• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ, Anh đi đầu trong đòn cấm vận dầu Nga: Hiệu quả tới đâu?

Thế giới 09/03/2022 10:09

(Tổ Quốc) - Mỹ và Anh đã có những thông báo đầu tiên trong việc cấm nhập khẩu dầu khí của Nga để gây sức ép về cuộc khủng hoảng Ukraine.

Tổng thống Biden hôm thứ Ba tuyên bố Mỹ sẽ cấm nhập khẩu dầu, khí đốt và năng lượng của Nga để trừng phạt Điện Kremlin vì cuộc khủng hoảng Ukraine.

Ông Biden phát biểu tại Nhà Trắng: "Dầu của Nga sẽ không còn được chấp nhận tại các cảng của Mỹ" và "Chúng tôi sẽ không tham gia hỗ trợ cho chiến sự của ông Putin"đồng thời gọi hành động mới này là một "đòn mạnh" đối với tài chính của Nga, giảm khả năng trang trải của nước này cho cuộc xung đột đang diễn ra.

Động thái này đã nhận được sự hưởng ứng của Anh – quốc gia cũng tuyên bố sẽ loại bỏ việc nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm nay. Kwasi Kwarteng, Bộ trưởng kinh doanh Vương quốc Anh cho biết chính phủ Anh sẽ thực hiện một "quá trình có trật tự" trong việc dừng nhập khẩu dầu của Nga.

Theo Financial Times (FT), quyết định của Mỹ mở ra một mặt trận mới trong nỗ lực cô lập Moscow trong nền kinh tế toàn cầu, sau các động thái áp đặt trừng phạt đối với ngân hàng trung ương Nga, các ngân hàng chủ chốt của Nga, các quan chức chính phủ hàng đầu và giới tỷ phú.

Châu Âu chưa hành động

Trong bài phát biểu của mình, ông Biden cũng thừa nhận rằng các đồng minh châu Âu cần thêm thời gian để tìm kiếm các nguồn cung cấp năng lượng thay thế bền vững hơn trước khi thực hiện các lệnh cấm tương tự.

Mỹ, Anh đi đầu trong đòn cấm vận dầu Nga: Hiệu quả tới đâu? - Ảnh 1.

Quyết định cấm vận dầu khí của Nga cũng đã đặt ông Biden dưới nhiều sức ép trong nội bộ nước Mỹ. Ảnh: New York Daily News.

Ông Biden nói: "Chúng tôi đi trước với lệnh cấm này và hiểu rằng nhiều đồng minh và đối tác châu Âu của chúng tôi có thể chưa ở vị thế tham gia được cùng chúng tôi. Nhưng chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với châu Âu và các đối tác để phát triển một chiến lược dài hạn nhằm giảm sự phụ thuộc của họ vào năng lượng của Nga".

Không giống như Mỹ, nước sản xuất dầu và khí đốt lớn, châu Âu phụ thuộc vào nhập khẩu đối với 90% khí đốt và 97% lượng dầu của mình. Nga cung cấp 40% khí đốt và một phần tư lượng dầu cho châu Âu.

Hôm thứ Ba, EU chỉ công bố nỗ lực cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga trong vòng một năm. Brussels cũng đặt mục tiêu nhập khẩu nhiều khí đốt tự nhiên hóa lỏng hơn, tăng thị phần của năng lượng gió và năng lượng mặt trời, sản xuất khí sinh học và giảm nhu cầu bằng cách xây dựng cách nhiệt cho các ngôi nhà và yêu cầu người dân giảm hệ thống sưởi trung tâm.

Hệ lụy đối với người dân Mỹ, Anh và hiệu quả từ đòn trừng phạt

Ông Biden cũng đề cập đến việc người tiêu dùng Mỹ có thể bị ảnh hưởng và lưu ý rằng động thái này có "sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng". Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết: "Người Mỹ cũng sẽ cảm thấy khó khăn khi đứng trước máy bơm xăng. Nhưng các đảng viên Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đều rõ ràng rằng chúng ta phải làm điều này".

Từ phía Anh, Bộ trưởng Tài chính nước này Rishi Sunak cũng phát biểu trong một cuộc họp nội các rằng người tiêu dùng Anh sẽ phải trả giá cho lệnh cấm này, đặc biệt là các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Tuy nhiên, lệnh cấm nhập khẩu của Mỹ và Anh không gây ảnh hưởng gì nhiều đến thị trường toàn cầu và không có sức nặng như một lệnh cấm vận hoàn toàn ở tầm quốc tế vì chỉ một tỷ lệ nhỏ các lô hàng dầu khí của Nga đến hai thị trường đó.

Mỹ đã nhập 245 triệu thùng dầu từ Nga vào năm ngoái - chiếm khoảng 8% tổng lượng dầu nhập khẩu của Mỹ, tăng từ con số 198 triệu thùng vào năm 2020. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn lượng dầu Mỹ nhập từ Canada hoặc Mexico. Mỹ cũng không nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga.

Còn Vương quốc Anh cũng ít phụ thuộc vào Nga hơn so với phần lớn các nước trong lục địa châu Âu. Theo đó, nguồn cung từ Nga chỉ chiếm 8% tổng lượng dầu nhập khẩu vào Vương quốc Anh.

Điện Kremlin đã phản ứng bằng cách ban hành một sắc lệnh hôm thứ Ba nói rằng họ sẽ hạn chế xuất khẩu một số mặt hàng sau lệnh cấm dầu của phương Tây, tuy nhiên không nêu rõ chi tiết.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Nga là nhà xuất khẩu dầu thô và sản phẩm dầu mỏ lớn nhất thế giới, đã vận chuyển gần 8 triệu thùng mỗi ngày đến các thị trường toàn cầu vào cuối năm ngoái. Khoảng 60% lượng dầu xuất khẩu của Nga đến châu Âu, bao gồm khoảng 2% xuất sang Anh, trong khi 8% xuất sang Mỹ, Trung Quốc chiếm khoảng 20%.

Mohammed Barkindo, Tổng thư ký của tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC, cảnh báo rằng sẽ không có cách nào lấp đầy khoảng trống do dầu mỏ của Nga để lại trong trường hợp có lệnh cấm vận toàn diện.

Phát biểu tại hội nghị năng lượng CERAWeek ở Houston hôm thứ Hai, ông Mohammed Barkindo cho rằng: "Không có công suất nào trên thế giới hiện nay có thể thay thế 7 triệu thùng dầu xuất khẩu".

Giá dầu đã tăng trong những ngày gần đây do nhiều nước tiêu thụ dầu lớn đã dần hạn chế nhập khẩu dầu của Nga ngay cả trước khi có thông báo về bất kỳ lệnh cấm nhập khẩu dầu thô chính thức nào.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ