• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mục tiêu thực sự của Trung Quốc trong chuyến thăm hàng loạt tại Thái Bình Dương

Thế giới 30/05/2022 11:00

(Tổ Quốc) - Chuyến công du 10 ngày của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đến các quốc đảo Thái Bình Dương cho thấy nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường sự hiện diện trong khu vực.

Nhắm tới đường băng từ Thế chiến 2?

Tại thủ đô Tarawa của Kiribati hôm thứ Sáu tuần trước, ông Vương Nghị đã ký các văn kiện về hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng và đối phó với tác động của biến đổi khí hậu. Ông Vương Nghị cũng nói rằng "giúp đỡ các nước đang phát triển là giúp chính Trung Quốc", theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Trong một động thái nhắm tới Mỹ, ông Vương Nghị cũng đã nói rằng: "Mỹ và các đồng minh vẫn khăng khăng tập trung sức lực vào việc cố tình ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc", theo một bản tin của Bộ Ngoại giao nước này.

Theo trang Nikkei Asia, hợp tác giữa Trung Quốc và Kiribati gây chú ý với các thông tin rằng Bắc Kinh sẽ cung cấp viện trợ tài chính cho việc nghiên cứu tính khả thi của dự án nâng cấp đường băng trên đảo Kanton. Dải đất hẹp này nằm cách Hawaii 3.000 km, nơi có trụ sở của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ - một khoảng cách tương đối ngắn giữa một khu vực rộng lớn, thưa thớt người sinh sống.

Chính quyền Kiribati hồi tháng 5 năm ngoái đã thừa nhận dự án này, tuy nhiên, cho rằng một bản tin của hãng Reuters là gây hiểu lầm. Kiribati cho rằng đường băng này "chỉ dành cho mục đích dân sự" và có nghĩa là chỉ nhằm "hỗ trợ việc đi lại bằng đường hàng không thương mại giữa thủ đô Tarawa" và các hòn đảo khác. Đảo Kanton được cho là chỉ có vài chục cư dân, và lợi ích kinh tế của việc nâng cấp đường băng là không rõ ràng.

Mục tiêu thực sự của Trung Quốc trong chuyến thăm hàng loạt tại Thái Bình Dương - Ảnh 1.

Đường băng trên đảo Kanton của Kiribati được Mỹ xây dựng từ lâu. Ảnh: 2022 Planet Labs PBC.

Kiribati, cùng với Quần đảo Solomon, đã dừng quan hệ ngoại giao với Đài Loan và chuyển sang thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh vào năm 2019. Tờ Financial Times đưa tin trong tháng này rằng các cuộc đàm phán đang được tiến hành giữa Trung Quốc và Kiribati, cùng với ít nhất một đảo quốc Thái Bình Dương khác, về các hiệp ước an ninh tương tự như một trong những thỏa thuận của Quần đảo Solomon và Trung Quốc hồi tháng Tư.

Một số nhà quan sát cho rằng một thỏa thuận như vậy có thể cho phép Bắc Kinh điều lực lượng quân sự tới Kiribati.

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản đã nhắm mục tiêu vào Nam Thái Bình Dương với hy vọng tách Australia ra khỏi liên kết với Mỹ. Một số cuộc giao tranh đẫm máu nhất trong chiến tranh đã diễn ra trên Guadalcanal, một khu vực thuộc quần đảo Solomon và trên quần đảo Gilbert, bao gồm Tarawa và hầu hết các khu vực còn lại của Kiribati.

Đường băng trên đảo Kanton do quân đội Mỹ xây dựng vào thời điểm đó. Kể từ sau chiến tranh, Australia và Mỹ đã liên tục duy trì ảnh hưởng trong khu vực.

Trong chuyến thăm năm 2012 tới Mỹ, ông Tập Cận Bình cho biết Thái Bình Dương đủ lớn để duy trì ảnh hưởng của cả Mỹ và Trung Quốc. Theo Nikkei Asia, thông điệp này ám chỉ rằng Bắc Kinh sẽ ủng hộ việc phân chia khu vực thành phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc và Mỹ. Kể từ đó, Trung Quốc đã nỗ lực để tăng cường sự ủng hộ ở đây.

Bắc Kinh gần đây đã đưa ra các tài liệu dự thảo kết quả cho cuộc họp với 10 quốc đảo Thái Bình Dương, bao gồm cả Liên bang Micronesia. Dự thảo thỏa thuận này tìm kiếm sự hợp tác an ninh lớn hơn, trong số nhiều nỗ lực song phương khác. Một số nhà quan sát cho rằng mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là làm suy giảm ảnh hưởng của Hiệp ước liên kết giữa Micronesia và Mỹ.

Hiệp ước này, nói cách khác, có ý tưởng rằng Micronesia cho phép Mỹ- chứ không phải quốc gia nào khác - đóng quân ở đó để đổi lấy sự hỗ trợ kinh tế. Thỏa thuận này sắp được gia hạn vào năm 2023 và các cuộc đàm phán vẫn chưa kết thúc.

Khoảng cách giữa Guam, nơi đóng quân quan trọng cho tàu ngầm hạt nhân và máy bay ném bom chiến lược của Mỹ, và đảo Yap của Micronesian chỉ cách nhau hơn 700 km. Đối với Trung Quốc, việc có một căn cứ quân sự ở Yap có thể giúp bảo vệ đại lục bằng cách ngăn cản các lực lượng Mỹ tiếp cận gần hơn.

Masafumi Iida, một chuyên gia về chiến lược hàng hải của Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng Quốc gia Nhật Bản, cho biết các hành động cứng rắn của Bắc Kinh trong khu vực là "một phần trong hàng loạt các động thái nhằm đạt được mục tiêu chiến lược là hạn chế các hành động quân sự của Mỹ."

Mỹ và đồng minh tăng cường phản ứng

Những động thái như vậy của Trung Quốc cũng đã thu hút sự chú ý từ Mỹ và đồng minh, trong đó có nhóm Đối thoại An ninh Bốn bên (QUAD), gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ. Nhóm này được thiết lập với một trong những mục tiêu là cùng mối quan ngại về sự hiện diện gia tăng của Trung Quốc ở các vùng biển thuộc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Khi các nhà lãnh đạo QUAD gặp nhau tại Tokyo hôm thứ Ba tuần trước, tân Thủ tướng Australia Anthony Albanese cũng đã thể hiện quan điểm của mình.

"Chúng tôi biết rằng Trung Quốc đang tìm cách gây ảnh hưởng nhiều hơn ở Thái Bình Dương", ông Albanese nói.

Chính phủ do Công đảng lãnh đạo của ông Albanese cho biết họ đặt mục tiêu tăng cường hỗ trợ phát triển cho các quốc đảo Thái Bình Dương. Đến thăm Fiji vào thứ Sáu tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong cho biết "một trong những lĩnh vực mà chính phủ mới quyết tâm tạo ra sự khác biệt là về khí hậu."

Ngay trước chuyến thăm của ông Vương Nghị đến Solomons, chính phủ New Zealand hôm thứ Tư cho biết họ sẽ kéo dài thời gian triển khai quân ở đó thêm một năm, cho đến cuối tháng 5 năm 2023.

Trong một bức thư gửi các nhà lãnh đạo khu vực ngày 20/5, Tổng thống Micronesia David Panuelo bày tỏ quan ngại về đề xuất hợp tác tại các quần đảo Thái Bình Dương của Trung Quốc. Ông David Panuelo nói rằng đề xuất này "có nguy cơ mang đến một kỷ nguyên chiến tranh lạnh mới và tồi tệ nhất là một cuộc chiến tranh thế giới."

Hiện có những dấu hiệu cho thấy sự tham gia mạnh mẽ hơn của Mỹ với khu vực này. Đáng chú ý, quần đảo Fiji đã tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Nhật Bản cũng đã cố gắng làm sâu sắc hơn mối quan hệ với khu vực này. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoshimasa Hayashi đã đến thăm Fiji và Palau vào đầu tháng Năm. Ba năm một lần, cùng với Australia và New Zealand, Tokyo cũng tổ chức Cuộc họp các Đảo ở Thái Bình Dương với các nhà lãnh đạo khu vực.

Đối với Nhật Bản, các quốc đảo Thái Bình Dương nằm trên tuyến đường biển nối họ với Australia, bên cạnh đó còn rất giàu tài nguyên biển. Các quốc đảo này cũng là một khối bỏ phiếu lớn trong Liên hợp quốc.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ