• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ tập trận ngay “cửa ngõ” Nga

Thế giới 12/03/2014 06:15

(Toquoc)- Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine chưa có lối thoát, Mỹ và các nước đồng minh tiến hành tập trận ngay cửa ngõ Nga, trên Biển Đen.

(Toquoc)- Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine chưa có lối thoát, Mỹ và các nước đồng minh tiến hành tập trận ngay cửa ngõ Nga, trên Biển Đen.

Ngày 11/3, tàu khu trục và máy bay Mỹ cùng các nước đồng minh NATO bắt đầu cuộc tập trận chung trên vùng biển quốc tế phía đông nam cảng Constana của Romania, cách cảng Sevastopol thuộc Crimea, nơi đồn trú của Hạm đội Hắc Hải (Nga) khoảng 350km. Đặc biệt, cuộc tập trận này có sự tham gia của tàu khu trục USS Truxtun của Mỹ mang tên lửa hành trình.

Trong khi đó, máy bay chiến đấu F-15 cùng 300 binh sĩ của không quân Mỹ sẽ có mặt tại căn cứ không quân Lask, bắc Ba Lan, trong vài ngày tới, để tiến hành một cuộc tập trận chung khác. Theo các quan chức Ba Lan, quy mô của cuộc tập trận chung giữa không quân Mỹ và Ba Lan đã được mở rộng hơn so với kế hoạch đề ra trước đó là Mỹ chỉ gửi máy bay vận tải quân sự đến tham gia tập trận.



Tàu khu trục mang tên lửa hành trình
USS Truxtun

Dù Mỹ nhấn mạnh rằng, cả hai cuộc diễn tập trên đã được lên kế hoạch từ trước, nhưng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine, động thái này phần nào đó chuyển tải thông điệp cứng rắn, bày tỏ sự ủng hộ của Mỹ đối với các đồng minh NATO đang lo lắng về sự can thiệp của Nga vào Ukraine.

Trong một động thái khác, kể từ ngày 10/3, NATO bắt đầu các chuyến bay trinh sát bằng máy bay AWACs trên bầu trời Ba Lan và Romania để giúp theo dõi cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Trước đó, Mỹ đã gửi thêm 6 chiếc tiêm kích F-15 và 1 máy bay tiếp nhiên liệu trên không KC-135 để "tăng cường nhiệm vụ" ở các nước vùng Baltic. Nâng tổng số chiến đấu cơ loại F-15 này lên 10 chiếc.

Cùng lúc đó, tại Địa Trung Hải, tàu sân bay USS George HW Bush cùng 17 tàu chiến và ba tàu ngầm đã đi qua biển Aegean chiều tối 4/3. USS George HW Bush mang theo 90 máy bay chiến đấu các loại, trong đó có phi đội tiêm kích F/A-18-E/F Super Hornet. Trong ba tàu có ít nhất 1 tàu ngầm nguyên tử lớp Ohio hiện đại.

Giới quan sát nhận định, những động thái triển khai quân sự một cách nhanh chóng với những khí tài hiện đại xung quanh lãnh thổ nước Nga khẳng định, chính Mỹ mới đang đi đầu trong những phản ứng của quốc tế đối với hành động của Nga ở Ukraine chứ không phải các đồng minh châu Âu.

Về phần mình, EU tuyên bố, không muốn đối đầu với Nga nhưng buộc phải đưa ra các biện pháp trừng phạt nếu Moscow không chịu nhượng bộ trong hồ sơ Ukraine. Theo đó, các lệnh trừng phạt sẽ bao gồm phong tỏa tài sản, từ chối cấp visa cho các quan chức Nga, Ukraine. Các biện pháp trừng phạt này có thể có hiệu lực ngay trong tuần này.

Yanukovych tái xuất

Liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, chiều 11/3, Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych tái xuất, tiến hành cuộc họp báo lần thứ hai tại thành phố Rostov-on-Don của Nga.

Tại cuộc họp báo, ông Yanukovych phủ nhận tin đồn cho rằng ông đã chết, đồng thời tuyên bố ông vẫn là Tổng thống hợp hiến duy nhất của Ukraine, và sẽ quay trở lại Kiev vào thời điểm thích hợp. Với tư cách là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, ông kêu gọi các lực lượng vũ trang nước này không "tuân theo lệnh của những kẻ tội phạm". Ông tiếp tục cáo buộc các phần tử cực đoan tiếm quyền và tiến hành cuộc đảo chính tại thủ đô Kiev, đồng thời tuyên bố cuộc bầu cử tổng thống dự kiến vào ngày 25/5 tới là bất hợp pháp. Ông cũng tố cáo những âm mưu khủng bố nhằm vào ông, cũng như cảnh báo các nguy cơ của chủ nghĩa phát xít và nội chiến đang xuất hiện tại Ukraine.

Về khoản viện trợ 1 tỷ USD của Mỹ cho chính phủ tạm quyền ở Ukraine, ông Yanukovych đề nghị Washington xem lại bởi luật pháp Mỹ cấm chính phủ viện trợ tiền cho một chính phủ soán ngôi tổng thống hợp pháp.

Ông cũng cảnh báo Ukraine đang trải qua thời kỳ kinh tế khó khăn, những diễn biến ở Crimea có thể khiến Ukraine mất vùng đất này.

Cũng trong ngày 11/3, các nhà lập pháp thân Nga tại Crimea đã bỏ phiếu tách khỏi Ukraine, một động thái chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý dự kiến tổ chức vào cuối tuần này (ngày 16/3) để Crimea trở thành một phần của LB Nga.

Thông cáo của cơ quan báo chí thuộc Nghị viện Crimea cho biết Crimea đã thông qua "tuyên ngôn độc lập của nước Cộng hòa tự trị Crimea và thành phố Sevastopol” với tỷ lệ 78/81 nhà lập pháp có mặt bỏ phiếu thuận.

Quốc hội Ukraine lập tức cảnh báo Nghị viện nước Cộng hòa tự trị Crimea đang đối mặt với nguy cơ bị giải tán nếu họ không hủy bỏ cuộc trưng cầu dân ý liên quan tới việc sáp nhập vào Liên bang Nga.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định tuyên bố độc lập khỏi Ukraine vừa được Quốc hội Crimea phê chuẩn là "hoàn toàn hợp pháp". Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nói với người đồng cấp Mỹ John Kerry rằng quyền của cư dân Crimea tự quyết định tương lai của chính mình cần phải được tôn trọng./.

Khánh An (Tổng hợp)

NỔI BẬT TRANG CHỦ