• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ "động binh" ra sao tại loạt eo biển sát sườn Iran

Thế giới 30/12/2019 11:10

(Tổ Quốc) - Theo Military Times, eo biển Hormuz, kênh vận chuyển chiến lược ở Vịnh Ba Tư, nơi trung chuyển gần một phần năm lượng dầu thô toàn cầu của thế giới đang đối mặt với nhiều mối đe dọa, trong đó có các con tàu nhỏ được trang bị vũ khí từ Iran.

Theo Military Times, eo biển Hormuz, kênh vận chuyển chiến lược ở Vịnh Ba Tư, nơi trung chuyển gần một phần năm lượng dầu thô toàn cầu của thế giới đang đối mặt với nhiều mối đe dọa, trong đó có các con tàu nhỏ được trang bị vũ khí từ Iran.

Để tăng cường an ninh cho các tàu chiến Mỹ hoạt động tại các tuyến đường thủy căng thẳng quanh Trung Đông, Mỹ đã tiến hành một cuộc tập trận vào tháng 12 bằng cách phóng tên lửa Griffin từ tàu tuần tra Hurricane lớp Cyclone.

Hé lộ hành động qua tập trận

Cuộc tập trận này, diễn ra ở Vịnh Ả Rập, cho thấy cách các tàu Hải quân và Cảnh sát biển Hoa Kỳ có thể chống lại các mối đe dọa từ các tàu nhỏ trong khu vực. Tên lửa Griffin, được phát triển bởi Ratheyon, là tên lửa phóng từ cả trên không và mặt đất.

Mỹ "động binh" ra sao tại loạt eo biển sát sườn Iran - Ảnh 1.

Tên lửa Griffin được phóng từ tàu tuần tra bờ biển USS Hurricane. Nguồn: Military Times.

Hải quân Mỹ sử dụng một phiên bản Griffin được gọi là Hệ thống tên lửa Griffin Mk-60 tuần tra ven biển được lắp đặt trên các tàu tuần tra ven biển lớp Cyclone.

Tờ Military Times đã liên lạc với Bộ Tư lệnh Trung tâm Lực lượng Hải quân Mỹ liên quan đến việc thử nghiệm của Griffin nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi.

Griffins cũng được sử dụng cùng hệ thống Harvest Hawk KC-130 của Thủy quân lục chiến, biến tàu chở hàng của Thủy quân lục chiến thành một tàu chiến có khả năng hỗ trợ trên không.

Cuộc tập trận cũng cho thấy nhiều cách phản ứng nhanh chóng của Mỹ trước các mối đe dọa tiềm tàng ở Trung Đông bằng việc tìm ra những biện pháp mới để sử dụng các hệ thống vũ khí khác nhau nhằm tăng cường an ninh cho các tàu đang hoạt động tại các điểm nóng bị Iran và các lực lượng ủy nhiệm đe dọa.

Các biện pháp an ninh khác này bao gồm sử dụng các phương tiện vũ trang hạng nhẹ của Thủy quân Lục chiến và trang bị cho chúng súng liên thanh 25mm trên boong. Các hệ thống tên lửa chống tăng Javelin của Thủy quân lục chiến cũng giúp giúp phát hiện và chống lại các mối đe dọa tiềm tàng từ tàu nhỏ trong quá trình di chuyển qua eo biển Hormuz và các điểm nóng khác.

Và vào năm 2019, các đơn vị thám hiểm biển thứ 22 và 11 đã kết hợp một thiết bị gây nhiễu điện tử cùng một chiếc xe Polaris MRZR khi họ di chuyển qua các tuyến đường thủy tiềm tàng nguy hiểm trong khu vực hoạt động của Bộ chỉ huy trung tâm Hoa Kỳ.

Hệ thống này, được gọi là Hệ thống tích hợp phòng không trên biển hạng nhẹ (LMADIS) đã bắn hạ một máy bay không người lái của Iran vào tháng 7 gần eo biển Hormuz, theo các quan chức quốc phòng Mỹ. LMADIS đã có mặt trên boong con tàu tấn công đổ bộ lớp Wasp khi nó chuẩn bị đi qua eo biển này.

Leo thang "cọ xát" Mỹ - Iran tại Trung Đông

Mỹ đang cáo buộc Iran đứng sau một số vụ tấn công trong mùa hè nhằm vào các tàu thương mại hoạt động trên các tuyến đường thủy quan trọng ở Trung Đông.

Các quan chức Hoa Kỳ cũng đổ lỗi cho Iran về một cuộc tấn công vào hai mỏ dầu của Saudi Arabia vào tháng 9 – sự cố ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất dầu của nước này. Theo một bản thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ mà Military Times tiếp cận được, các tên lửa hành trình và máy bay không người lái được sử dụng trong cuộc không kích đó được cho là mang chữ ký Iran.

Để đối phó với những hành động của Iran, Lầu Năm Góc đã triển khai thêm 14.000 lính Mỹ trong sáu tháng qua tới Trung Đông, bao gồm máy bay chiến đấu, hệ thống tên lửa Patriot. Những lực lượng bổ sung này cũng đã tăng cường nhân lực cho các tàu chiến của Hoa Kỳ trong khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết Lầu Năm Góc có thể triển khai thêm quân đội tới khu vực này để đối đầu với Iran.

Để bảo vệ và tăng cường giám sát eo biển Hormuz và eo biển Bab el-Mandeb, Hoa Kỳ cũng đã hợp tác bố trí một vòng đai an ninh hàng hải quốc tế - hiện bao gồm bảy quốc gia - được đặt tên là Chiến dịch Sentinel.

Người phát ngôn của Chiến dịch Sentinel nói với Military Times rằng chiến dịch này là một khuôn khổ an ninh hàng hải với các lớp nhiệm vụ như canh gác, giám sát trên không hoặc tình báo, theo dõi và trinh sát (ISR).

Nhiệm vụ này không bao gồm các chuyến thăm, lên tàu, tìm kiếm và bắt giữ tàu, người phát ngôn giải thích và cho biết thêm kể từ khi nhiệm vụ an ninh hàng hải này bắt đầu được thực hiện thì "hành động không an toàn nhằm vào vận chuyển thương mại đã dừng lại".

"Khuôn khổ an ninh hàng hải này cho phép các quốc gia tham gia hộ tống cho các tàu được gắn cờ của họ trong khi tận dụng sự hợp tác của các quốc gia khác để phối hợp và tăng cường nhận thức và giám sát hàng hải", theo người phát ngôn Chiến dịch Sentinel.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ