• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Một số DN nợ nhiều, kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng

Kinh tế 23/05/2018 17:15

(Tổ Quốc) - Thông tin được đưa ra trong Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2017 mà Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội. Tại đây, cơ quan kiểm toán cho biết hầu hết các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước mắc sai sót trong hạch toán kế toán, kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí…

Báo cáo kiểm toán nêu tên các tập đoàn, Tổng công ty quản lý nợ chưa chặt dẫn tới khoản phải thu quá hạn, khó đòi. Các “ông lớn” được điểm danh gồm: Vinaconex (541 tỷ đồng), Vinachem (753 tỷ đồng), hay Tổng công ty hàng không Việt Nam (gần 304 tỷ)…

(Nguồn: Tiền phong)

Một số doanh nghiệp có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, dẫn tới tiềm ẩn rủi ro mất cân đối tài chính, thậm chí rơi vào tình trạng buộc phải giám sát tài chính đặc biệt. Danh sách những doanh nghiệp này gồm: Vinachem, Công ty cổ phần vận tải thuỷ - Vinacomin…

Báo cáo cũng liệt kê các công ty mẹ bị lỗ nặng gồm: Đạm Ninh Bình lỗ luỹ kế đến 31/12/2016 gần 3.200 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu 968 tỷ đồng; Công ty cổ phần Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc gần 1.721 tỷ đồng; Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem 1.066 tỷ và Công ty cổ phần DAP - Vinachem 462 tỷ đồng...

Về chi đầu tư phát triển, báo cáo chỉ ra một số trường hợp giao vốn chưa đúng đối tượng.

Cụ thể, dự toán chi đầu tư phát triển Quốc hội quyết định 254.950 tỷ đồng, trong đó vốn trong nước 204.950 tỷ đồng, vốn ngoài nước 50.000 tỷ đồng.

Kết quả kiểm toán cho thấy, công tác giao vốn tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đến ba lần (năm 2015 là 11 lần)  không đúng quy định khi được thực hiện sau ngày 20/12/2015.

Theo Kiểm toán nhà nước, ba lần này giao kế hoạch vốn cho 967 dự án khởi công mới, bằng 17,44% tổng số dự án được giao (5.545 dự án), trong khi còn 37 dự án hoàn thành, bàn giao trước ngày 31/12/2015 và 6 dự án dự kiến hoàn thành năm 2016 không được giao đủ vốn là chưa tuân thủ nguyên tắc phân bổ vốn tại chỉ thị số 11 của Thủ tướng.

Ngoài ra, việc giao kế hoạch vốn năm 2016 cho 4 dự án đường cao tốc của Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC)  3.866 tỷ đồng để chuyển đổi vốn vay ODA từ hình thức Nhà nước cho vay lại sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ song chưa có nghị quyết chấp thuận của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Bộ còn giao kế hoạch phần ngân sách Trung ương chưa đúng đối tượng hoặc vượt tỷ lệ quy định tại các chương trình 5,33 tỷ đồng cho 2 dự án. Giao kế hoạch vốn đối ứng ODA 100 tỷ đồng cho 1 dự án khi chưa có quyết định đầu tư, xác định cơ cấu nguồn vốn ngân sách Trung ương trong tổng mức đầu tư của 12 dự án vượt tỷ lệ hỗ trợ quy định 543,35 tỷ đồng./.

Hà Giang (T/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ