• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Năm Dậu có nên cúng gà?

Văn hoá 14/01/2017 08:17

(Tổ Quốc) -Tết Đinh Dậu 2017 đã cận kề, một trong những thắc mắc của nhiều người trong mâm cúng giao thừa năm nay là có được cúng gà như mọi năm hay không, hay phải thay thế bằng loại thịt khác?

Mâm cúng giao thừa đã từng… thiếu gà

Theo nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Hùng Vĩ thì thời bom đạn đói khổ, có gì cúng nấy miễn là lòng thành.

Vài năm về trước, khi dịch cúm gia cầm H5N1 gia tăng và cao điểm đúng dịp tết Nguyên Đán khiến rất nhiều gà phải tiêu hủy để tránh dịch bệnh và nguồn cung gà cho tết thiếu trầm trọng. Tết năm đó, nhiều người thay vì cúng gà đã chuyển sang cúng khổ thịt lợn hoặc chân giò lợn…

Không chỉ năm nay tết Đinh Dậu mà cũng cách đây vài năm, vào tết Quý Tỵ - 2013, nhiều người có quan điểm đã là năm gà thì không thể “giết gà” rồi cúng, hay năm rắn mà cúng gà thì rắn sẽ ăn gà, khiến các thần linh hay các linh hồn tổ tiên không thể thụ hưởng được… Do đó nhiều gia đình đã thay vì cúng gà bằng thịt lợn miếng hoặc chân giò lợn.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Tại sao lại lựa chọn gà cúng giao thừa?

Theo nhà nghiên cứu dân gian Trần Hữu Sơn thì bất kể năm gì, vào thời  khắc giao thừa vẫn phải cúng gà, như một sự bất di bất dịch. Bởi gà là con vật mang tính biểu tượng, linh thiêng… Gà cũng là con vật truyền dẫn và trung gian, có thể đi từ thế giới này sang thế giới kia, từ thế giới thần linh đến thế giới của đời sống thực, từ thế giới của con cháu tới thế giới tổ tiên. Gà cũng là con vật có thể gọi mặt trời, xua đi màn đêm… Nếu mà không cúng gà thì sẽ mất đi ý nghĩa như vậy.

Với quan điểm cho rằng “có gì cúng nấy miễn là lòng thành” là chưa đúng trong trường hợp này – nhà nghiên cứu Trần Hữu Sơn cho biết. Do đó, không phải con vật nào cũng được lựa chọn để cúng. Tại sao người ta không lựa chọn cúng ngan? hay tôi nghèo, lòng thành chỉ có cái bánh mì sao không mang bánh mì ra cúng mà phải thổi xôi.

Còn quan điểm cho rằng, đã là đã năm Dậu, như năm Đinh Dậu 2017 này thì không thể “giết gà” để đem đi cúng là sai và tự mình suy diễn ra thế để làm khác đi - ông Sơn đưa ra nhận định.

Như vậy, theo ý kiến của nhà nghiên cứu dân gian Trần Hữu Sơn thì dù là năm Dậu hay các năm khác thì giao thừa vẫn cúng gà.

Tuy nhiên, cần lưu ý khi lựa chọn gà cúng giao thừa phải là gà trống hoa, mào đẹp, da vàng óng, mỏ vàng, chân vàng, không có dị tật… không thể cúng bằng gà mái hoặc gà trống thiến, gà đã đạp mái.

Mâm cúng giao thừa ngoài gà còn không thể thiếu xôi gấc. Ảnh minh họa, nguồn internet.

Theo quan niệm dân gian, con gà trống hội tụ đủ 5 đức tính mẫu mực của một con người như văn, võ, dũng, nhân, tín.

Còn theo Truyện xưa tích cũ, khi Ngọc Hoàng mới sáng tạo ra mặt đất, thấy lạnh lẽo, ẩm thấp, bèn sai mười mặt trời suốt ngày đêm chiếu sáng để sấy khô mặt đất. Nhưng khi mặt đất đã khô mà Ngọc Hoàng quên không thu các mặt trời lại khiến con người và cây cỏ khốn đốn vì nắng hạn. Lúc đó, xuất hiện một dũng sĩ tài giỏi bắn rụng 9 mặt trời và mặt trời còn lại sợ hãi trốn biệt. Mặt đất lại rơi vào lạnh lẽo, tối tăm. Con người và loài vật rủ nhau đi gọi mặt trời. Lần lượt người và vật ra sức gọi mặt trời nhưng chẳng ai gọi được. Cuối cùng chỉ có con gà trống khoẻ mạnh cất tiếng gáy vang lừng khiến mặt trời tò mò ngó xuống rồi quên cả sợ hãi hạ thấp dần độ cao, khiến mặt đất lại sáng bừng lên. Từ đó, sáng nào cũng vậy, chú gà trống lại cất tiếng gáy gọi mặt trời

Đêm giao thừa (trừ tịch) là đêm trời đất tối tăm nhất, đó là lúc mặt trời ẩn mình sâu nhất. Nhà nhà bảo nhau cúng một con gà trống với hi vọng chú gà sẽ đánh thức mặt trời, chiếu sáng cho đủ đầy ánh nắng cả năm, mang lại “mưa thuận gió hoà” của cư dân nông nghiệp. Do vậy, con gà là biểu tượng của một nền văn hoá đi liền với tín ngưỡng tôn sùng mặt trời của nền nông nghiệp lúa nước. Lâu dần, cúng gà trong đêm giao thừa trở thành phong tục của mọi gia đình Việt Nam.

 

Nhị Xuân

NỔI BẬT TRANG CHỦ