• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ, Nga xoay ngược thế trận với Nhật Bản

Thế giới 08/05/2018 15:36

(Tổ Quốc) - Liên minh Nhật - Mỹ đã được thiết lập sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Đây cũng là một nội dung không thể tách rời trong chính sách đối ngoại lâu nay của Tokyo và Washington.

Tuy nhiên, gần đây, Washington đã có một số dấu hiệu bỏ bê quan hệ với Nhật Bản. Trong khi đó, mối quan hệ giữa Nga và Nhật Bản có vẻ như đang gần gũi hơn so với nhiều năm trước. Những động thái của chính quyền Trump đối với Nhật Bản dường như chỉ giúp tăng cường sự liên hệ của Moscow với một trong những đồng minh lâu đời nhất của Hoa Kỳ.

Sóng gió “âm thầm” Mỹ - Nhật

Việc Mỹ áp dụng thuế quan - 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu vào nước này đã gây sốc cho thế giới tự do thương mại. Thuế quan này chủ yếu nhằm vào Trung Quốc, tuy nhiên, cũng ảnh hưởng tới nhiều đồng minh của Mỹ, như Liên minh châu Âu hay Hàn Quốc. Sau khi vấp phải nhiều động thái bày tỏ quan ngại, Nhà Trắng đã đưa ra một danh sách các nước được miễn loại thuế mới trên.

Nhật Bản đang lo ngại bị đặt ra ngoài tiến trình đàm phán với Triều Tiên.

Tuy nhiên, Nhật Bản không có trong danh sách này. Mặc dù Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên tiếng và Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cũng đã kêu gọi Hoa Kỳ không áp đặt thuế quan đối với Nhật Bản. Vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy Washington có động thái gì về vấn đề này. Trong hội nghị thượng đỉnh gần đây của ông Abe với Tổng thống Trump tại Mar-a-Lago, hai nhà lãnh đạo cũng chưa đạt được một thỏa thuận liên quan đến điều này. Đây là một vấn đề quan trọng đối với Nhật Bản. Hoa Kỳ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản và thuế quan mới đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với nền kinh tế của Tokyo.

Cùng với vấn đề thuế quan, còn có vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Sau một thời gian leo thang, tiến trình đối thoại được mở ra đã cải thiện cảnh quan chính trị khu vực. Các cuộc đối thoại liên Triều đã diễn ra và thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên cũng đang được xúc tiến chuẩn bị. Ông Abe đã sẵn sàng tham gia vào tiến trình hòa giải này, tuy nhiên, vẫn lo ngại rằng Washington sẽ đặt lợi ích của Nhật Bản ra ngoài bàn đàm phán. Nhật Bản vẫn chưa được mời tham dự các cuộc đàm phán lịch sử với Triều Tiên. Sự “phớt lờ” ngoại giao này và vấn đề thuế quan cho thấy rằng chính quyền Mỹ hiện tại chưa thực sự chú ý tới vấn đề quan hệ với Tokyo.

Ngoại giao tài tình Moscow - Tokyo

Trong bối cảnh trên, mối quan hệ giữa Nhật Bản với Nga đang tốt hơn so với nhiều năm qua. Nhật Bản thiếu hụt tài nguyên năng lượng “kinh niên” và đang tìm cách tăng cường hợp tác năng lượng với Nga. Nhật Bản quan tâm đến việc chuyển hướng nhập khẩu năng lượng của mình ra khỏi khu vực Trung Đông nhiều biến động và sự giàu có năng lượng của Nga ở Siberia là một trong những lựa chọn tốt nhất để thay thế. Nhiều công ty lớn của Nhật Bản như Tập đoàn Mitsubishi đã đầu tư vào các dự án khí đốt Sakhalin của Nga.

Nhật Bản đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga sau các sự kiện liên quan đến Ukraine vào năm 2014, nhưng các biện pháp trừng phạt này dường như bị hạn chế một cách có chủ ý. Các biện pháp trừng phạt của Nhật Bản không có bất kỳ tác động lớn nào đối với nền kinh tế Nga và là một cách tinh tế để cân bằng cam kết của Tokyo đối với phương Tây cùng một lúc với các lợi ích của Nga. Kể từ đó, quan hệ Nga - Nhật đã được cải thiện một cách công khai. Tokyo, ngược lại với khuyến nghị của Tổng thống Mỹ Obama, đã tìm cách tăng cường hợp tác kinh tế với Moscow sau các vấn đề Ukraine. Mối quan hệ cá nhân giữa hai ông Abe và ông Putin dường như cũng đã được tăng cường. Hai nhà lãnh đạo đã có một khoảng thời gian nghỉ ngơi chung trong Diễn đàn Kinh tế phương Đông vào tháng 9/2017 để tham dự một giải đấu judo ở Vladivostok.

Sự hợp tác kinh tế, năng lượng và an ninh ngày càng sâu rộng giữa Nhật Bản và Nga đang mở rộng sang các khía cạnh khác của chính trị quốc tế. Gần đây, liên quan tới cáo buộc Nga đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal ở Salisbury, Vương quốc Anh, nhiều quốc gia (bao gồm cả Hoa Kỳ và các thành viên của Liên minh châu Âu) đã trục xuất một số lượng lớn các nhà ngoại giao Nga. Đồng thời, cũng đã có nhiều lời chỉ trích Moscow về vụ việc này.

Nhật Bản, tuy nhiên, đã kiềm chế không chỉ trích mạnh mẽ Nga và  không trục xuất bất kỳ nhà ngoại giao Nga nào. Thay vào đó, Nhật Bản chỉ lên án việc sử dụng vũ khí hóa học. Ông Abe cũng đã gọi điện thoại cho ông Putin vào ngày 19/3 để chúc mừng về chiến thắng sau cuộc bầu cử và thảo luận về các sáng kiến kinh tế chung mới.

Nga ngày càng hấp dẫn hơn với Nhật?

Liệu việc ông Abe theo đuổi mối quan hệ tốt đẹp với Moscow có phải là một chiến lược để giải quyết tranh chấp chủ quyền Vùng lãnh thổ phương Bắc/ Quần đảo Kuril hay để nhằm bảo đảm nguồn cung cấp năng lượng của Nhật Bản? Dù mục tiêu là gì, ông Abe chắc chắn sẽ muốn có quan hệ tốt đẹp với ông Putin.  Đối với Nga, việc tăng cường hợp tác với Nhật Bản tạo ra một cơ hội tuyệt vời cho đầu tư nước ngoài và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên và dầu mỏ ở Siberia. Nga cũng có thể đang thử một chiến lược “phân tách”để tách Hoa Kỳ ra xa các đồng minh của mình. Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang tiến gần hơn tới Nga và Nhật Bản có thể đang đi theo cùng một hướng như vậy.

Việc Mỹ bỏ bê Nhật Bản trong chính sách hiện tại của họ sẽ không phá vỡ liên minh Nhật - Mỹ, nhưng sẽ làm suy yếu mối quan hệ này và khiến Nga trở thành một đối tác thay thế hấp dẫn đối với Nhật Bản.

Ông Putin có tham vọng phát triển vùng Viễn Đông của Nga và cách tiếp cận của chính quyền Trump hiện đang giúp ông đạt được những tham vọng đó. Kịch bản tồi nhất cho Washington sẽ là một sự thay đổi mức ảnh hưởng và sự thân cận chính trị ở Tokyo. Nếu Hoa Kỳ quan tâm đến việc duy trì vai trò của mình như là sức mạnh ảnh hưởng lớn ở Nhật Bản, thì nước này nên áp dụng một cách tiếp cận toàn diện hơn đối với Tokyo.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ