• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mười rủi ro cao đối với thế giới năm 2019

Thế giới 25/01/2019 15:54

(Tổ Quốc)- Năm 2019, thế giới phải đối mặt với các thay đổi địa chính trị và gần như tất cả các yếu tố đều đang chuyển theo hướng tiêu cực.

Điều này thể hiện trong tình hình nội bộ của từng quốc gia, cũng như trong mối quan hệ giữa các nước với nhau. Tổ chức Eurasia Group, có trụ sở tại New York (Mỹ) nêu lên 10 nguy cơ lớn nhất về địa chính trị trong năm 2019:

Sự suy yếu của các thể chế

Sự bất ổn chính trị mà phần lớn các quốc gia đang phải đối mặt là kết quả của việc các nhà lãnh đạo trên thế giới chỉ quan tâm đến việc giải quyết các vấn đề tức thời. Điều này, cùng với việc vắng bóng một lãnh đạo toàn cầu, dẫn tới việc nảy sinh mầm mống nguy hại trong tương lai gần.

Một trong những mầm mống đó là sự suy yếu của các thể chế ở Mỹ. Tính hợp pháp của các tổ chức tại quốc gia này đang trải qua nhiều tổn thương liên tục, tạo ra sự mất lòng tin của người dân vào nó.

Sự chia rẽ nội bộ trong Liên minh châu Âu do sự gia tăng các phong trào dân túy và sự kiện Brexit, cùng với cuộc khủng hoảng ngày càng tăng của hệ thống các liên minh toàn cầu, là những vấn đề khác có thể trở nên tồi tệ hơn trong năm nay.

Quan hệ Mỹ - Trung

Cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ diễn biến đầy phức tạp, gây nghi ngại cho các quan hệ quốc tế trong năm 2018.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cố gắng thiết lập một "thỏa thuận" trong cuộc ăn cơm làm việc tối ngày 1/12 ở Buenos Aires bên lề Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G20, nhưng giới quan sát cho rằng vẫn cần thời gian để xem liệu điều đó có dẫn đến một giai đoạn hòa dịu lâu dài hay không.

Mười rủi ro cao đối với thế giới năm 2019 - Ảnh 1.

Mỹ vẫn quyết tâm dẫn độ Meng Wanzhou, Giám đốc tài chính của Huawei, về Mỹ, gây phức tạp cho quan hệ Canada và Trung Quốc.

Ngoài ra, một thỏa thuận về thuế quan sẽ không thể chấm dứt những xung đột kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ, khi những căng thẳng đã vượt quá phạm vi của vấn đề thương mại. Washington đòi hỏi việc tiếp cận nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc và cả hai chính phủ tồn tại những khác biệt căn bản về vai trò của nhà nước trong nền kinh tế.

Ở đây còn phải kể đến cuộc cạnh tranh giữa hai quốc gia này về vai trò chủ đạo trong trật tự toàn cầu thế kỷ 21. Trung Quốc thì muốn tiến vào "trung tâm vũ đài thế giới" giữa thế kỷ này; còn Mỹ muốn kiềm chế Trung Quốc, tiếp tục giữ vị trí lãnh đạo thế giới, trong tình hình tương quan quyền lực đang không ngừng thay đổi bất lợi cho Mỹ.

Đe dọa không gian mạng

Đây luôn là mối nguy cơ trong những năm gần đây, nhưng 2019 sẽ đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc chiến chống lại các cuộc tấn công mạng. Lần đầu tiên, Mỹ tuyên bố sẽ không còn có thái độ phản ứng nữa mà nước này sẽ cố gắng tiếp cận trực tiếp với các bên tham gia tấn công. Theo đó, vào năm ngoái, ông Trump đã cho phép Lầu Năm Góc triển khai các cuộc tấn công phòng ngừa chống lại tin tặc.

Mục đích là để ngăn chặn các cuộc tấn công, nhưng lập trường mạnh mẽ từ phía Washington có thể dẫn đến việc tội phạm mạng thực hiện những cuộc tấn công lớn hơn và tinh vi hơn. Mặt khác, cuộc điều tra nội bộ của Mỹ bắt nguồn từ "âm mưu của Nga" trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 sẽ có những bước tiến trong năm nay, điều này có thể khuyến khích tin tặc tiến hành các cuộc tấn công mới.

Chủ nghĩa dân túy châu Âu phát triển mạnh

Chiến thắng của Phong trào Năm Sao và Liên đoàn trong cuộc bầu cử tại Italia, và bước tiến trong hội đồng địa phương của Nhóm Alternativa tại Đức, đã củng cố vị thế của chủ nghĩa dân túy trong năm 2018, tạo đà cho phong trào trong năm 2019.

Vào tháng 5/2019, EU sẽ tổ chức các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu. Theo các cuộc thăm dò dư luận, các đảng hoài nghi châu Âu, cả cánh tả và cánh hữu, sẽ giành được số ghế nhiều chưa từng có. Theo trang Poll of Polls, các đảng dân túy sẽ có được khoảng 37% số ghế.

Theo cảnh báo của Eurasia Group, nếu các cuộc thăm dò là chính xác, Nghị viện Châu Âu có thể gặp khó khăn trong quá trình hoạt động và đối mặt với khủng hoảng trong năm nay.

Đấu tranh quyền lực giữa hành pháp và lập pháp Mỹ

Đây là lần đầu tiên tình hình nội bộ của Mỹ xuất hiện trong bảng xếp hạng rủi ro của Eurasia Group.

Với việc đảng Dân chủ chiếm đa số tại Hạ nghị viện, lần đầu tiên Tổng thống Donald Trump phải đối mặt với sự phản đối của Quốc hội trong nhiệm kỳ của mình. Tổng thống có thể sẽ bày tỏ lập trường đối đầu, tạo thêm căng thẳng với cơ quan Lập pháp. Vụ bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ nghị viện, không đồng ý mời Tổng thống đọc Thông điệp Liên bang năm 2019 và ông Trump trả đũa bằng việc không cấp máy bay quân sự để đưa phái đoàn Quốc hội của bà Nancy Pelosi thăm Afghanistan là một biểu hiện của mâu thuẫn bộc lộ công khai.

Trong khi viễn cảnh ông Trump bị bãi nhiệm là rất thấp, dưới áp lực ngày càng tăng từ Quốc hội, cùng với sự phân cực rõ rệt hơn của người dân Mỹ với cuộc bầu cử Tổng thống sắp diễn ra vào năm 2020, những yếu tố này có thể gây ra sự hỗn loạn trong năm nay.

Sụt giảm đổi mới công nghệ

Trong năm 2018, cạnh tranh công nghệ ngày càng bị chính trị hóa và năm 2019, hậu quả sẽ bắt đầu được xảy đến.

Những lo ngại về an ninh đang khiến các chính phủ trên thế giới dè dặt hơn với ảnh hưởng từ nước ngoài trong các lĩnh vực quan trọng, đặc biệt là về quyền riêng tư - nhất là sau các vụ bê bối rò rỉ thông tin trên mạng xã hội, đã dẫn tới việc các nước kiểm soát nhiều hơn dữ liệu cá nhân, cùng với các vấn đề kinh tế đã khiến một số quốc gia thiết lập các rào cản thương mại đối với hàng nhập khẩu.

Tất cả điều này sẽ gây khó khăn nhiều hơn cho các công ty công nghệ lớn để có được các công cụ cần thiết và do vậy, dẫn đến sự sụt giảm trong đổi mới công nghệ vào năm nay.

Ngăn chặn gây ảnh hưởng

Vào đầu năm ngoái, nước Mỹ dưới quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump được coi là nhân tố đối lập lớn của các tổ chức toàn cầu, tuy nhiên hiện nay có thêm các quốc gia như Nga, Ảrập Xêút, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và gần đây là Ý, Brazil cùng quan điểm không sẵn sàng cho các tổ chức quốc tế gây ảnh hưởng đến công việc nội bộ của mình.

Mặc dù các quốc gia chưa thành lập một liên minh chính thức, nhà lãnh đạo của các chính phủ kể trên sẽ tiếp tục gây áp lực cùng nhau lên trật tự thế giới.

Châu Mỹ Latinh

Mexico sẽ là rủi ro lớn nhất tại Mỹ Latinh. Trong năm đầu tiên nhậm chức, Tổng thống Andrés Manuel López Obrador đã hứa sẽ thúc đẩy các chương trình cơ sở hạ tầng và xã hội đầy tham vọng, tuy nhiên rất có thể ông sẽ không có đủ các nguồn lực cần thiết để thực hiện các cam kết, điều này có thể dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế của nước này.

Eurasia Group không coi Venezuela là một rủi ro. Báo cáo của tổ chức này cho rằng: "Chúng tôi không tin rằng Tổng thống Nicolás Maduro sẽ bị chiếm quyền, Mỹ cũng sẽ không can thiệp quân sự vào nước này". Sẽ có thách thức đối với các nước như Colombia, Brazil và Chile trong vấn đề di cư, nhưng mọi thứ sẽ không thay đổi nhiều vào năm nay".

Căng thẳng tại Ukraina

Cuộc xung đột giữa Kiev và Moscow thêm căng thẳng vào cuối năm 2018 do việc bắt giữ 24 thủy thủ Ukraina ở eo biển Kerch và mọi thứ có thể trở nên phức tạp hơn vào năm 2019.

Vào tháng 3, bầu cử tổng thống ở Ukraina sẽ diễn ra và ngay sau đó sẽ tiến hành cuộc bầu cử quốc hội nước này. Khó có thể dự báo rằng một chính phủ hoặc quốc hội thân Nga sẽ được thành lập, nhưng Kremlin sẽ cố gắng gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử trên để làm suy yếu các ứng cử viên mà họ coi là mối đe dọa.

Bầu cử tại Nigeria

Đây có thể là một năm tạo ra sự không chắc chắn tại Nigeria - thị trường chính của châu Phi, nơi đang đối mặt với cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi nhất kể từ khi phục hồi nền dân chủ tại nước này vào năm 1999.

Một bên là Tổng thống Muhammadu Buhari, một nhà lãnh đạo "đã thể hiện rất ít năng lực" để giải quyết các vấn đề của Nigeria. Một bên khác, sự xuất hiện của ứng cử viên Atiku Abubakar "với những đề xuất không rõ ràng" và có thể chấm dứt "nhiều đặc quyền cho giới nhà giàu nước này"./.


Lưu Việt (Gt)

NỔI BẬT TRANG CHỦ