(Tổ Quốc) - “Mô hình Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước mà chúng ta đang thực hiện là phù hợp với xu thế chung của thế giới. Nước chúng ta cũng đã có tiền lệ. Và tôi tin mô hình này sẽ vừa nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng vừa nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của Nhà nước”, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nhận định.
-Một số nước đã thực hiện mô hình Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước như: Trung Quốc, Lào, Cuba… và hiện giờ chúng ta đang bàn đến, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng: "Mô hình Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước sẽ nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu quả, hiệu lực quản lý của Nhà nước” |
+ Trong lịch sử chúng ta đã có Tổng Bí thư là Chủ tịch nước rồi. Thời điểm năm 1945-1969, bác Hồ từng là Chủ tịch Đảng và Chủ tịch nước. Trên thế giới, tất cả các nhà nước đều do Đảng Chính trị cầm quyền và mô hình người đứng đầu Đảng cầm quyền đó cũng đồng thời đứng đầu nhà nước, là đứng đầu nội các tức là Chính phủ.
Ví như Nhật Bản, Chủ tịch Đảng Dân chủ tự do cầm quyền thì đương nhiên là Thủ tướng. Đưa sang Quốc hội thì Hạ viện chỉ thông qua hợp thức hóa. Hay như Trung Quốc , Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản cầm quyền cũng là Chủ tịch nước. Tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Tổng Bí thư cũng là Chủ tịch nước…
Như vậy, người lãnh đạo Đảng cầm quyền mà nắm chức vụ cao nhất của nhà nước đã mang tính phổ biến, như là tất yếu. Và mô hình đó phát huy tác dụng trong thời kỳ dài và các nước đều đã làm lâu rồi. Theo tôi, bây giờ chúng ta thực hiện thì cũng phù hợp với xu thế chung của thế giới. Và trong nước chúng ta cũng đã có tiền lệ làm theo mô hình này rồi. Và tôi tin mô hình này sẽ phát huy tác dụng và vừa nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng vừa nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của Nhà nước.
-Theo ông, người vừa làm Tổng Bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước thì cần phải phải hội tụ những yếu tố như thế nào?
+ Mô hình gắn với con người. Khi Trung ương Đảng đã bỏ phiếu 100%, đưa sang Quốc hội và Quốc hội nhất trí lựa chọn mô hình Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước thì tôi tin là mô hình này sẽ phát huy tác dụng. Vấn đề tiếp theo là lựa chọn con người. Ai sẽ giữ vị trí này đều phải qua tín nhiệm trong Đảng, của Quốc hội… Tín nhiệm này theo tôi phải đặt ra những yêu cầu nhất định đối với cá nhân đồng chí lãnh đạo nào đó. Nếu đồng chí lãnh đạo đó hội tụ được những tiêu chí đó và được Đảng, Quốc hội, nhân dân đồng tình thì sẽ đáp ứng được.
Tôi cho rằng, đồng chí nào được cử vào vị trí này phải có trí tuệ, đạo đức trong sáng mẫu mực, bản lĩnh, có tinh thần trách nhiệm trước đất nước và nhân dân và đặc biệt là được Đảng tín nhiệm, nhân dân tin cậy và Quốc hội đồng tình.
Tôi tin Đảng, Quốc hội và nhân dân sẽ “chọn mặt gửi vàng” và tìm được con người cụ thể đáp ứng được đòi hỏi đó.
-Từ thực tế, dư luận còn băn khoăn về việc người giữ hai chức vụ sẽ nắm trọn quyền lực và việc kiểm soát sẽ rất khó, thưa ông?
+Theo tôi khi đã có quyền lực thì đòi hỏi tất yếu là phải có kiểm soát quyền lực. Nhà nước là cơ quan quyền lực. Và cơ quan quyền lực đó trao cho một người hay cho một nhóm người thì đương nhiên là xuất hiện quyền lưc và quyền lực đó phải được kiểm soát. Chúng ta không nên lo nghĩ quá về việc quyền lực dồn vào một người rồi dẫn đến lạm quyền, độc quyền… bởi có nhiều cách để kiểm soát quyền lực.
Cần phải định ra một cơ chế kiểm soát quyền lực. Ở đây lại gắn với Nghị quyết Trung ương 4 là luôn xác định trách nhiệm của người đứng đầu và Hội nghị Trung ương 4 cũng có lưu ý việc kiểm soát quyền lực. Đồng thời phải có hệ thống cơ quan kiểm soát quyền lực. Ngay trong bộ máy nhà nước, Quốc hội là cơ quan kiểm soát quyền lực, giám sát tối cao. Chúng ta còn có Ủy ban kiểm tra của Đảng, Thanh tra Chính phủ… Tất cả các cơ quan này đều tham gia vào quá trình kiểm soát quyền lực. Và quan trọng là sự giám sát của nhân dân.
-Ông nhận xét thế nào về quyết tâm cải cách bộ máy lần này?
Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước phải có trí tuệ, đạo đức trong sáng mẫu mực, bản lĩnh, có tinh thần trách nhiệm trước đất nước và nhân dân. (Ảnh: Minh Khánh) |
+ Thực ra cải cách hành chính chúng ta đã làm nhiều năm rồi. Bây giờ chúng ta vẫn tiếp tục và coi cải cách hành chính là một trong ba đột phá chiến lược. Trong cải cách hành chính có cải cách thể chế hành chính, có cải cách tổ chức bộ máy, cải cách đội ngũ cán bộ công chức viên chức, có cải cách về các thủ tục hành chính nhà nước…
Cải cách bộ máy đã được xác định trong Nghị quyết Trung ương VI của khóa XII, chúng ta phải sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn nhưng phải hiệu quả trong lãnh đạo, quản lý. Hiện, chủ trương của Đảng là sắp xếp lại tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị từ cấp trên xuống cơ sở với hướng các tổ chức có cùng chức năng thì có thể hợp nhất lại.
Hiện nhiều địa phương đang hợp nhất như: Quảng Ninh, Hà Giang, Lào Cai... Có thể trong quá trình thực hiện , bên cạnh những mặt tốt, tích cực sẽ bộc lộ mặt hạn chế thì chúng ta sẽ sửa.
Dù vậy, những sắp xếp, cải cách bộ máy phải đi liền với tinh giản biên chế để làm sao cái đích đến của sắp xếp bộ máy là vừa giảm được đầu mối vừa tinh giản được biên chế nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng hiệu quả hoạt động.
Tôi tin rằng, nếu chúng ta triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương VI của khóa XII thì sẽ có được những kết quả nhất định.
-Xin cảm ơn ông!