt trội khi đối đầu với tàu chiến.
Nâng cấp mới của B-2
Theo giới phân tích quân sự, tên lửa tàng hình tầm xa trên máy bay ném bom B-2 có thể giúp Mỹ có lợi thế trước tàu chiến của đối thủ trong trường hợp các cường quốc quân sự rơi vào một cuộc đối đầu trực tiếp.
Tuần trước, công ty quốc phòng Northrop Grumman của Mỹ tiết lộ vụ phóng thử vào tháng 12 của tên lửa tàng hình trên máy bay ném bom B-2 đã thành công.
Các máy bay chiến đấu khác của Mỹ, bao gồm B-52 và F-16, trước đây đã mang theo tên lửa AGM-158B JASSM-ER, nhưng chúng chưa bao giờ được lắp trên B-2 như lần này.
Northrop Grumman cho biết, tên lửa hành trình không đối đất sẽ mở rộng phạm vi hoạt động của máy bay ném bom tàng hình để tấn công các mục tiêu từ xa hơn với thứ vũ khí khó phát hiện.
Nhà thầu quốc phòng cho biết tên lửa tầm xa này là một phần của loạt nâng cấp cho máy bay ném bom B-2, bao gồm hiện đại hóa các tiêu chuẩn mật mã và lắp đặt hệ thống nhắm mục tiêu hỗ trợ radar mới.
Shaugnessy Reynolds, phó chủ tịch kiêm quản lý chương trình B-2 của công ty cho biết: "Những khả năng vô song của B-2 giúp nó trở thành máy bay ném bom tàng hình tầm xa, xuyên phá duy nhất hiện có trong kho vũ khí của Mỹ".
Fu Qianshao, một chuyên gia về thiết bị của Lực lượng Không quân Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) đã nghỉ hưu, cho biết tên lửa AGM-158B có tầm bắn gần 1.000km và "có thể đe dọa các tàu chiến của PLA".
"PLA sẽ cần tiến tới phía tây Thái Bình Dương, nơi có một kịch bản trong đó máy bay ném bom B-2 đến từ Căn cứ Không quân Andersen của Mỹ ở Guam", Fu cho biết.
Trong những năm gần đây, Không quân Mỹ đã gửi máy bay ném bom B-2 có khả năng mang hạt nhân từ căn cứ quê nhà ở Missouri đến châu Á-Thái Bình Dương.
Năm 2020, ba máy bay ném bom đã đến đảo Diego Garcia ở Ấn Độ Dương để hỗ trợ "các cam kết an ninh của Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương".
Vào tháng 7, hai máy bay ném bom B-2 đã bay đến Căn cứ Không quân Hoàng gia Australia Amberley để tập trận với các lực lượng từ Australia, một đồng minh quan trọng của Mỹ trong khu vực.
Tên lửa Mỹ sẽ có nhiệm vụ gì?
Lầu Năm Góc đã mô tả Trung Quốc là một "thách thức" đối với nước này khi hai nước bất đồng về một loạt các vấn đề an ninh khu vực.
Những tiến bộ công nghệ của PLA, đặc biệt là trong lĩnh vực vũ khí siêu vượt âm và không gian, đã khiến các quan chức quốc phòng hàng đầu của Mỹ lo ngại.
Trung Quốc đang khó khăn trong việc tìm kiếm người kế nhiệm cho máy bay ném bom H-6, loại máy bay được sản xuất hàng loạt lần đầu tiên vào năm 1969. Máy bay ném bom tàng hình thế hệ mới của nước này, H-20, vẫn đang trong quá trình phát triển.
Các thành viên mới hơn của gia đình H-6, chẳng hạn như H-6K, được thiết kế để tấn công tầm xa và có thể mang tên lửa hành trình có khả năng tấn công các mục tiêu cách xa hàng nghìn km. Ví dụ, tên lửa CJ-20 có tầm bắn 2.200 km.
Fu cho biết tên lửa AGM-158B có tốc độ cận âm nên Trung Quốc dễ đánh chặn hơn. Nhưng Mỹ sẽ chỉ triển khai B-2 với tên lửa mới trong trường hợp không có nguy cơ xảy ra đối đầu trực tiếp với Trung Quốc, chuyên gia từ Bắc Kinh này đánh giá.
Năm ngoái, khi giữ chức Tư lệnh Bộ Chỉ huy Tấn công Toàn cầu của Không quân Mỹ, Tướng Timothy Ray nói trước Thượng viện rằng tên lửa AGM-158B rất quan trọng để đảm bảo các máy bay ném bom hạt nhân có khả năng chiến đấu.
Tên lửa AGM-158 tiêu chuẩn có tầm bắn chỉ 370km - bằng 1/3 so với biến thể tầm xa được thử nghiệm vào tháng 12. Tầm bắn mở rộng của AGM-158B có thể cho phép máy bay ném bom phóng tên lửa ở khoảng cách xa so với lãnh thổ đối phương.
Máy bay ném bom B-2 được thiết kế để đối phương khó phát hiện, đặc biệt là bằng cách sử dụng vật liệu hấp thụ radar và giấu động cơ bên trong thân máy bay. Điều này cho phép các máy bay đến gần mục tiêu trong lúc phóng tên lửa và thả bom.