• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ vũ trang tên lửa châu Á: Nga ra tín hiệu chiến lược

Thế giới 26/03/2018 14:59

(Tổ Quốc) - Nga có cách tiếp cận bất đồng với việc Mỹ vũ trang tên lửa cho các đồng minh châu Á.

Hai trong số các đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ ở Châu Á- Thái Bình Dương, Nhật Bản và Hàn Quốc, đã đồng ý triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa của Hoa Kỳ trên lãnh thổ của họ. Hàn Quốc đã xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD tại nước này và đi vào hoạt động từ năm 2017.

Vào tháng 12 cùng năm, chính phủ Nhật Bản cũng đã thông qua việc triển khai Aegis Ashore, một hệ thống phòng thủ tên lửa trên đất liền, với chương trình lắp đặt dự kiến hoàn tất sớm nhất vào năm 2023.

Nga “bất đồng” với Hàn và Nhật

Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng họ đang triển khai các hệ thống phòng không để phản ứng trước các vụ thử tên lửa liên tục của CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, Nga đã phản đối mạnh mẽ cả hai diễn biến này. Các quan chức Nga khẳng định rằng việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc có thể dấy lên một cuộc chạy đua vũ trang khu vực và thúc đẩy Nga rời khỏi Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (New START) - một hiệp ước do chính quyền Obama và Medvedev ký năm 2010 nhằm giảm một nửa số lượng bệ phóng tên lửa hạt nhân chiến lược Nga và Hoa Kỳ sở hữu.

Nga đã nhiều lần phản đối việc các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ được triển khai tại Hàn Quốc và Nhật Bản.

Chính phủ Nga cũng tuyên bố việc lắp đặt hệ thống Aegis Ashore của Nhật sẽ là một  hành động vi phạm Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung - loại bỏ tất cả các tên lửa hạt nhân và thông thường có tầm bay từ 500 đến 1000 km.

Trong khi bày tỏ trực tiếp sự thất vọng đối với Hoa Kỳ, Moscow đã áp dụng nhiều cách tiếp cận khác nhau với Seoul và Tokyo sau những động thái trên. Điện Kremlin đã cho thấy viễn cảnh ảm đạm về tương lai giữa Nhật Bản và Nga trong bối cảnh quyết định của Tokyo về việc triển khai Aegis Ashore. THAAD, tuy nhiên, đã không ngăn Nga theo đuổi việc tăng cường gần gũi với Hàn Quốc trên nhiều mặt trận.

Sự khác biệt trong cách tiếp cận của Nga với Nhật Bản và Hàn Quốc rất đáng lưu ý vì hai nước này đều là đồng minh đang hợp tác với Washington và đang chống lại các mối quan tâm an ninh của Nga.

Bên ngoài vấn đề phòng thủ tên lửa, Seoul và Tokyo đôi khi có các quan điểm khác nhau trong quan hệ với Nga. Nhật áp đặt các biện pháp trừng phạt vào Moscow sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, còn Hàn Quốc kiềm chế không làm như vậy.

Các chính sách khác nhau về một vấn đề cụ thể (từ phía Tokyo và Seoul), như về lệnh trừng phạt trên, không đủ giải thích cách Nga phản ứng khác nhau đối với Nhật Bản và Hàn Quốc về việc cho phép Hoa Kỳ triển khai các hệ thống tên lửa này.

Moscow “cứng rắn” với Nhật Bản

Vào tháng 12/2017, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova chỉ trích việc Tokyo cho phép Hoa Kỳ triển khai hệ thống Aegis Ashore ở Nhật, gọi đây là một trở ngại cho sự phát triển của quan hệ song phương dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đặc biệt nhấn mạnh mong muốn giải quyết tranh chấp về quần đảo Kuril (Nhật Bản gọi là vùng lãnh thổ phương Bắc). Mặc dù tiếp tục các cuộc thảo luận cấp cao, nỗ lực để đạt được một thỏa thuận về vấn đề này có vẻ như vẫn bế tắc. Quyền sở hữu quần đảo này là điều rất quan trọng cho sức ảnh hưởng của Nga đối với khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ kéo dài này là sự mất ổn định chiến lược giữa Nhật Bản và Nga. Điều này có thể giải thích một phần lý do tại sao Nga có xu hướng nhìn quan hệ với Nhật Bản qua lăng kính của liên minh Tokyo-Washington. Việc Nhật Bản sẵn sàng ủng hộ các sáng kiến an ninh do Mỹ lãnh đạo chống lại Nga lại càng làm tăng thêm căng thẳng quan hệ giữa Moscow và Tokyo.

Quan hệ Hàn Quốc – Nga không bị THAAD đẩy lùi

Ngược lại, Nga lại không để vấn đề THADD ảnh hưởng tới quan hệ đối tác chiến lược của Hàn Quốc-Nga. Moscow và Seoul tiếp tục tăng cường sự hợp tác kinh tế dưới không gian "Chính sách hướng Bắc mới" của Tổng thống Moon Jae-in. Hai bên cũng đã có kinh nghiệm trong việc hợp tác để giải quyết khủng hoảng an ninh Triều Tiên.

Theo East Asia Forum, điều này chắc chắn xuất phát một phần từ việc Moscow và Seoul không có bất đồng quan điểm về địa chính trị, cũng như sự độc lập về chính trị của Seoul với Mỹ cao hơn Nhật Bản.

Moscow cũng đã theo đuổi chính sách bình đẳng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Một yếu tố thúc đẩy quan hệ cân bằng của Nga với Bình Nhưỡng và Seoul, ngoài ý nghĩa địa chính trị của Bán đảo này, là hy vọng rằng Nga có thể theo đuổi hợp tác kinh tế ba bên với các nước Triều Tiên. Sự phân chia chính trị của bán đảo Triều Tiên làm nản lòng các nỗ lực của Nga đối với hợp tác kinh tế - đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng. Lý tưởng nhất là Nga muốn triển khai các dự án trên Bán đảo Triều Tiên để mang lại cho Moscow khả năng tiếp cận thị trường Châu Áí

Đối với Moscow, sự sẵn lòng của Nhật Bản đối với Aegis Ashore là một bước đi đẩy lùi mối quan hệ song phương – vốn đã bị ảnh hưởng từ lâu bởi bất đồng chính trị. Tuy nhiên, Nga cũng sẽ mất mát nhiều nếu quá để ý việc THAAD được triển khai tại Hàn Quốc – điều có thể đẩy sự hợp tác chặt chẽ Moscow -Seoul - cửa ngõ kinh tế của Nga tới châu Á.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ