• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ Đức (Hà Nội) tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học

Thực hiện: Phương Anh | 30/08/2022

(Tổ Quốc) - Năm học 2022-2023, ngành Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) huyện Mỹ Đức tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, quan tâm phát triển phẩm chất năng lực người học, quan tâm xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Tập trung tham mưu đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học, thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, xây dựng trường học an toàn, trường học hạnh phúc.

55/79 trường học đạt chuẩn quốc gia

Năm học 2021-2022, lĩnh vực giáo dục và đào tạo tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên, ngành GDĐT Mỹ Đức đã kịp thời điều chỉnh, phân công chuyên môn, thay đổi thời khóa biểu… ứng phó với những thay đổi và hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.

Trong năm học này, chất lượng giáo dục tại địa phương tiếp tục được nâng cao. Phòng GDĐT huyện Mỹ Đức đã tiến hành rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và xây dựng trường chuẩn quốc gia. Trong đó, tham mưu với UBND huyện và phối hợp với các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, các dự án xây dựng cơ sở vật chất, xây mới 01 trường, xây mới và cải tạo 155 phòng học, 130 phòng bộ môn, chức năng, hiệu bộ với tổng kinh phí gần 420 tỷ đồng. Riêng mua sắm trang thiết bị cho các trường xây dựng trường chuẩn quốc gia là 39 tỷ đồng, hoàn thành đánh giá và đề nghị công nhận 05 trường đạt chuẩn Quốc gia mới, 06 trường công nhận lại. Tính đến nay huyện đã có 55/79 trường đạt chuẩn quốc gia đạt 69,6%.

Đặc biệt trong năm học 2021-2022, Phòng GDĐT Mỹ Đức đã làm tốt công tác tham mưu đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành xây dựng Trường liên cấp Tiểu học và THCS Mỹ Đức- đây là ngôi trường hoạt động và phát triển theo định hướng chất lượng cao đầu tiên của huyện Mỹ Đức và các vùng lân cận; thực hiện hiệu quả công tác tham mưu trong xây dựng kế hoạch tổ chức nhân sự, hoạt động; trong điều động đội ngũ về công tác tại nhà trường, trực tiếp chỉ đạo và tổ chức thành công công tác tuyển sinh năm học 2022-2023.

Mỹ Đức (Hà Nội) tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học - Ảnh 1.

Ảnh: Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Mỹ Đức - ngôi trường hoạt động và phát triển theo định hướng chất lượng cao đầu tiên của huyện Mỹ Đức

Tận dụng kinh nghiệm từ năm học trước, trong năm học này ngành GDĐT tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số phục vụ đổi mới phương pháp dạy và học. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện chương trình, nội dung dạy và học; có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giờ dạy của giáo viên, chuyên cần của học sinh. Kết quả xếp loại giáo dục năm học 2021-2022, các chỉ tiêu về năng lực, phẩm chất, học tập, rèn luyện đều đạt ở mức cao. Học sinh của huyện tham dự các kỳ thi quốc gia, quốc tế đều đoạt giải, trong Cuộc thi Olympic Toán học quốc tế TIMO 2021 và thi Olympic Toán - Khoa học Stemco Fall 2021, 32 học sinh đoạt 35 giải, 13 giải Quốc tế (01 Vàng, 03 Bạc, 09 Đồng); 22 giải Quốc gia (09 Vàng, 06 Bạc, 07 Đồng).

Ngành GDĐT huyện cũng quan tâm xây dựng đội ngũ và đổi mới công tác quản lí giáo dục, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên…

Với những kết quả đã đạt được trong năm học này, Sở GDĐT Thành phố Hà Nội công nhận và khen thưởng 13/13 chỉ tiêu công tác tốt, nhiều tập thể, cá nhân được khen tặng các danh hiệu cao quý.

Thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục

Năm học 2022-2023, tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng các cấp các chương trình hành động của Thành ủy, Huyện ủy thực hiện Nghị quyết số 29/NQ/TW của Trung ương khóa 11 về "Đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT" theo đó "Đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học ở tất cả các cấp, bậc học", đặc biệt là Đề án 06 của Huyện ủy về nâng cao chất lượng GDĐT giai đoạn 2021-2025.

Xác định chủ đề của năm học là "Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo", ngành GDĐT tăng cường nền nếp kỷ cương, dân chủ trong nhà trường; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, hạnh phúc; phòng, chống bạo lực học đường; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học; quan tâm phát triển phẩm chất năng lực người học; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội và cộng đồng.

Quan tâm xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Tập trung tham mưu đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học, thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, xây dựng trường học an toàn, trường học hạnh phúc. Đẩy mạnh công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Giáo dục mầm non tiếp tục đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục "lấy trẻ làm trung tâm", tiếp cận các phương pháp giáo dục tiên tiến. Giáo dục phổ thông tiếp tục đổi mới công tác quản lý, tập trung đổi mới phương thức dạy học, chú trọng việc học đi đôi với hành, giáo dục nhà trường gắn với giáo dục gia đình và cộng đồng. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong quản lý và giảng dạy; thực hiện tốt chương trình sách giáo khoa (SGK) mới lớp 3, lớp 7; quan tâm giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng sau THCS.

Mỹ Đức (Hà Nội) tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học - Ảnh 2.

Khắc phục các khó khăn do dịch bệnh gây ra, ngành GDĐT Mỹ Đức phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ (ảnh: Phòng GDĐT Mỹ Đức)

Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý

Năm học 2022-2023, giáo dục mầm non phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu trong các kế hoạch phát triển giáo dục, kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia, kế hoạch phát triển giáo dục mầm non đã được các cấp phê duyệt, kế hoạch của Sở GDĐT thực hiện chuyên đề Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025.

Phấn đấu xây dựng 100% các trường mầm non trên địa bàn huyện là trường mầm non xanh – an toàn – hạnh phúc. Duy trì chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phấn đấu chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất trang thiết bị từng bước đồng bộ, hiện đại, sắp xếp đội ngũ đảm bảo thực hiện phổ cập cho trẻ em mẫu giáo, nâng chất lượng giáo dục mầm non tại các địa bàn khó khăn. Xây dựng và phát triển chương trình giáo dục nhà trường, đổi mới tổ chức hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ đảm bảo an toàn phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống dịch bệnh.

Đối với giáo dục tiểu học, ngành GDĐT Mỹ Đức xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm của năm học này. Trong đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học theo chương trình cũ đối với lớp 4, lớp 5, đồng thời, thực hiện đổi mới chương trình, SGK theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3.

Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, tham mưu tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng để có đủ giáo viên, đảm bảo chất lượng dạy học các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông, chú trọng chuẩn bị đội ngũ giáo viên dạy lớp 4 trong năm học 2023-2024 nhất là bố trí đủ giáo viên dạy học các môn Ngoại ngữ và Tin học; đảm bảo 100% giáo viên dạy học lớp 4 được bồi dưỡng theo quy định của Bộ GDĐT.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác đảm bảo chất lượng giáo dục, chú trọng phát triển mạng lưới trường lớp và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, phấn đấu đảm bảo học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018; duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và hướng đến thực hiện giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc theo quy định của Luật Giáo dục 2019.

Tăng cường nền nếp, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục trong các trường tiểu học. Chú trọng kết hợp dạy chữ với dạy người, giáo dục ý thức, trách nhiệm công dân đối với gia đình, nhà trường, xã hội cho học sinh tiểu học. Thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua của Ngành phù hợp với từng đơn vị.

Đồng thời thực hiện đổi mới quản lý, quản trị trường học theo quy định. Đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện chương trình GDPT cấp tiểu học. Khai thác, sử dụng SGK, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh…

NỔI BẬT TRANG CHỦ