• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mổ xẻ, tìm lối đi cho đào tạo mỹ thuật ứng dụng

Văn hoá 26/06/2016 22:08

(Tổ Quốc)- Chỉ ra những tồn tại trong quá trình đào tạo mỹ thuật ứng dụng,các đại biểu đều cho rằng cần đổi mới chương trình

(Tổ Quốc)- Chỉ ra những tồn tại trong quá trình đào tạo mỹ thuật ứng dụng, các đại biểu đều cho rằng phải đổi mới chương trình



>>Hơn 200 đại biểu bàn về đổi mới đào tạo mỹ thuật ứng dụng



Tham dự hội thảo khoa học toàn quốc về “Đổi mới đào tạo mỹ thuật ứng dụng – Design” do Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn tổ chức và Báo điện tử Tổ Quốc bảo trợ thông tin, ông Riccardo Franceschi  - Đại diện Trường ĐH Thiết kes Laba (Italia), cho rằng: Việc giáo dục và đào tạo các nhà thiết kế ở Việt Nam, hiện mang tính thực dụng hơn là sáng tạo.

Thực dụng hơn sáng tạo

“Là một kiến trúc sư, sau hai năm giảng dạy tại Việt Nam, tôi không thấy nhiều vấn đề ở Việt Nam, đặc biệt khi chúng ta đề cập đến vấn đề “Nghề mỹ thuật ứng dụng chưa đủ sức tham gia giải quyết các mâu thuẫn của nền sản xuất và thương mại”- ông Riccardo Franceschi, nhận định.

Trên thực tế, hiện ở Việt Nam khái niệm Mỹ thuật ứng dụng không tồn tại. Ít nhất theo cách hiểu và định nghĩa của Ý cũng như của các nước phương Tây khác.



Theo ông Riccardo Franceschi: Hiện ở Việt Nam khái niệm Mỹ thuật ứng dụng không tồn tại


Theo ông Riccardo Franceschi, việc giáo dục và đào tạo các nhà thiết kế hiện tại mang tính thực dụng hơn là sáng tạo. Thường sinh viên tốt nghiệp sẽ trở thành kỹ thuật viên hơn là nhà thiết kế. Họ biết cách sử dụng thành thạo các phần mềm 2D, 3D nhưng chưa biết cách phát triển ý tưởng trên cơ sở là một nhà thiết kế.

“Các sản phẩm tạo ra thiếu tính chất nội dung thuần Việt. Việc nắm bắt và sử dụng các kỹ thuật, nhà thiết kế còn phải mang cái hồn và văn hóa vào từng sản phẩm” – ông Riccardo Franceschi nói.

Bên cạnh đó, các học trình về nghệ thuật, lịch sử nghệ thuật, lịch sử kiến trúc không có nhiều trong chương trình học. Nếu một sinh viên mà không biết về lịch sử nghệ thuật phổ biến, lịch sử cách mạng hiện đại… thì sao sinh viên đó có thể trở thành một nhà thiết kế giỏi.

Sản phẩm của sinh viên này sẽ trở nên sao lãng,  không có giá trị cho thị trường ngay cả tại Việt Nam cũng như của quốc tế. Không những vậy, có nhiều sinh viên còn sao chép và copy các sản phẩm.

Cũng theo ông Riccardo Franceschi, đó là một vấn đề nhức nhối ở một quốc gia phát triển như Việt Nam và nghiêm trọng hơn chính là việc rất nhiều công ty mặc dù nhận thấy điều này nhưng vẫn sản xuất. Việc này gây ảnh hưởng lâu dài.

“Nếu chỉ tập trung sản xuất đại trà, các bạn sẽ mất đi một yếu tố bán hàng, đó chính là nội dung của sản phẩm” - Riccardo Franceschi, khẳng định.

Nhiều bất cập

Design - Mỹ thuật ứng dụng hiện đang phát triển mạnh mẽ, trực tiếp phản ánh cụ thể nhất những giá trị văn thẩm mỹ của đời sống. Song, ở nước ta hiện nay, thực trạng và đào tạo mỹ thuật ứng dụng còn khá nhiều bất cập.

TS. Ngô Thị Thu Trang - Trưởng khoa Mỹ thuật Công nghiệp trường ĐH Kiến trúc TP.HCM cho biết, hiện đào tạo mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam rất cần một đội ngũ giảng viên có thể nắm bắt được tư duy mới để truyền tải đúng phương pháp đến sinh viên.

“Đây chính là vấn đề mấu chốt để thay đổi chương trình và phương pháp đào tạo mang tính khả thi” - TS. Ngô Thị Thu Trang, khẳng định.

Đánh giá về vấn đề đào tạo thiết kế hiện nay, theo TS. Ngô Thị Thu Trang, nội dung giảng dạy của các trường ĐH, CĐ ở nước ta tập trung rèn luyện khả năng tạo hình của nghệ thuật thị giác-những điểm mạnh của chương trình.

“Tuy nhiên,  ngoài khả năng thẩm mỹ trong tạo hình, bố cục, màu sắc, một người thiết kế còn cần các kỹ năng nghiên cứu về văn hóa, tâm lý người tiêu dùng, phân tích thông tin và xu hướng thị trường, khả năng nắm bắt các vấn đề xã hội và môi trường, kỹ năng tìm giải pháp và giải quyết vấn đề bằng tư duy liên ngành …” - TS. Ngô Thị Thu Trang phân tích.

TS Nguyễn Đức Sơn: Những người giỏi về mỹ thuật thì lại chưa điêu luyện về kỹ thuật và khả năng kiểm soát công cụ vẽ KTS. Những người giỏi về kỹ thuật vi tính lại chưa giỏi về nghệ thuật

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Sơn-Phó hiệu trưởng Trường CĐ Trang trí Mỹ thuật Đồng Nai, cho biết:  Trong lĩnh vực thiết kế mỹ thuật đa phương tiện, đội ngũ họa sĩ kỹ thuật số (KTS) của Việt Nam chưa thật chuyên nghiệp. Những người giỏi về mỹ thuật thì lại chưa điêu luyện về kỹ thuật và khả năng kiểm soát công cụ vẽ KTS. Những người giỏi về kỹ thuật vi tính lại chưa giỏi về nghệ thuật.

Đây cũng chính là yếu điểm chung của nghệ thuật KTS ở Việt Nam. Vì vậy, cần phải có một chiến lược đào tạo ra những họa sĩ KTS, sáng tạo một cách chuyên nghiệp trong một môi trường chuyên nghiệp với sự trợ giúp của công nghệ tiên tiến…” – TS. Nguyễn Đức Sơn nói.

Theo TS Nguyễn Đức Sơn, ở Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 10.000 chỉ tiêu đào tạo các ngành liên quan đến mỹ thuật: hội họa, mỹ thuật ứng dụng, sư phạm mỹ thuật… của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các cơ sở đào tạo tuyển sinh trong cả nước. Tuy nhiên, hiện trong hệ thống giáo dục của Việt Nam vẫn chưa có riêng một mã ngành nghệ thuật đa phương tiện.

Có nên “nhập” chương trình đào tạo từ nước ngoài?

Với tham luận mang tiêu đề “Thử trả lời các vấn đề bức xúc”, Th.S Hoàng Lê Duy- Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho rằng: Trong chiến lược đổi mới, cải tiến hoàn thiện chương trình giảng dạy, nếu “nhập” hẳn chương trình đào tạo Design tiên tiến từ nước ngoài vào nước ta thì tỷ lệ thành công không cao?

Bảo vệ cho quan điểm của mình, theo Th.S Hoàng Lê Duy, chương trình Design của quốc tế có cái riêng của họ và ở mỗi quốc gia, khu vực đều có một nền văn hóa đặc trưng riêng. Vì vậy khi áp dụng chương trình Design quốc tế vào nước ta hẳn sẽ chiếm tỉ lệ thành công không cao.

“Nên nghiên cứu giữa 2 giáo trình quốc tế và trong nước tìm những điểm chung để tăng hoặc giảm chương trình đào tạo. Nhưng yếu tố văn hóa dân tộc vẫn là yếu tố hàng đầu theo phương châm “Người Việt sử dụng Design Việt” - Th.S Hoàng Lê Duy, đề xuất.

Theo nhận định của Th.S Hoàng Lê Duy, căn cứ vào nhu cầu thị trường xã hội trong và ngoài nước hiện nay, chúng ta nên tạo sự liên kết đào tạo quốc tế. Đây là một xu hướng tất yếu.

Lý giải về vấn đề này, Th.S Hoàng Lê Duy, cho biết khi liên kết đào tạo quốc tế sẽ là sự trao đổi học hỏi giữa ta và nền văn minh thế giới. Khi liên kết sẽ nâng cao kiến thức chuyên môn, cập nhật những cái mới, cái phát triển của thế giới để áp dụng vào việc thiết kế và tạo ra Design Việt.

“Mặc dù tạo sự liên kết đào tạo trong và ngoài nước nhưng vẫn giữ những truyền thống và nét văn hóa Việt. Khẳng định cho thế giới thấy được tiềm năng Design Việt. Khuyến khích các nhà thiết kế lấy ý tưởng từ khai thác nét văn hóa dân tộc là yếu tố chính” - Th.S Hoàng Lê Duy cho biết thêm.

Với mong muốn “cách tân” công tác đào tạo mỹ thuật ứng dụng, TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú- Trưởng khoa Design Đại học Công nghệ Sài Gòn đưa ra giải pháp  gia tăng chất lượng đào tạo bằng cách mời giảng viên nước ngoài và áp dụng chương trình tiên tiến trên thế giới; đưa chương trình giảng dạy, giáo trình, sách, vở… từ nước ngoài áp dụng vào Việt Nam; xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa đơn vị đào tạo với đối tác sản xuất – tiêu dùng – truyền thông sản phẩm.

 /.

Gia Thanh

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ