• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ muốn rút quân khỏi Đức: Châu Âu hứng đòn "cảnh tỉnh", Nga đón cơ hội "vàng"?

Thế giới 08/06/2020 10:17

(Tổ Quốc) - Tờ Wall Street Journal đăng tải, các đồng minh của Mỹ tại châu Âu đang thể hiện sự không hài lòng với kế hoạch rút bớt quân đội Mỹ khỏi Đức. Họ cho rằng, động thái đó sẽ phá hoại NATO và đem lại lợi ích cho các đối thủ truyền thống của phương Tây.

Theo nhiều nhà ngoại giao châu Âu, chỉ thị của ông Trump khiến châu Âu ngạc nhiên. Đề xuất cắt giảm số quân lính từ 34.500 xuống còn 25.000 là sự đảo ngược những lần mở rộng hiện diện quân sự gần đây của Mỹ tại châu Âu nhằm đối phó với các động thái của quân đội Nga ở sườn tây NATO.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho hay, Đức sẽ lưu ý về quyết định nếu nó được xác nhận. "Chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác ngày càng gia tăng với các lực lượng vũ trang của Mỹ trong các thập kỷ qua", ông Maas nói với tờ Bild am Sonntag. "Chúng đem lại lợi ích cho cả hai đất nước".

Khi được hỏi về mối quan hệ giữa Mỹ và Đức, vị ngoại trưởng trả lời: "Điều đó rất phức tạp".

Tuy nhiên, các đồng minh của Thủ tướng Đức Angela Merkel trong Quốc hội Đức lại bày tỏ một thái độ mang tính chỉ trích mạnh mẽ hơn nhằm vào Tổng thống Trump.

"Các kế hoạch chứng minh, một lần nữa chính quyền Trump đã lờ đi một nhiệm vụ lãnh đạo cơ bản: sự tham gia của các đồng minh trong quá trình đưa ra quyết định", phó lãnh đạo khối bảo thủ cầm quyền trong Quốc hội Đức Johann Wadephul tuyên bố.

Mỹ muốn rút quân khỏi Đức: Châu Âu hứng đòn "cảnh tỉnh", Nga đón cơ hội "vàng"? - Ảnh 1.

(ảnh minh họa: Wall Street Journal)

Kể từ sau khi nhậm chức, ông Trump thường xuyên công kích các đồng minh châu Âu vì ngân sách quốc phòng không đáp ứng theo cam kết đề ra trong NATO cũng như một loạt vấn đề khác như Iran… Nhà lãnh đạo Mỹ cũng không ít lần công khai nghi ngờ về giá trị tồn tại của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong khi đó, các đồng minh lại không ngừng phàn nàn về việc không được tham vấn hay thông báo trước về các quyết định lớn, mà gần đây nhất là vào tháng trước khi chính quyền Trump công bố rời khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở. Được ký kết vào tháng 3/1992 và có chính thức có hiệu lực từ tháng 1/2002, mục đích của hiệp ước chính là làm giảm nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa Nga và phương Tây. Tổng thống Trump cũng chỉ trích nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức, đặc biệt khi Berlin "không chịu" dành 2% GDP cho ngân sách quốc phòng.

Trong những nỗ lực nhằm xoa dịu ông Trump, NATO và các thành viên đã cam kết sẽ đạt được mục tiêu về chi tiêu quân sự trong tương lai, đồng thời đưa ra các mức đóng góp lớn hơn cho ngân sách của liên minh bao gồm việc đồng ý chi trả các hóa đơn vận hành cho trụ sở ở Brussels, Bỉ.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thường xuyên thể hiện sự thán phục trước tài lãnh đạo của Tổng thống Trump cũng như khen ngợi ông là nguyên nhân chính khiến các quốc gia thành viên chấp nhận mở rộng ngân sách quân sự.

Cuộc họp thượng đỉnh các nhà lãnh đạo NATO năm ngoái đã được đánh giá là thành công về mặt ngoại giao. Nguyên nhân chủ yếu là Tổng thống Trump không chỉ không đưa ra các công kích mới nhắm vào các đồng minh mà còn bảo vệ NATO trước những chỉ trích từ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Phát biểu một ngày trước cuộc họp tại London, ông Stoltenberg cho rằng, những lần gia tăng quân lính Mỹ gần đây tại châu Âu là bằng chứng về sự cam kết của Washington.


Tuy nhiên, một nhà ngoại giao cấp cao châu Âu tại NATO chỉ ra, quyết định rút bớt quân Mỹ khỏi Đức đại diện cho "sự đứt gãy quan hệ hoàn toàn giữa xu thế của NATO, nơi các đồng minh hướng tới một vị thế vững mạnh trước Nga – và những ưu tiên thực tế của Mỹ".

Kế hoạch cắt bớt số lượng quân lính Mỹ tại châu Âu được đánh giá là một cơ hội cho Điện Kremlin trong bối cảnh Moscow luôn tìm cách khoét sâu mâu thuẫn giữa các đồng minh phương tây và làm giảm ảnh hưởng của Mỹ tại cựu lục địa.

Giới phân tích nhận định, mặc dù Nga hầu như đã từ bỏ ý định cải thiện quan hệ với Mỹ, Moscow hiện đang nhìn vào các nước khác nơi họ có thể đặt những bước đệm tiến vào phương Tây. Điều này không chỉ giúp Nga gia tăng ảnh hưởng mà còn thu hẹp vai trò của Washington.

"Hướng đi duy nhất mà Nga có thể theo đuổi để thúc đẩy quan hệ với phương Tây chính là hướng về châu ÂU", ông Andrey Kortunov, giám đốc Hội đồng các vấn đề đối ngoại Nga – một tổ chức tư vấn chính sách có quan hệ với Bộ Ngoai giao Nga, phân tích.

Do Nga và EU mâu thuẫn với nhau trong một số vấn đề như Ukraine và Syria, Moscow hầu như không có cơ hội để cải thiện quan hệ ngoại giao với châu Âu. Thay vào đó, Nga đã thành công trong việc thúc đẩy mục tiêu trên thông qua các dự án kinh tế tại châu lục, như dự án đường ống Nord Stream 2 giúp tăng gấp đôi nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga cho Đức. Những nỗ lực của chính quyền Trump ngăn chặn dự án đã góp phần làm sâu sắc thêm những bất đồng giữa Washington và Berlin.

Theo chuyên gia quân sự từ Moscow Alexei Leonkov, căng thẳng giữa Mỹ và Đức liên quan tới lính Mỹ rút quân cũng như các yếu tố khác, đem tới thời cơ để Nga tăng cường lợi thế cân bằng của mình.

"Tăng trưởng kinh tế Đức đã bị kìm hãm bởi mong muốn của Mỹ là trừng phạt Nga vì mọi thứ và bất kỳ thứ gì. Có thể giờ đây chúng ta sẽ chứng kiến một sự thay đổi", ông Leonkov dự đoán.

Tuy nhiên, chuyên gia về quan hệ Mỹ-Nga tại Trung tâm Chính trị Thực sự Moscow Victor Olevic lại cho rằng, Nga cần phải cẩn trọng trong các kỳ vọng. Một vụ scandal gần đây hé lộ Moscow từng cố gắng tiếp cận hệ thống email của Thủ tướng Merkel đã gây ảnh hưởng lớn tới quan hệ Nga-Đức. Ngoài ra, Mỹ cũng đang lên kế hoạch mở rộng hiện diện quân đội tại Ba Lan.

"Động thái tiềm năng của Mỹ hướng về phía đông, thay đổi từ Đức sang Ba Lan là nhằm gia tăng áp lực lên các biên giới phía tây của Nga đồng thời, nó sẽ khiến Moscow đưa ra các biện pháp đáp trả rõ ràng", ông Olevich cảnh báo.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ