• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Năm 2009: Phim truyền hình Việt sẽ có thêm "giờ vàng"?

04/01/2009 16:32

"Làn sóng" xã hội hóa phim truyền hình đang tràn đến hầu hết các đài truyền hình trong cả nước với hàng chục đơn vị tư nhân "nhảy" vào sản xuất. Bộ mặt phim truyền hình năm 2008 đã có nhiều đổi khác, hứa hẹn năm 2009 tiếp tục là năm bùng nổ của thể loại này.

"Làn sóng" xã hội hóa phim truyền hình đang tràn đến hầu hết các đài truyền hình trong cả nước với hàng chục đơn vị tư nhân "nhảy" vào sản xuất. Bộ mặt phim truyền hình năm 2008 đã có nhiều đổi khác, hứa hẹn năm 2009 tiếp tục là năm bùng nổ của thể loại này.

Năm 2008 - "Nhà nhà làm phim"

Năm 2008, số đầu phim truyền hình phát trên sóng trên VTV không nhiều bằng các năm trước, vì hai bộ phim có độ dài trên 100 tập vẫn tiếp tục thay nhau "chiếm sóng" VTV3 là Những người độc thân vui vẻ và Cô gái xấu xí. Số giờ phát sóng phim tăng lên, do VTV mở thêm "giờ vàng" cho phim Việt trên VTV3 (21 giờ). Màu sắc phim Việt trên VTV đã phong phú hơn. Mảng phim giải trí được tăng cường. Chàng trai đa cảm của Hãng phim Đông A cũng được coi là một phim xã hội hóa "sạch sẽ". Hai bộ phim: Cô gái xấu xí và Bỗng dưng muốn khóc đều do Hãng phim Việt thuộc Công ty BHD sản xuất, đem đến một luồng không khí mới mẻ, trẻ trung cho phim trên VTV1 lâu nay hầu như "chuyên trị" đề tài nông thôn và cảnh sát hình sự.

Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài THVN (VFC) tiếp tục thế mạnh với những bộ phim phản ánh hiện thực nóng hổi của cuộc sống hôm nay hay  những đề tài "gai góc" mà phim xã hội hóa thường "né", với Gió làng kình, Cảnh sát hình sự, Nhà có nhiều cửa sổ, Vòng nguyệt quế… Có phim đã gây ra dư luận, thậm chí là những phản ứng trái chiều về cách phản ánh hiện thực cuộc sống. Tuy nhiên, đặt bên cạnh các phim xã hội hóa, phim của VFC năm nay không gây nhiều ấn tượng. Hai bộ phim (Nhà có nhiều cửa sổ và Gió làng Kình) với ê-kíp làm phim là những đạo diễn tên tuổi song không đáp ứng được kỳ vọng của người xem và có phần "chìm" hơn so với những bộ phim cùng đề tài này trước đó (Gió qua miền tối sáng hay Ma làng, Những người độc thân vui vẻ).

"Cửa" HTV được đánh giá là thông thoáng hơn các đài phía Bắc đối với phim xã hội hóa. Trong khoảng trên 1.000 giờ phát sóng thì hơn nửa là phim xã hội hóa. Ông Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Hãng phim Truyền hình TP Hồ Chí Minh (TFS) thừa nhận với báo giới, TFS mất gần 50% khung giờ phát sóng do phim bên ngoài nhiều quá. Số giờ phim Việt trong năm 2008 gần gấp đôi năm 2007 và sắp vượt "chỉ tiêu" 50% phim nội (so với phim ngoại). Có đơn vị tư nhân sản xuất trên 300 tập phim/năm, như Lasta. Cũng Lasta, họ mua bản quyền cả một kênh truyền hình kỹ thuật số và mỗi ngày một tập phim mới trên kênh VTC9 (Let's Việt). VTV9 phát sóng dành cho  khu vực Nam bộ cũng dành riêng giờ phát cho phim Việt và thu hút các đơn vị tư nhân. Đó là chưa kể đến các đài PTTH Bình Dương, Cần Thơ… hợp tác với các nhà làm phim tư nhân đều liên tục "xuất xưởng" phim sản xuất trong nước.

Các hãng phim ở phía Nam bắt đầu tìm đến những đề tài mới thay vì các đề tài lập nghiệp, những nhân vật nổi tiếng để gây ảnh hưởng nhiều hơn với khán giả. Các diễn viên mới cũng được tung vào phim bên cạnh các gương mặt quen thuộc được "làm mới" hay kết hợp với nhau tạo thành các cặp đôi mới. Góp phần vào không khí "tưng bừng" của phim truyền hình xã hội hóa phía Nam còn phải kể đến nhiều đạo diễn phía Bắc "Nam tiến" làm phim, như: Đỗ Minh  Tuấn, Nguyễn Thanh Vân, Bùi Tuấn Dũng…

Năm 2009 - có thêm "giờ vàng"?

Ông Nguyễn Việt Hùng cho biết, năm 2009, HTV không tăng thêm thời lượng phim Việt mà tập trung củng cố chất lượng và kỹ thuật vì vừa qua một số hãng vì muốn giảm giá phim đã không đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật làm ảnh hưởng đến chất lượng phim. Để củng cố vị trí, TFS đang có nhiều dự án phim hứa hẹn gây chú ý trong năm 2009: Vó ngựa trời Nam (30 tập, kịch bản Phạm Thùy Nhân, đạo diễn Lê Cung Bắc) về thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, Lều chõng (kịch bản Lê Ngọc Minh, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân) dựa theo tác phẩm cùng tên của nhà văn Ngô Tất Tố, Công nghệ thời trang (kịch bản Nguyễn Mạnh Tuấn, đạo diễn Đỗ Phú Hải) đề cập cả những vấn đề tham nhũng, hội nhập, Tại tôi (20 tập, kịch bản chuyển thể từ tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, đạo diễn Võ Việt Hùng)… Ngoài ra, các phim sắp ra mắt đều phản ánh những đề tài được nhiều người quan tâm: Câu chuyện pháp đình, Tân phong nữ sĩ, Âm tính, Taxi… Một dự án dài hơi khác là bộ phim truyền hình lịch sử nhiều tập về anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ khoảng 25-30 tập do đạo diễn Quốc Hưng đảm trách.

VTV đã bảo đảm tỷ lệ thời lượng và giờ phát sóng phim truyện Việt Nam đạt ít nhất 30% so với tổng số thời lượng phát sóng phim. Về khả năng mở rộng thêm khung giờ phát sóng, ông Trần Đăng Tuấn - Phó TGĐ VTV cho biết: Phim càng thu hút nhiều quảng cáo thì càng có nhiều khung giờ dành cho phim Việt. Tuy nhiên, ông Tuấn nói: "Tôi ủng hộ việc nhiều đơn vị ngoài đài tham gia làm phim truyền hình nhưng tôi rất mong các đơn vị đó cùng chung quan điểm rằng, nếu vì lợi ích thương mại mà không chú trọng chất lượng, thì đó là cách ngắn nhất để cho chủ trương xã hội hóa sản xuất phim chết yểu". Một trong những bộ phim của VFC được mong đợi trong năm 2009 là Ngõ lỗ thủng (20 tập, chuyển thể từ tiểu thuyết, đạo diễn Quốc Trọng). Kịch bản được Đặng Diệu Hương chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên và tiểu thuyết "Tiễn biệt những ngày buồn" đều của nhà văn Trung Trung Đỉnh về thời kỳ khó khăn của đất nước khi chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường.

Ông Đỗ Thanh Hải - Quyền Giám đốc VFC nói: "Việc xã hội hóa phim truyền hình đang được mở rộng. VFC cũng chỉ đảm đương một phần nào đó nên bản thân VFC cũng rất cần nỗ lực để cạnh tranh với những hãng phim bên ngoài". Nguyên Giám đốc VFC Khải Hưng tin tưởng, VFC sẽ đổi mới cơ chế đãi ngộ đối với đội ngũ làm nghề để phát huy được khả năng cao nhất của mỗi nghệ sĩ, đóng góp vào chất lượng phim và giữ được người tài ở lại với hãng.

Cùng với việc ra đời nhiều kênh truyền hình mới, trong đó có những kênh cam kết sản xuất chương trình "made in Vietnam" 100% thì các đài sẽ mở ra nhiều khung giờ dành cho phim Việt. Tuy nhiên, chất lượng phim vẫn là bài toán nan giải…

Theo HNM

NỔI BẬT TRANG CHỦ