• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Muốn thành mũi nhọn, du lịch Việt Nam phải thay đổi hình ảnh

Du lịch 11/11/2016 10:48

(Tổ Quốc) -Ngay sau khi Chính phủ mới được kiện toàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chỉ đạo Hội nghị có quy mô lớn nhất từ trước đến nay về du lịch, khẳng định một trong những ưu tiên của Chính phủ mới là phát triển ngành công nghiệp không khói.

Tại hội nghị này, ông nói, “ngành du lịch cần nhìn sang các nước láng giềng để phấn đấu đóng góp cho nền kinh tế nước nhà 10% GDP”. Hiện, ngành như du lịch đang đóng góp 6,6% GDP cả nước, tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp đến 2,25 triệu người, giá trị xuất khẩu đạt 8,5 tỷ USD…

Thủ tướng cho rằng để thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch Việt Nam cần đóng góp ít nhất 10% GDP (ảnh: Nam Nguyễn)

Thủ tướng cho rằng để thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch Việt Nam cần đóng góp ít nhất 10% GDP và phải hình thành được các khu dịch vụ du lịch phức hợp, có quy mô lớn và chất lượng cao như định hướng của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và đặc biệt, phải khẳng định được vai trò động lực, vừa tạo cung, vừa tạo cầu cho các ngành khác phát triển, đóng góp chung vào sự phát triển chung của kinh tế xã hội.

Thủ tướng cũng động viên ngành du lịch không lo đơn độc, bởi khi Chính phủ muốn phát triển mạnh ngành này thì cũng không để cho ngành phải đứng một mình.  “Ngành du lịch có tính hội nhập sâu rộng, tính xã hội hóa cao, tính liên ngành lớn. Công tác quản lý Nhà nước phải tạo điều kiện cho du lịch phát triển, trong đó tạo điều kiện phát triển các thương hiệu du lịch lớn, tạo dựng các doanh nghiệp quy mô, mang tầm cỡ khu vực và thế giới, chất lượng dịch vụ tốt được khách du lịch biết đến và tin cậy, tìm đến”, Thủ tướng nói.

Đề án phát triển ngành du lịch Việt Nam thành kinh tế mũi nhọn, mục tiêu đến năm 2020, đóng góp 10% GDP; thu hút 15 triệu lượt khách quốc tế, tăng trưởng bình quân 14%/ năm trong giai đoạn 2016- 2020; Phục vụ 75 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng trưởng bình quân 6%/ năm giai đoạn 2016- 2020…

Bộ trường Nguyễn Ngọc Thiện nhìn nhận, “để có thể thu lại được gì cho nền kinh tế đất nước, thì trước tiên, phải để khách du lịch thấy được những hình ảnh mới của du lịch Việt Nam, để khách tiêu tiền mà cảm thấy mãn nguyện, thoải mái” (ảnh: Nam Nguyễn)

Để đạt được những con số như vậy, Đề án này có đề cập đến kinh nghiệm phát triển du lịch trong nước cho thấy những địa phương thành công trong phát triển du lịch đều có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, được sự ủng hộ của người dân địa phương và các doanh nghiệp, tiêu biểu như Hội An, Đà Nẵng, gần đây là tại Sầm Sơn…

Còn ở mức độ quốc gia, nhìn từ Nhật Bản. Chính sách mạnh mẽ, đồng bộ của Nhật Bản từ năm 2013, được thực hiện từ trung ương đến địa phương thông qua Hội đồng Bộ trưởng về phát triển du lịch Nhật Bản do Thủ tướng Nhật Bản đứng đầu đã tạo nên sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch Nhật Bản những năm qua. Các nước có ngành du lịch phát triển như Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore cũng tương tự…

Làm thế nào để trở thành mũi nhọn và đạt được con số 10, quả không dễ dàng. Trong cuộc họp tổ của các đoàn đại biểu QH diễn ra cách đây 2 ngày, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thậm chí còn phải đặt ra câu hỏi, “liệu chúng ta có lạc quan quá không?”

Sở dĩ, Bộ trưởng Lâm phải hỏi vậy, vì theo quan sát của ông, “hình ảnh chung của du lịch Việt Nam là “sao” thấp, ít có những tour cao cấp mà chủ yếu là khách đại trà, du lịch ba lô, tự phát. Đi vào có khi tiêu 5 - 7 USD/ngày, mua chai nước, mua bánh mì, tự thuê xe máy, xe đạp đi...”

“Chúng ta không có cái gì để thu lại nên coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì thấy lạc quan quá”, là kết luận của ông Lâm sau khi phân tích về khả năng cán đích đóng góp 10% GDP của ngành du lịch

Theo Bộ trưởng Công an, khách quốc tế vào Việt Nam bằng máy bay nước ngoài, ở khách sạn nước ngoài hoặc liên doanh đầu tư. Ăn ở, mua bán đi lại ôtô cũng là công ty liên doanh nước ngoài. Hướng dẫn viên cũng nước ngoài. Tất cả thu chi đó họ cũng thanh toán với nhau ở nước ngoài. Chi cho doanh nghiệp Việt Nam rất ít, chỉ mua hàng kỷ niệm và nhiều khi hàng đó cũng là công ty nước ngoài.

Như đi từ Hà Nội xuống Hạ Long, các công ty du lịch Hàn Quốc, Nhật Bản đã vào mở cửa hàng khá nhiều. Hàng hóa khách mua xong, có dịch vụ chuyển qua tận nước ngoài. Các nước xung quanh làm du lịch rất bài bản. Ví dụ như Thái Lan, mặc dù giá người ta rất thấp nhưng không ai đi Thái Lan mà không mang theo ít nhất 500 - 1000 USD, sang mua bán hàng hóa. Chứ sang Việt Nam họ không mua được thứ gì, hàng hóa rất ít.

Đó cũng là vấn đề mà Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện phải “đau đầu” và ông cho hay, “tôi cũng đang chịu rất nhiều áp lực để hiện thực hóa mục tiêu này”

Bộ trường Nguyễn Ngọc Thiện nhìn nhận, “để có thể thu lại được gì cho nền kinh tế đất nước, thì trước tiên, phải để khách du lịch thấy được những hình ảnh mới của du lịch Việt Nam, để khách tiêu tiền mà cảm thấy mãn nguyện, thoải mái”

Giải pháp mà ngành đang rốt ráo thực thi là tập trung rà soát hệ thống khách sạn trên toàn quốc, mạnh tay xử lý nếu chất lượng dịch vụ không đảm bảo và xử lý hết sức công bằng, không phải né tránh trường hợp nào, quyết liệt rút sao các khách sạn không giữ được tiêu chuẩn. Đẩy mạnh hơn nữa trong quản lý lữ hành, không để những tình trạng vi phạm về hướng dẫn viên chui, công ty lữ hành núp bóng …

Theo báo cáo từ Tổng cục Du lịch, đã tiến hành kiểm tra chất lượng cơ sở lưu trú tại 7 tỉnh, ra quyết định thu hồi hạng sao 3- 4 sao đối với 19 khách sạn. Tổng cục Du lịch xác định đây là một trong những bước đi của chiến dịch thay đổi hình ảnh./.

Châu Minh

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ