• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Mong Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhìn thẳng vào thực tế, không tránh né, không tác động"

Thời sự 01/11/2018 10:41

(Tổ Quốc) - Tranh luận sau phần trả lời của người đứng đầu ngành giáo dục, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền cho rằng bà không thấy Bộ trưởng nhận trách nhiệm mà lại chuyển lỗi cho cá nhân khác.

Mong Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhìn thẳng vào thực tế, không tránh né, không tác động - Ảnh 1.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan - Ảnh: Nam Nguyễn.

Dù Bộ Giáo dục – Đào tạo đã rút dự thảo thông tư về quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp sau khi thừa nhận sai sót, câu chuyện đề xuất đuổi học người bán dâm lần thứ tư vẫn làm "nóng" phiên chất vấn của Quốc hội sáng 31/10. Cùng với đó, năm qua, ngành giáo dục còn liên tục "gây bão" dư luận với nhiều vụ việc, trong đó có những vụ việc nghiêm trọng như: nâng điểm thi tốt nghiệp PTTH ở Hà Giang, Sơn La; cô giáo bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng,…

Trước những vấn đề đặt ra gây "nhức nhối" trong ngành giáo dục, bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) có những chia sẻ thẳng thắn với báo chí.

Bà cho rằng, ngành giáo dục rất tệ ở nhiệm kỳ này. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có 2,5 năm đảm nhiệm vai trò trưởng ngành (gần nửa nhiệm kỳ), dù không thể đòi hỏi quá cao vì mấy đời bộ trưởng rồi không làm được, nhưng ít ra người đứng đầu ngành giáo dục đã làm gì thì phải dứt khoát, rốt ráo cái đó.

Theo đại biểu Phong Lan, thái độ xử xự của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sau vụ sửa điểm thi PTTH là "hết sức phản cảm".

Rồi một số những vụ việc tiêu cực khác. "Đương nhiên các vụ việc tiêu cực này là do con người trong ngành làm chứ không phải bản thân Bộ trưởng nhưng sự lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát của Bộ trưởng ở đâu? Và cách xử lý sau khi xảy ra những vụ việc đó như thế nào? Ở đây đòi hỏi thể hiện sự quyết liệt từ tâm của mình chứ không phải hô khẩu hiệu. Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo không phải là nhà hùng biện và chưa thuyết phục tôi", đại biểu Phong Lan nói.

Đề cập đến câu chuyện đề xuất đuổi học người bán dâm lần thứ tư, vị đại biểu đoàn TP HCM chia sẻ, "nếu tôi là Bộ trưởng Nhạ tôi sẽ không đổ lỗi cho cấp dưới. Không thể lý luận rằng vì có những văn bản trước đây chưa phù hợp và bây giờ bộ đã ra lệnh rà soát...".

Theo đại biểu Phong Lan, "ở đây cái cần đánh giá là năng lực, tư duy, ý thức của bộ phận soạn ra những vấn đề như thế. Đây là dự thảo thông tư và trước đó thông tư cũng đã ra đời. Thời điểm tháng 4/2016 thì Bộ trưởng Nhạ đã nhậm chức rồi. Vậy thì có thể thấy thông tư đó thứ nhất là vi phạm pháp luật, thứ hai là rất phản giáo dục, phản văn hoá và là sự xúc phạm cho các sinh viên ngành sư phạm cũng như các thầy cô giáo, mà tôi cũng là cô giáo nên tôi thấy rất xúc phạm. Vậy thì Bộ trưởng Nhạ phải trình bày làm sao để đại biểu thấy được Bộ trưởng đồng cảm với chúng tôi về việc đấy chứ không phải loay hoay để tìm cớ đổ thừa. Như vậy suy ra rằng mình không dũng cảm".

Về việc sửa điểm thi PTTH tại một số tỉnh, đại biểu Phong Lan cho rằng, cần thấy rằng, chuyện nâng điểm này chắc chắn phải có tiền bạc xen vào...

"Việc đỗ lỗi đã thành nét văn hoá. Để cho an toàn, đầu tiên cứ không phải lỗi tại tôi đã, rồi từ từ tính sau".

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan

Bà bày tỏ khi đó cũng rất thất vọng khi hàng loạt quan chức đổ thừa trách nhiệm khi nói rằng "người ta nâng điểm mà tôi không biết"... Họ không biết rằng mình đang góp phần vào việc phá hoại toàn bộ những gì mà chúng ta xây dựng đối với sự nghiệp trồng người. Mọi sự nghiệp trồng người bị bỏ hết...Điều khiến đại biểu Phong Lan đau xót là việc tạo mọi điều kiện để các em học sinh vùng sâu vùng xa, vùng núi được công bằng một chút so với miền xuôi (vì dù sao học sinh ở TP cũng được hưởng điều kiện tốt hơn), tuy nhiên, những gì xảy ra đã khiến những học sinh thật sự hiếu học, học tốt cũng không còn con đường nào để vươn lên bởi "tất cả các chỗ đã bị chiếm hết rồi".

Vị đại biểu nhận xét, trong xã hội của chúng ta, việc đỗ lỗi đã thành nét văn hoá. Để cho an toàn, đầu tiên cứ không phải lỗi tại tôi đã, rồi từ từ tính sau.

"Tôi trách Bộ trưởng Nhạ vì ông đang là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ông đang là người chịu trách nhiệm cao nhất để đào tạo ra thầy cô, chịu trách nhiệm về hệ thống giáo dục để đào tạo ra con người sau này. Vì thế, tôi cho rằng, bản thân Bộ trưởng cũng sẽ suy nghĩ lại để xem mình có đủ sức để hoàn thành nhiệm vụ hay không? Chứ sức ép này cực kỳ lớn và ông phải có giải pháp. Khi mà người dân đã xói mòn lòng tin thì sẽ rất khó làm việc.  Nhưng nếu Bộ trưởng thấy vẫn có thể làm được với sự giúp sức của ngành như Bộ trưởng đã nói "kết quả bỏ phiếu thấp sẽ là động lực" thì Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát", nữ đại biểu đoàn TP HCM nói đầy tâm trạng.

Cho rằng không nên đổ hết lỗi cho Bộ trưởng Nhạ song đại biểu Phong Lan nói "tôi đánh giá là với một chiếc ghế nóng, lại ở lĩnh vực với nhiều vấn đề còn tồn đọng như vậy thì Bộ trưởng Nhạ chưa đủ sức để vượt qua. Còn nếu có đủ sức hay không thì Bộ trưởng hãy chứng minh đi! Về mặt đường hướng, chính trị gia thì Bộ trưởng Nhạ có thể rất tốt về công tác chuyên môn. Đương nhiên tôi không dám đánh giá về công tác chuyên môn của Bộ trưởng vì tôi không cùng ngành. Nhưng có thể đôi khi có những vấn đề quan trọng, rất nặng nề, được người dân quan tâm nhưng Bộ trưởng Nhạ chưa đánh giá đúng mức của việc đó và chưa có biện pháp để sử dụng hiệu quả bộ máy tham mưu".

Chiều 31/10, tại buổi chất vấn, trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) về thông tư nói trên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương bỏ thông tư đuổi học sinh viên bán dâm đến lần thứ tư. Lỗi do ban soạn thảo, đặc biệt cá nhân năng lực kém, đã đưa thông tin này lên.

Tranh luận sau phần trả lời của người đứng đầu ngành giáo dục, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền cho rằng bà không thấy Bộ trưởng nhận trách nhiệm mà lại chuyển lỗi cho cá nhân khác.

Theo bà Hiền, chỉ khi nào Bộ trưởng nhận trách nhiệm của người đứng đầu, chỉ khi nào Bộ trưởng nhận ra năng lực của người giúp việc, và bộ máy quản lý ngành có vấn đề, hạn chế, thì mới có được những giải pháp lấy lại được sự tôn nghiêm của quản lý giáo dục.

"Mong Bộ trưởng nhìn thẳng vào thực tế, không tránh né, không tác động", bà Hiền nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thi Kim Ngân khi đó đã nhắc lại lời phát biểu của bà Hiền và đề nghị Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ rút kinh nghiệm./.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ