• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ cân bằng chiến lược Trung Đông trong kế hoạch thành lập "Bộ Tứ" QUAD-2

Thế giới 02/11/2021 15:30

(Tổ Quốc) - Kể từ khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, chính sách của siêu cường số một thế giới bắt đầu định hướng duy trì mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, góp phần tạo nên căng thẳng với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Bộ Tứ QUAD - 2 phiên bản Trung Đông

Đối thoại an ninh Tứ giác (QUAD-1) với sự góp mặt của Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia đã ra đời trong chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Mỹ cân bằng chiến lược Trung Đông trong kế hoạch thành lập Bộ Tứ QUAD-2 - Ảnh 1.

Quân đội Saudi Arabia đứng xếp hàng tại một sân bay - nơi máy bay chở hàng quân sự hạ cánh để chuyển hàng cứu trợ ở Marib, Yemen. Ảnh: Asia Times.

Tuần trước, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã tiết lộ kế hoạch thành lập Bộ tứ mới Tây Á (QUAD-2) bao gồm Mỹ, Israel, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và Ấn Độ nhằm định hướng mạng lưới của Mỹ với các đối tác ở khu vực Trung Đông.

Thời báo châu Á (Asia Times) nhận định, cả QUAD-1 và QUAD-2 đều là động thái của Mỹ trong kế hoạch kiềm chế sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc. Sự ra đời của QUAD-2 là sự chuẩn bị của Washington nhằm kiểm soát các điểm tắc nghẽn hàng hải quan trọng ở eo biển Malacca và Bab-el-Mandeb.

Hiện tại, đảo Socotra của Yemen – nơi nhìn ra eo biển chiến lược Bab-el-Mandeb, là vị trí mà UAE và Israel đã xây dựng cơ sở thu thập thông tin tình báo. UAE đã triển khai quân đội trên hòn đảo chiến lược này kể từ tháng 5/2018 bất chấp các cuộc biểu tình của Chính phủ Yemen. Căn cứ này có thể cung cấp các dịch vụ an ninh quan trọng cho Mỹ. Đảo Socotra được biết đến là "viên ngọc quý của Vịnh Aden và là hòn đảo lớn nhất trong quần đảo cùng tên", bao gồm bốn đảo và hai đảo nhỏ nằm ở vị trí chiến lược ở Ấn Độ Dương, ngoài khơi sừng châu Phi và ở biển Ả Rập.

Hầu hết xuất khẩu dầu và khí đốt tự nhiên từ vịnh Ba Tư qua Kênh đào Suez và đường ống Suez – Địa Trung Hải đều qua eo biển Bab-el-Mandeb. Trong nhiều năm, UAE đã tìm cách sáp nhập hòn đảo. Sự sụp đổ của nhà nước Yemen sau nhiều năm bất ổn đã tạo cơ hội cho UAE triển khai việc này.

Cạnh tranh chiến lược

Theo các nhà quan sát, đây là cuộc cạnh tranh mang tính chất ngoại giao, quân sự và kinh tế của UAE với Saudi Arabia tại Yemen. Đối với UAE, việc kiểm soát Socotra đồng nghĩa với việc củng cố thương mại và quân sự ở Ấn Độ Dương cũng như thể hiện cán cân quyền lực ở vùng Vịnh. 

Truyền thông Israel cho biết, đảo Socotra đang thu hút rất nhiều chú ý từ các cơ quan an ninh của Israel. Thực tế, căn cứ này là một dự án của Mỹ và Israel.

Trên trang web tình báo quân sự Israel - Debka File báo cáo hồi tháng Năm, UAE đang xây dựng căn cứ không quân mới trên hòn đảo núi lửa ngoài khơi Yemen, mang tên Đảo Perim – nơi cung cấp phương tiện kiểm soát tàu chở dầu và vận chuyển thương mại qua điểm chặn phía nam của Biển Đỏ và lên đến kênh đào Suez.

Ông Bruce Riedel – chuyên gia nổi tiếng Trung Đông tại Viện Brookings đã viết trong bài phân tích vào tháng Năm cho biết, Saudi Arabia và UAE đang "cố thủ chiến lược" ở Yemen và "khó có thể từ bỏ lợi ích nếu quốc tế không tạo áp lực".

Theo ông Riedel, Riyadh có kế hoạch xây dựng đường ống dẫn dầu từ tỉnh phía đông của Saudi Arabia qua al-Mahrah ra biển. Động thái này sẽ giảm đi phụ thuộc của Saudi Arabia vào eo biển Hormuz trong việc xuất khẩu dầu.

Mặt khác, trọng tâm của UAE là hòn đảo chiến lược của Yemen. Ông Riedel nhận định, Mỹ không nên là bên tham gia vào các vấn đề Yemen. Nếu thông qua lệnh ngừng bắn ở Yemen thì Saudi Arabia và Emirates sẽ cần phải sơ tán al-Mahrah, Mayun và Socotra đồng thời trao lại quyền kiểm soát cho người dân Yemen.

Giới quan sát khẳng định, chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ sẽ cần phải điều chỉnh hành động phù hợp của UAE, Israel và Saudi Arabia đối với Yemen. Bởi đơn giản, QUAD 1 hay QUAD 2 đều có liên quan với nhau. Chương trình nghị sự của QUAD 2 là giám sát Trung Quốc và Pakistan, trong đó Washington đã thận trọng mời Ấn Độ tham gia. Tất nhiên Israel và UAE cũng có quan hệ hữu nghị với Ấn Độ từ lâu.

Các chuyên gia cho rằng, bất kỳ điều gì mà UAE và Israel thể hiện ở Yemen hay biển Ả rập đều có góc nhìn của Iran. Tờ báo Iran – Tehran Times có đăng một bài phỏng vấn với đại sứ Yemen tại Iran. Theo đại sứ, bởi sự liên quan của Mỹ ở Yemen nên UAE và Saudi Arabia mới theo đuổi chính sách can thiệp như vậy. Xung đột Yemen từng là một trong các cuộc chiến tàn khốc nhất trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Vì vậy, nếu QUAD 2 thể hiện khía cạnh chống Iran thì quan hệ giữa New Delhi và Tehran không thể trở lại như cũ.

QUAD 2 là một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy liên minh Mỹ-Ấn. Và với Israel, có thể đây là bối cảnh lý tưởng để tham gia nền chính trị Ả rập. Việc thành lập QUAD mới tại Trung Đông phần nào phản ánh đối với Mỹ, việc đối trọng Trung Quốc không chỉ dừng lại ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ