• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Năm 2017, cổ phần hoá DNNN có nhiều chuyển biến tích cực

Kinh tế 16/01/2018 10:41

(Tổ Quốc) - Năm 2017, mặc dù số lượng doanh nghiệp thực hiện sắp xếp không lớn nhưng các bộ, ngành, địa phương đã cổ phần hóa, thoái vốn và đang triển khai các bước cuối cùng để cổ phần hóa, thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp có quy mô vốn rất lớn, lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

“Thương vụ” Sabeco là kết quả của sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ

Việc thoái vốn nhà nước thành công tại Sabeco không chỉ mang về gần 110.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước mà còn tạo ra “cú hích” cho các đợt cổ phần hóa tiếp theo trong năm 2018. (Nguồn: Internet).

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước ta. Ngoài mục tiêu nâng cao hiệu quả DNNN, làm tăng sức cạnh tranh, tăng hiệu quả kinh tế và tăng sức mạnh chi phối, nâng cao vai trò chủ đạo của hệ thống này trong nền kinh tế thị trường…, chủ trương cổ phần hoá DNNN còn giúp người công nhân lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp trở thành cổ đông. Đây cũng chính là một trong những mục tiêu mà chúng ta cần đạt tới trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Chính vì lẽ đó, năm 2017, Chính phủ, các bộ, địa phương đã tích cực, quyết liệt và cẩn trọng trong cổ phần hoá DNNN, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Báo cáo về tình hình thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu DNNN năm 2017 của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho thấy, trong năm 2017, cả nước đã phê duyệt phương án cổ phần hóa 57 DNNN (gấp 1,03 lần so với 55 DNNN cổ phần hóa năm 2016), bao gồm: 01 tập đoàn (Cao su Việt Nam); 09 Tổng công ty có quy mô vốn chủ sở hữu nhà nước lớn hơn 1.000 tỷ đồng: Đầu tư Phát triển đô thị và khu công nghiệp - IDICO, Sông Đà, Phát điện 3, Dầu Việt Nam, Điện lực Dầu khí, Lọc hóa dầu Bình Sơn, Đầu tư và Phát triển công nghiệp - Becamex, Thương mại - Xuất nhập khẩu Thanh Lễ, Thương mại Hà Nội; 47 DNNN thuộc các bộ, ngành địa phương.

“Theo phương án được phê duyệt, vốn điều lệ của 57 doanh nghiệp này là 155.762,77 tỷ đồng, trong đó: Nhà nước nắm giữ 53,29%, người lao động và tổ chức công đoàn nắm giữ 1,15%, bán đấu giá công khai và bán cổ phần cho cổ đông chiến lược 45,56%.

Trong số 57 DNNN được phê duyệt Phương án cổ phần hóa thì đã IPO được 21 doanh nghiệp, trong đó: Số vốn điều lệ là 54.158,03 tỷ đồng; Tổng số thu về từ thực hiện cổ phần hóa là 5.192,44 tỷ đồng.

Ngoài ra, đã thực hiện sắp xếp theo các hình thức khác đối với 03 doanh nghiệp (giải thể 02 doanh nghiệp, bán 01 doanh nghiệp).

Về thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong năm 2017, cả nước đã thực hiện thoái vốn tại 137 đơn vị, trong đó: Thoái được 8.749,95 tỷ đồng theo giá trị sổ sách, thu về 135.223,91 tỷ đồng (gấp 15,45 lần).

Trong các đơn vị thực hiện có những doanh nghiệp thoái được số lượng vốn nhà nước rất lớn như Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn Sabeco (thoái 53,59% vốn, thu về 110.000 tỷ đồng), Công ty cổ phần Sữa Vinamilk (thoái 3,33%, thu về 8.990 tỷ đồng)”.       

Ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) từng nhận định tại buổi họp báo chuyên đề “Giới thiệu chính sách cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước năm 2017; Tình hình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước năm 2017, kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020” do Bộ Tài chính tổ chức sáng ngày 25/12/2017 rằng, công tác sắp xếp, đổi mới, phát triển, cơ cấu lại DNNN năm 2017 có nhiều chuyển biến tích cực từ công tác chỉ đạo điều hành đến kết quả thực hiện.

Số lượng doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại không nhiều nhưng doanh nghiệp cổ phần hóa đều có quy mô vốn lớn (lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng). Đặc biệt, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước năm 2017 đã đưa vào cân đối vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước năm 2017 là 60.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong năm 2017, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, Nghị quyết chuyên đề; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành, chủ trì nhiều cuộc họp, trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn để đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các Đề án lớn, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn... Năm 2017, mặc dù số lượng doanh nghiệp thực hiện sắp xếp không lớn nhưng các bộ, ngành, địa phương đã cổ phần hóa, thoái vốn và đang triển khai các bước cuối cùng để cổ phần hóa, thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp có quy mô vốn rất lớn, lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Cùng với đó, thời gian qua, bên cạnh các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đạt được một số kết quả quan trọng trong cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước...

Đặc biệt, việc bán cổ phần nhà nước tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn với số tiền lên đến gần 110.000 tỷ đồng, với giá bán 32.500 đồng/cổ phiếu, cao gấp 32,5 lần mệnh giá vào những ngày cuối cùng của năm 2017 là kết quả của sự vào cuộc chỉ đạo tích quyết liệt, mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban, được báo chí trong và ngoài nước đánh giá tích cực.

Nhiều chuyên gia nhận định, việc thoái vốn nhà nước thành công tại Sabeco không chỉ mang về gần 110.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước mà còn tạo ra “cú hích” cho các đợt cổ phần hóa tiếp theo trong năm 2018.

Tại “thương vụ” này, quan điểm của Nhà nước hết sức minh bạch rằng, bất kỳ nhà đầu tư hợp pháp nào có đủ điều kiện mua theo các nguyên tắc đã được đề cập trong quy chế đấu giá đều được Nhà nước tạo điều kiện tham gia mua phần vốn nhà nước theo quy định của pháp luật.

Điều này cho thấy một khi cuộc chơi tuân theo sự thượng tôn luật pháp sẽ tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng bỏ tài sản để đầu tư, góp vốn và tăng giá trị cho công ty nắm quyền sở hữu.

Lãnh đạo một số Tập đoàn, Tổng công ty… vẫn còn tư tưởng e ngại

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp của Chính phủ sáng 11/7/2017 (Nguồn: chinhphu.vn).

Do đối tượng cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn này chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp, cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý, kiểm toán nhà nước trước khi công bố giá trị doanh nghiệp. Đồng thời Lãnh đạo một số Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty vẫn còn tư tưởng e ngại, chưa quyết liệt trong triển khai công tác cổ phần hóa.

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp của Chính phủ sáng 11/7/2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ từng cho rằng, cần nhìn nhận nguyên nhân chính khiến việc cổ phần hóa, thoái vốn chậm trễ chủ yếu do chủ quan khi các bộ, ngành và địa phương chưa thật quyết liệt trong chỉ đạo, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.

“Vẫn còn tâm lý thận trọng, chờ đợi, e ngại một số vụ việc trước đây bị thanh tra, kiểm tra nên có chuyện đùn đẩy, hỏi ý kiến lên tận Chính phủ. Có những việc thẩm quyền của bộ, địa phương nhưng không dám quyết, để cho an toàn thì đẩy lên Chính phủ hoặc bộ chuyên ngành. Nhưng Chính phủ quyết lại không đúng luật. Có nơi ngại không muốn làm, sợ sai phạm, công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc chưa thường xuyên, kịp thời”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Cũng tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ sẽ xem xét trách nhiệm của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty để chậm trễ, không hoàn thành nhiệm vụ đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp và thoái vốn theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ..., đồng thời yêu cầu Bộ Tài chính công khai việc xử lý các doanh nghiệp sau cổ phần hóa không niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Trên thực tế, việc chuyển giao các doanh nghiệp sau cổ phần hóa về SCIC còn chậm; đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán chưa thực hiện nghiêm túc khi có tới 747 doanh nghiệp chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Mặc dù từ giữa tháng 7, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh thành phố thuộc Trung ương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó yêu cầu Bộ Tài chính công khai danh sách doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Và vào giữa tháng 8, Bộ Tài chính đã công khai danh sách 747 doanh nghiệp này trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính. Thế nhưng, đến nay các doanh nghiệp này vẫn chậm thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Trước đó, hồi tháng 7/2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã yêu cầu Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ công khai danh sách các doanh nghiệp cổ phần hóa chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính và cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Tại văn bản chỉ đạo, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại các công ty cổ phần do mình quản lý yêu cầu doanh nghiệp khẩn trương thực hiện đăng ký giao dịch; niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán khi đủ điều kiện trong thời hạn một năm kể từ ngày phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 2/2/2017 về đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020.

Nguyên nhân tiếp theo khiến công tác cổ phần hoá còn chậm, đó là do một số doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, phải được Kiểm toán nhà nước kiểm toán nên thời gian từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến IPO sẽ dài hơn 18 tháng, do đó các doanh nghiệp phải đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời hạn IPO và không phải xác định lại giá trị doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, còn do việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa đăng ký giao dịch, niêm yết gặp vướng mắc khi áp dụng Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán

Bàn về nhiệm vụ của năm 2018, để đẩy mạnh công tác cổ phần hoá, các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải khẩn trương các biện pháp kiểm tra, thanh tra, giám sát:

Một là, phải khẩn trương xây dựng để phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý theo đúng nội dung quy định tại Quyết định số 707/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc chậm triển khai công tác này làm ảnh hưởng đến quá trình cơ cấu lại DNNN theo chủ trương của Đảng và Chính phủ.

Hai là, hoàn thành cổ phần hóa các doanh nghiệp theo đúng tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 991/TTg-ĐMDN; Chủ động thực hiện thoái vốn nhà nước và đảm bảo tiến độ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg;

Ba là, đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa năm 2018 và những năm tiếp theo cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật đất đai trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy định tại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai. Đồng thời thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa, chủ động xử lý các vấn đề về tài chính, lao động trước khi cổ phần hóa theo quy định, xác định thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, công bố giá trị doanh nghiệp, phê duyệt phương án cổ phần hóa và bán cổ phần lần đầu ra công chúng.

Bốn là, chỉ đạo người đại diện đôn đốc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán; xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ quy định của pháp luật trong việc đăng ký giao dịch niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Năm là, nghiêm túc triển khai việc bàn giao các doanh nghiệp thuộc diện phải bàn giao về SCIC theo đúng quy định hiện hành.

Sáu là, tăng cường vai trò giám sát đối với doanh nghiệp; cơ quan giám sát, doanh nghiệp cùng có trách nhiệm thực hiện công khai hóa các thông tin về hoạt động của doanh nghiệp để các nhà đầu tư nắm bắt cơ hội, điều kiện thuận lợi  tham gia đầu tư cùng doanh nghiệp.

Bảy là, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn; kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường; có cơ chế kiểm soát phù hợp nguồn vốn mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp; thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập, công tác cán bộ, cổ phần hóa, thoái vốn; chỉ đạo thực hiện tốt chính sách đối với người lao động và lao động dôi dư trong doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp, đổi mới, trong đó có người quản lý, điều hành doanh nghiệp;

Tám là, áp dụng các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế; hoàn thiện cơ chế kiểm soát, kiểm toán nội bộ, thực hiện nghiêm túc chế độ giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính; có cơ chế gắn việc tuyển dụng, bổ nhiệm, bãi miễn, đãi ngộ lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động với kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Xử lý nghiêm lãnh đạo DNNN thực hiện không có kết quả.

Chín là, xác định trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Bộ trưởng các Bộ quản lý ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế chịu trách nhiệm hành chính trước Thủ tướng Chính phủ; xử lý nghiêm lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện, hoặc thực hiện không có kết quả sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành doanh nghiệp; trường hợp thực hiện không đúng quy định, sai mục đích, kém hiệu quả, gây thất thoát, thua lỗ vốn và tài sản của nhà nước thì phải bồi thường và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật…

Cùng với đó, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện phương án sắp xếp, tái cơ cấu DNNN và công ty nông, lâm nghiệp đã được phê duyệt, đồng thời định kỳ giao ban giữa Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp ở Trung ương và các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có nhiều doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu để kịp thời tháo gỡ khó khăn, xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện./.

Hà Giang

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ