• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ ráo riết phá vây tàu ngầm Nga khắp châu Âu

Thế giới 22/06/2018 12:22

(Tổ Quốc) - Nga đang tăng cường lực lượng tàu ngầm của mình trên khắp châu Âu để thách thức sự thống trị của hải quân Mỹ.

Nga đang tăng cường lực lượng tàu ngầm của mình trên khắp châu Âu để thách thức sự thống trị của hải quân Mỹ. Điều này đang diễn ra mạnh mẽ hơn bất cứ lúc nào kể từ Chiến tranh Lạnh, chỉ huy Hải quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi gần đây đã cảnh báo.

Trong một cuộc phỏng vấn với Stars and Stripes, Tư lệnh Lực lượng Hải quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi, Chuẩn Đô đốc James Foggo cho biết, Mỹ phải mở rộng đội tàu ngầm của mình và quyết đoán hơn trong việc phản ứng với hành vi leo thang của Nga.

Thực lực quân sự Nga thời hậu chiến

Căng thẳng giữa Nga và NATO đã gia tăng kể từ khi Điện Kremlin sáp nhập Crimea và được cho là ủng hộ lực lượng li khai miền Đông Ukraine từ năm 2014. Những sự kiện này đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc đấu tranh quyền lực mới giữa hai đối thủ từ thời Chiến tranh Lạnh. Nga đã tăng cường sự hiện diện quân sự dọc theo biên giới phía tây của nước này và bắt đầu triển khai nhiều tàu ngầm đến Địa Trung Hải, Biển Đen và Bắc Đại Tây Dương, ông Foggo giải thích.

Các lực lượng Nga cũng đã thể hiện tiềm năng hoạt động của họ trong cuộc chiến đang diễn ra trên Syria, tung ra các cuộc không kích từ tàu ngầm để hỗ trợ Tổng thống Bashar al-Assad. Sự tham gia của Nga tại Syria cũng đã hồi sinh lại một cơ sở hải quân của nước này ở Địa Trung Hải, tại cảng Tartus của Syria. Cảng này cung cấp cho Kremlin một chỗ đứng vững chắc ở rìa châu Âu, cho phép các tàu của Moscow thâm nhập sâu vào Địa Trung Hải.

Tàu ngầm Dmitry Donskoy của Nga di chuyển tại Đan Mạch năm 2017. (Nguồn: Reuters)

Hải quân của Nga, về tổng thể, vẫn đang hồi phục sau giai đoạn đầu tư sụt giảm mạnh khi Liên bang Xô viết sụp đổ. Dù vậy, trong những năm gần đây, điện Kremlin đã đầu tư lớn vào các tàu ngầm mới để chậm rãi thay đổi sự cân bằng quyền lực hải quân ở châu Âu. Các tàu ngầm có thể không thu hút sự chú ý như tàu sân bay, nhưng chúng gây ra mối đe dọa đáng ngại và thường không nhìn thấy được.

Những tiến bộ chiến lược này, kết hợp với những vũ khí “rất có sức mạnh”, khiến sự hiện diện của hải quân Nga gần như đang bao trùm vùng biển châu Âu. Một số tàu ngầm trang bị vũ khí hạng nặng của Nga có tên lửa có thể tấn công bất kỳ thủ đô châu Âu nào, Foggo nói. Điều này làm cho "chúng tôi có một nhiệm vụ quan trọng là nhận thức được tình huống về nơi những hệ thống vũ khí đó của họ hoạt động ở mọi thời điểm."

Mỹ ráo riết vũ trang hải quân

Mỹ đã sở hữu một số vũ khí chống tàu ngầm tiên tiến nhất trên thế giới, nhưng Foggo muốn nước này phải làm nhiều hơn thế. Hạm đội 2 của Hải quân Mỹ—  ngừng hoạt động vào năm 2011 vì mối đe dọa từ Nga được cho là đã giảm bớt — đang được hồi sinh. Với trụ sở chính đặt tại Norfolk, Virginia, lực lượng này sẽ nhỏ hơn năm 2011 nhưng được giao nhiệm vụ thách thức việc mở rộng dấu chân của Nga tại Đại Tây Dương.

Tiến trình vũ trang tàu ngầm của Hải quân Mỹ đang trong giai đoạn chuyển tiếp và số lượng tàu tấn công sẵn có sẽ giảm từ 52 xuống 42 tàu vào năm 2028. Vũ trang của quân đội Mỹ từ thời Chiến tranh Lạnh đang già hóa, và Lầu Năm Góc đang phải đối mặt với sự chậm trễ giữa việc cho nghỉ hưu công nghệ cũ và triển khai vũ khí mới. Con số tàu ngầm có thể giảm, nhưng Hải quân Mỹ vẫn giữ vị trí dẫn đầu thế giới, tiêu biểu là với các tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia mới đã hoạt động và dự kiến sẽ đưa vào phục vụ năm 2060.

Các hoạt động của NATO dựa trên sự hợp tác giữa tất cả 29 thành viên và các hạm đội Mỹ sẽ được các quốc gia như Anh, Pháp và Đức hỗ trợ, tất cả đều có lực lượng tàu ngầm riêng. Mặc dù lo ngại rằng việc đầu tư kém đã làm xói mòn khả năng hoạt động của mình, các quốc gia NATO vẫn cam kết tăng chi tiêu quân sự để đáp ứng một nước Nga đang hồi sinh và sẵn sàng tham chiến.

Foggo cho biết, Hải quân Hoa Kỳ và NATO đã sẵn sàng để phản ứng trước các thách thức từ Nga, nhưng ông nhấn mạnh rằng NATO không tìm kiếm rắc rối. Các hoạt động đang được mở rộng vì “những hành vi xấu của họ, không phải của chúng tôi. Đó là những điều họ đang làm”, Đô đốc này cho hay.

Các chỉ huy Nga và Mỹ họp mỗi năm một lần để thảo luận về các sự cố hải quân được coi là không an toàn và không chuyên nghiệp- điều đã diễn ra từ những năm 1970. Sự hợp tác hạn chế như vậy và sự hiện diện gia tăng của Nga trong các tuyến đường thủy bận rộn đã "làm tăng khả năng rằng (song phương-pv) có thể phạm sai lầm hay tính toán nhầm lẫn," Foggo cảnh báo.

Vào tháng 2, ông Foggo cho biết Mỹ tập trung vào việc giảm leo thang trong khu vực. Tuy nhiên, Foggo nói, "Nếu chúng tôi phải bảo vệ [chính mình theo quy tắc phòng vệ] thì chúng tôi sẽ làm điều đó."

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ