• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Một mũi tên trúng hai đích": dự án Nga chia rẽ phương Tây kiêm răn đe Ukraine

Thế giới 05/06/2019 13:45

(Tổ Quốc) - Đức muốn có nguồn cung năng lượng giá rẻ từ Nga trong khi Ukraine lo ngại về những thiệt hại kinh tế.

Một mũi nhọn địa chính trị đào sâu thêm căng thẳng giữa Mỹ và Đức. Một phương tiện khiến châu Âu càng thêm phụ thuộc vào cung cấp năng lượng từ Nga. Một công cụ đưa một quốc gia vào vòng tay của Điện Kremlin…

Theo cây bút Mansur Mirovalev của hãng tin Al Jazeera, trên đây chính là những gì mà chính quyền Tổng thống Donald Trump và giới lãnh đạo Ukraine đang nhìn nhận về dự án Nord Stream 2. Là một trong những đường ống dẫn đầu lớn nhất thế giới, Nord Stream 2 được xây dựng bên dưới mặt biển Baltic và được kỳ vọng sẽ vận chuyển tới 55 tỷ mét khối khí gas từ Nga tới Đức.

Một mũi tên trúng hai đích: dự án Nga chia rẽ phương Tây kiêm răn đe Ukraine - Ảnh 1.

Dự án Nord Stream 2 là một vấn đề nóng của chính trị châu Âu (ảnh: getty)

Hồi tháng Tư Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố, Đức sẽ trở thành một "con tin" của Nga ngay khi đường ống dài 1.200km, trị giá 11 tỷ USD hoàn thành. Không ngồi yên, Washington liên tục đe dọa trừng phạt các công ty liên quan tới dự án. Ngoại trưởng Mike Pompeo cảnh báo, Moscow đang sử dụng năng lượng như là một đòn bẩy gây áp lực lên châu Âu. Ông Pompeo cũng quyết định hủy bỏ chuyến công du tới Đức, dự kiến diễn ra vào ngày 4/6.

Có vẻ như lập trường của Washington hoàn toàn phù hợp với Kiev. Tân Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky đã kêu gọi phương Tây ngăn cản Nord Stream 2 hoàn thành và gia tăng trừng phạt lên Nga.

Trừng phạt Nga mạnh mẽ hơn bởi vì thái độ gây hấn của họ trước Ukraine là hy vọng lớn của chúng tôi.

Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky

"Trừng phạt Nga mạnh mẽ hơn bởi vì thái độ gây hấn của họ trước Ukraine là hy vọng lớn của chúng tôi", ông Zelensky phát biểu hôm 21/5. "Chúng tôi sẽ biết ơn sự đoàn kết của EU trong việc phản đối dự án Nord Stream 2 hoàn thiện".

Các láng giếng của Ukraine – chủ yếu là Ba Lan và các nước Baltic, cũng là những quốc gia phản đối dự án trên nhiều nhất. Năm ngoái, trong một lá thư chung, họ tuyên bố, Nord Stream 2 "nên được nhìn nhận trong bối cảnh rộng hơn liên quan tới thông tin và sự hiếu chiến quân sự, thù địch trên mạng từ phía Nga".

Nhiệm vụ bất khả thi?

Hôm thứ Ba (4/6), ông Zelensky đã có cuộc gặp gỡ với các quan chức EU và NATO tại Brussels, nhằm thảo luận về các vấn đề như nền kinh tế Ukraine, Nga sáp nhập Crimea, cuộc xung đột ly khai tại đông nam Ukraine và cả đường ống Nord Stream 2.

Al Jazeera nhận định, với Đức, Áo và Hà Lan ủng hộ Nord Stream 2, những nỗ lực để dừng việc xây dựng đường ống gần như chắc chắn sẽ là một thất bại ngoại giao quan trọng đầu tiên của tân Tổng thống Ukraine.

Dự án đã được thông qua hoàn toàn. Về địa chiến lược, châu Âu không thể cắt đứt quan hệ với Nga.

Thủ tướng Đức Angela Merkel

"Dự án đã được thông qua hoàn toàn", Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định hồi giữa tháng 5. "Về địa chiến lược, châu Âu không thể cắt đứt quan hệ với Nga".

Theo nhà lãnh đạo Đức, Ukraine "phải giữ nguyên vai trò một nước trung chuyển". Nhưng bà lại không giải thích được Berlin sẽ làm như thế nào nếu Moscow tăng giá thành đối với người tiêu dùng Ukraine hoặc cắt đứt toàn bộ nguồn cung cho nước láng giềng.

Không một áp lực phương Tây nào có thể "ép được Nga bơm gas qua", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Pankin phát biểu vào tháng 2/2019.

Trong khi đó, giới phê bình Điện Kremlin cho rằng, Nord Stream 2 và Nord Stream 1 (đã hoàn thành) không có nhiều ý nghĩa kinh tế.

"Nga sử dụng nguồn cung cấp năng lượng như một công cụ để gây sức ép lên Ukraine", Gennady Gudkov, một cựu nghị sỹ Nga nói với Al Jazeera. "Đường ống là không cần thiết về mặt kinh tế. Đó là một màn phô diễn về chính trị, một cách đề trừng phạt Ukraine".

Đề cập tới những ủng hộ Washington dành cho Ukraine, một số chuyên gia nhìn nhận, Mỹ chỉ đơn giản đang cố gắng bảo vệ các nhà sản xuất khí gas hóa lỏng của mình – những người đang muốn đạt được thị phần lớn hơn tại châu Âu. Tuy vậy, áp lực từ Washington gần như chắc chắn sẽ không khiến Nord Stream 2 phải dừng lại. Berlin nhấn mạnh, họ cần phải có nguồn cung khí gas Nga không gián đoạn, do Đức đang giảm bớt sử dụng năng lượng hạt nhân.

"Mối quan tâm của châu Âu vào việc có được khí gas rẻ hơn những gì Mỹ đang cung cấp – là rõ ràng, và khả năng cao là Nord Stream 2 sẽ đi vào hoạt động", nhà phân tích từ Kiev Mikhail Pogrebinsky đánh giá.

Trước đây, hầu hết xuất khẩu gas của Liên Xô tới châu Âu đều đi qua Ukraine. Phí trung chuyển Ukraine thu được hiện vào khoảng 2 tỷ USD – chiếm 3% GDP của nước này.

Bên cạnh đó, khí gas Nga là lựa chọn duy nhất của Ukraine để thay thế cho các lò phản ứng hạt nhân đã tồn tại nhiều thập kỷ và đang ngày càng xuống cấp, vốn đang được sử dụng để tạo ra điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Kể từ năm 2005, Nga và Ukraine đã rơi vào "cuộc chiến gas", xuất phát từ những bất đồng liên quan tới phí trung chuyển, giá gas cho thị trường Ukraine, cũng như cáo buộc của Moscow rằng Kiev hút bớt gas…

Những bất đồng trên đã từng hơn một lần gây gián đoán tới nguồn cung cấp gas, và 18 nước châu Âu từng phải trải qua hai tuần khan hiếm gas vào mùa đông năm 2009, sau khi tập đoàn Nga Gazprom dừng vận chuyển khí gas qua Ukraine.

Chính trường Ukraine đã trải qua hai lần "sóng gió" vào các năm 2004 và 2014; và ở cả hai thời điểm, các nhà lãnh đạo thân phương Tây, bài Nga đều phải đối mặt với nhiều rắc rối đối nội và dần mất đi sự ủng hộ từ dân chúng. Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống mới nhậm chức Zelensky từng hứa sẽ giảm giá gas cho người dân, nhưng tình huống địa chính trị hiện tại đang khiến lời cam kết của ông khó thực hiện hơn bao giờ hết.

"Các nhà lãnh đạo thay đổi quá thường xuyên trong những năm gần đây và họ đã không thể đạt được thỏa thuận" với Nga, chuyên gia năng lượng Dmitry Marunich chỉ ra. "Tại sao Gazprom lại phải vận chuyển khí gas qua một đất nước đang công khai tỏ ra không trung thành với Nga cơ chứ?"

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ