• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Một góc Sài Gòn cafe

Du lịch 02/12/2008 11:30

(Toquoc)- Tôi có thói quen thường gõ trên máy tính là càfé. Một hôm bà xã tôi bảo: -“Anh đánh chữ gì, kỳ quặc! Em tra từ điển chẳng dạy cách viết nào như vậy!”.

(Toquoc)- Tôi có thói quen thường gõ trên máy tính là càfé. Một hôm bà xã tôi bảo: -“Anh đánh chữ gì, kỳ quặc! Em tra từ điển chẳng dạy cách viết nào như vậy!”.

Đúng thế thật! Nhưng đó là một càfé đẹp! Rất mạng. Và cũng rất IT. Thực ra từ này xuất phát từ chữ caffeine – hiểu nôm na chất nghiện. Tuy nhiên không có dấu sắc như cách gõ của chúng tôi. Hoàn toàn có thể tạo ra nhiều cách viết, đôi khi như những ký hiệu để xác định hay gọi tên một sự vật, ám chỉ một thói quen nào đó chứ! Tại sao không! Đặc biệt với cà phê. Một thức uống quen thuộc vừa bình dân vừa cao cấp. Ngày nay trên điện thoại cầm tay, máy laptop khi nhắn tin hoặc chat, đôi khi những ký hiệu “đến X!”, “Cf nhé!”, Tôi đang ở Y. Ông ra đây!…”. Thì cũng đã ngầm ký hiệu hẹn hò cà phê rồi!



Cà phê không chỉ là điểm hẹn “sang trọng” cho những công dân @IT, thế hệ 9X mà cũng có thể là “văn phòng” của họ…


Để chứng tỏ mình là con nghiện cà phê, một lần, người bạn tôi là nhà thơ nổi tiếng, trào lộng: -“Ông biết không? Hôm qua tôi đi thử máu! Sau khi xét nghiệm bác sĩ bảo; ông làm gì còn máu. Chích ra toàn cà phê (!?)”. Dân nghệ sĩ, nhà thơ, nhà báo thì mỗi ngày hẹn hò, gặp gỡ đối tác uống không biết bao nhiêu cữ cà phê cho đủ. Ngầm ý giễu cợt như anh bạn tôi nghĩ cũng không ngoa chút nào!

Thật ra tôi không có ý định dùng chữ “cà phê trung tâm” để so sánh “đẳng cấp” với các hàng hiệu cà phê khác ở Sàigòn. Bởi vì chất lượng cà phê, độ đậm đặc, ngon hay dở, gu của người này khác kẻ kia, đôi khi uống cà phê chỉ cốt tìm một chỗ ngồi quen, góc hẹn hò tình nhân hay “bản địa” của một hai người bạn tri kỷ. Hương vị đôi khi khộng nhấm nháp từ lưỡi mà chính từ tâm hồn, là thưởng thức, nhấm nháp kỷ niệm. Hàng quán phương Nam thượng vàng hạ cám. Nói như thi sĩ Bùi Giáng “Sàigòn Chợ Lớn rong chơi / Đi lên đi xuống đã đời du côn”. Nhưng cà phê trung tâm là những quán nằm ở khu vực nhà thờ Đức Bà, đường Nguyễn Huệ, Mạc Thị Bưởi, Ngô Đức Kế, Hồ Huấn Nghiệp…Đó là thế giới riêng với những ảo ảnh vàng son cũng như phù du ma quái của nó. Nhưng ở những đẳng cấp cà phê khác, ca sĩ không là người Việt mà là các ca sĩ quốc tế. Có đêm, hoạ sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú, cùng tôi lang thang tận tầng 9 của khách sạn Caravelle thưởng thức cà phê và giọng ca bốc lửa của các ca sĩ người Sing. Ở họ hình như tiếng hát mê đắm và có nghề hơn. Tiếng hát như thả xuống từ những phương trời xa lạ một đêm tối thắng lên giữa Sàigòn.


Thường xuyên, từ trung tâm thành phố, những người bạn văn nghệ sĩ túa đến tìm như nhà thơ Phan Hoàng, Lê Quý Nghi, nhà thơ Nguyễn Đức Vân từ Bảo Lộc xuống, nhà thơ Vương Huy từ miền Tây Cai Lậy lên, nhà báo, nhà nhiếp ảnh Trần Nguyên Anh, nhà văn Kim Sang It - Trần Đại Nhật (Hàn Quốc), dịch giả Richard Fuller, một người Mỹ nghiên cứu âm nhạc Trịnh Công Sơn …chúng tôi lại thả bộ tìm những quán cà phê “dốc cạn tâm tình”. Uống cà phê ở đây còn “uống” người đẹp với đủ màu tóc bạch kim, đủ hung, vàng, các kiểu áo váy, uống châu Âu, châu Á với khách du lịch bốn phương tụ về “hòn ngọc Viễn Đông” dập dìu.

Trung tâm không hẳn cà phê ở những vị trí đắc địa mà đôi khi nơi đây mở đầu cho một trường phái, trào lưu, nghệ thuật mới. Bởi lẽ từ cà phê đã gây nên những “bùng nổ”, những “ghi chú” trong lịch sử. Xin có vài ví dụ sau. Tình cờ đọc The Independent, tôi phát hiện nhiều thông tin thú vị xuất phát từ…cà phê (!). Nhà văn Pháp nổi tiếng Boris Vian tuyên bố “Nếu không có sự tồn tại của các quán cà phê sẽ không có Jean Paul Sartre”. Sự thật thì nhà văn bậc thầy của triết học hiện sinh này đã từng có những tranh luận nảy lửa tại các quán cà phê trung tâm Paris như café de Flore và Les Deux Magot đặt nền móng cho sự phát triển xã hội ở châu Âu. Cùng với vợ, là nhà văn hiện sinh Simone de Beauvoir, những tác phẩm quan trọng của hai ông bà như Nỗi buồn của kẻ bất tử, Buồn nôn, Văn chương là gì? đã ra đời. Khi có dịp được đặt chân đến nước Pháp, hương vị “quyến rũ” của Café de Flore “chiêu dụ” tôi. Bằng mọi giá tôi đã nhờ nhà văn, dịch giả Trần Thiện Đạo đưa tôi đến khám phá và thưởng thức. Qua nhiều chặng metro, tôi đã đến trước quán cà phê này với những cảm xúc bồi hồi khó tả. Nơi đây còn lưu giữ những bức hình ngày xưa, từ thời của các nhà văn nổi tiếng Jean Paul Sartre, Anbert Camus, Simone de Beauvoir…Và có cả nhà triết học Việt Nam Trần Đức Thảo. Một hôm khác tôi và dịch giả Cao Việt Dũng theo lời hẹn đi tìm nhà nghiên cứu triết học, dịch giả Phan Huy Đường ở cà phê Les Deux Magots. Trong cái lạnh tuyết giá bắt đầu rơi ở Pháp giữa tháng mười một, chú tôi đã có những tranh luận thú vị về văn học, văn chương Việt Nam. Tôi nhớ Cao Việt Dũng đã “cãi” nhau với Phan Huy Đường rất hăng! Còn học giả uyên thâm tên tuổi chỉ cười. Nụ cười có sức mạnh hiền triết “giải chấp” tất cả. Sau đó, Phan Huy Đường còn lấy xe hơi chở tôi đi khám phá nhiều quán cá phê khác ở Paris. Tôi nhớ quán cà phê ở khu La-Tinh hay còn gọi là khu đại học Paris. Không gian của quán đặc biệt và có sức quyến rũ đến nỗi câu chuyện chúng tôi kéo dài đến tận…3 giờ sáng! Sức mạnh của caffeine đã là chất xúc tác cho tình bạn, đối thoại và tác phẩm thăng hoa. Ở Nga, St Petersburg’s Literary Café gắn liền với huyền thoại và sự bất tử của nhà thơ Pushkin nổi tiếng với sự đắm mình của ông ở đây trước giờ phút đấu súng tay đôi với tình địch để bảo vệ cho cái đẹp và sự thánh thiện. Những giọt đắng cà phê đã tạo nên những bài thơ “Trong mơ anh đã khóc / Vì em không trung thành / Tỉnh dậy đôi mắt ướt / Lệ đắng còn chảy quanh”. The Independent còn cho biết quán cà phê nằm đối diện với nhà hàng Florian and Quadri tại quảng trường St Mark’s tại thành Venice là quán quen của những vị khách nhà thơ, nhạc sĩ nổi tiếng như Byron, Casanova, Vagner, Henery James…Còn cà phê El Quatre Gats ở Barcelona vẫn “khăng khăng” đòi lưu dấu “hương cà phê” của mình vào lịch sử Mỹ thuật vì nơi đây đã diễn ra cuộc triển lãm đầu tiên tranh của thiên tài Picasso lúc ông 19 tuổi. Nhấn mạnh cà phê trung tâm chính là như thế!

Năm tháng, kỷ niệm đôi lúc vọng hiện về qua những quán cà phê. Không gian và thời gian của ký ức gần như đồng nhất khi những “thiên đường đã mất”. Đó là tuổi xuân, những tháng năm đẹp nhất của tuổi trẻ. Ở Đà Nẵng có quán cà phê Long ở góc đường Quang Trung nổi tiếng. Tôi uống ở đây từ khi còn là một cậu học sinh phổ thông với những “rung động đầu bờ” và bây giờ mỗi khi có dịp tìm về thành phố biển lại gọi ngay cho vài đứa bạn ra đấy. Ở đây chúng tôi nói về những kỷ niệm tuổi thơ, những cơn mưa, những tán lá phượng lập lòe hoa đỏ mà lúc thời gian qua đi như còn lại bàng bạc trong màu cà phê. Ở Sài gòn chúng tôi ngồi lê la đủ quán. Từ cà phê Dung với giàn bông giấy sặc sỡ quận ba, cà phê Chiêu với góc hẻm ẩm mốc chiều Cao Thắng, cà phê Phong Nguyệttrên đường Trần Quốc Thảo với không gian “đề-co” rất riêng của nhạc sĩ đạo diễn Anh Khanh. Các quán khác như Du Miên, Cõi Riêng, Bụiđều “ăn khách” riêng.


Nhà của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở cuối hẻm này


Có quán cà phê Hẻm 47 trên đường Phạm Ngọc Thạch khá đặc biệt, bình dân nhưng lúc nào cũng đông khách. Bởi con hẻm dẫn vào nhà của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Người từng viết những câu lạnh người về quán, về cà phê: “Bàn im hơi bên ghế ngồi” hay “Bạn bè ngồi quanh tuốt sáng giáo gươm”… Khách đến rồi đi. Người đi có kẻ về cũng có bước chân vĩnh viễn. Những thông tin cho nhau cũng bắt đầu từ góc cà phê quen. Đôi lúc tôi thầm nghĩ, quán cà phê chính là chặng nghỉ, là quán trọ tinh thần của mỗi cá thể trước khi cất cánh, bắt đầu cho một chuyến viễn hành khác…

Phạm Nguyễn


NỔI BẬT TRANG CHỦ