• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Năm thảm họa thiên tai kinh hoàng của thế giới

Thế giới 24/12/2015 06:09

(Toquoc)- Biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế nóng là nguyên nhân trọng yếu của nhiều thảm họa...

(Toquoc)- Biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế nóng là nguyên nhân trọng yếu của nhiều thảm họa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho con người.

Công ty Tái bảo hiểm Swiss Re của Thụy Sĩ ngày 18/12 đã công bố báo cáo cho thấy, tổng thiệt hại kinh tế do các thảm họa thiên nhiên và công nghiệp gây ra trên thế giới trong năm 2015 là 85 tỷ USD, trong đó thiệt hại do các thảm họa thiên nhiên chiếm 74 tỷ USD.

Năm của thiên nhiên khắc nghiệt

Theo đánh giá của Tổ chức khí tượng Thế giới, năm 2015 được coi là năm nóng kỷ lục với các đợt nắng nóng đã gây ra cái chết cho hơn 5.000 người. Tình trạng thiếu mưa khiến hạn hán và cháy rừng cũng gây ra thiệt hại đáng kể trên khắp thế giới. Riêng tại Ấn Độ và Pakistan đã có hơn 3.000 người thiệt mạng khi nhiệt độ tăng cao tới trên 48 độ C.

Vào tháng 2 đầu năm, cơn bão lạnh giá ở Mỹ đã khiến các công ty bảo hiểm phải chi trả một số tiền lớn, ước tính chừng 2,7 tỉ USD. Tại Nepal, trận động đất hồi tháng 4 vừa qua đã khiến hơn 9.000 người bị thiệt mạng, phá hủy hơn 500.000 căn nhà, khoảng 8.000 trường học và gây thiệt hại hàng tỷ USD cho nền kinh tế vốn chỉ phụ thuộc chủ yếu vào du lịch này.

Cũng theo báo cáo của Swiss Re, ít nhất 26.000 người đã thiệt mạng trong các thảm họa xảy ra năm nay, bao gồm cả những người di cư thiệt mạng trong hành trình tìm đến miền đất hứa châu Âu. Con số này nhiều hơn gấp đôi con số thiệt mạng năm 2014 là khoảng 11.000 người.



Đất thải từ khu công nghiệp được trữ trái phép và quá tải đã biến thành bùn và tràn ra ngoài sau trận mưa lớn gây nên thảm họa lở đất kinh hoàng ngày 20/12 vừa qua

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu

Theo một báo cáo khác của Liên Hiệp Quốc công bố tháng 11 vừa qua, tần suất các thảm họa thiên nhiên đang tăng lên. Trung bình có khoảng 335 thảm họa thiên nhiên mỗi năm trong vòng hai thập kỷ qua, tăng 14% so với thập kỷ trước và gần gấp đôi con số ghi nhận được trong giai đoạn 1985 - 1994.

Báo cáo cho biết thêm có những bằng chứng mạnh mẽ rằng việc khí hậu ấm lên đã tạo ra các đợt nóng khắc nghiệt hơn và thường xuyên hơn, tạo ra mưa lớn hơn, làm trầm trọng thêm tình trạng lũ lụt và hạn hán.

Còn theo công bố của Cơ quan Liên hợp quốc về giảm nhẹ rủi ro thảm họa (UNISDR), trong vòng 20 năm qua, thảm họa do thiên tai đã cướp đi sinh mạng của hơn 600 nghìn người và khiến 4,1 tỷ người bị thương, rơi vào cảnh vô gia cư hoặc ở trong tình trạng cần sự hỗ trợ khẩn cấp cũng như gây ra thiệt hại kinh tế hàng ngàn tỉ USD.

Nhà báo Camille Boudin cũng trả lời trên Đài France 3 cho biết riêng tại Pháp, từ nay đến năm 2040 các nhà bảo hiểm sẽ phải chi trả số tiền thiệt hại do thảm họa tự nhiên nhiều gấp đôi, lên đến mức cả trăm tỉ USD.

Con số thiệt hại tổng thể do thảm họa thiên tai như động đất, lũ lụt, hạn hán và lốc xoáy gây ra với nền kinh tế thế giới được tính toán từ 250-300 tỷ USD/năm. Và để bù đắp những thiệt hại do thiên tai gây ra, các quốc gia cần khoản dự phòng lên tới 314 tỷ USD/năm.

Mối đe dọa từ thảm họa công nghiệp

Ngày 20/12 vừa qua, một vụ lở đất nghiêm trọng đã xảy ra tại khu công nghiệp thuộc quận Quang Minh, Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, miền Nam nước này. Tính đến 16 giờ ngày 21/12, Tân Hoa xã đưa tin vẫn còn hơn 90 người mất tích. hơn 30 tòa nhà bị chôn vùi, 400m đường ống dẫn khí đốt tự nhiên thuộc đường ống dẫn khí Tây sang Đông của công ty sản xuất dầu mỏ và khí gas lớn nhất của Trung Quốc bị nổ. 

Đầu tháng 12 cũng đã diễn ra vụ vỡ đập chứa 64 triệu m3 chất thải độc hại tại bang Minas Gerais của Brazil đã làm 60 người chết và mất tích. Bên cạnh cam kết bồi thường 280 triệu USD do đã gây ra vụ vỡ đập, Công ty khoáng sản liên doanh giữa BHP Billiton của Anh và Australia và Brazil (Samaco) bị phạt 30 triệu USD.

Nghiêm trọng nhất năm nay chính là vụ nổ kho hóa chất ở Thiên Tân, đông bắc Trung Quốc, xảy ra ngày 12/8 khiến 161 người thiệt mạng. Các công ty bảo hiểm đã phải chi trả hơn 2 tỉ USD cho thiệt hại nhưng việc tính toán thiệt hại trong thảm họa này cùng những hậu quả trên mọi phương diện vẫn chưa dừng lại.

Hậu quả phát triển nóng

Theo AFP, dẫn tin từ Bộ Đất đai và tài nguyên Trung Quốc cho biết nguyên nhân của thảm họa lở đất gần đây tại Thâm Quyến là do đất thải từ khu công nghiệp được trữ trái phép và quá tải trong các bể chứa cao 100m, đã biến thành bùn và tràn ra ngoài sau trận mưa lớn sáng 20/12.

Reuters dẫn báo Shenzhen Evening Post của chính quyền Thâm Quyến cho biết từ tháng 10 năm ngoái, một quan chức địa phương đã lên tiếng cảnh báo về những bãi chứa bùn đất không an toàn vì thành phố đang xây dựng nhiều tòa nhà mới và hệ thống đường tàu điện ngầm nên phát sinh nhiều bùn đất thải.

“Chúng tôi đến giờ chưa thể có được những báo cáo chi tiết sau khi đánh giá được những thiệt hại do vụ tràn hàng triệu khí thải độc hại ra các lưu vực sông Rico Doce, cũng như quá trình phục hồi môi trường ở khắp lưu vực. Tôi nghĩ rằng, cần phải tới gần tỷ USD và hàng chục năm mới có thể xử lý được những hậu quả của nó”, Bộ trưởng Môi trường Brazil Izabella Teixeira cũng cho biết khi diễn ra vụ vỡ đập tại Minas Gerais.

Sau vụ nổ tại Thiên Tân cũng đã có ý kiến phê phán chính quyền thành phố này do chạy theo chỉ số phát triển nóng (chỉ tiêu tăng GDP 9,4% cho năm 2015), trong đó khu Tân Hải (nơi xảy ra thảm họa) là mũi nhọn đóng góp 55% cho GDP toàn thành phố nên đã nhắm mắt làm bừa, cho phép công ty tư nhân đặt nhà kho và lưu giữ các hàng hóa nguy hiểm ở kho thông thường nằm gần khu dân cư và đường cao tốc.

Trước đó, ngay sau khi xảy ra trận lở đất nghiêm trọng tại tây bắc Trung Quốc tháng 8 năm 2010, một số nhà quan sát đã lo ngại rằng các thảm hoạ tự nhiên trở nên trầm trọng hơn chính vì những nỗ lực quá mức thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vượt bậc ở những khu vực kém phát triển hơn của Trung Quốc.

Một nghiên cứu năm 2006 của các học giả Đại học Lan Châu tại thủ phủ của tỉnh Cam Túc cho thấy, 50 năm với các hoạt động của con người gồm làm nông, đốn gỗ, khai mỏ, xây dựng đường sá, xây dựng đập thuỷ điện... đồng nghĩa với việc "những bất ổn ở sườn dốc, tuyết lở, đất lở, dòng bùn đất ngày càng trở nên thường xuyên hơn".

Cân bằng giữa phát triển và bảo vệ môi trường

Nhà kinh tế gia trưởng của Swiss Re là Kurt Karl đã nhận định, năm 2015 là một năm có quá nhiều biến cố, thiên tai cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, song phần lớn đã không được chi trả vì đã không mua bảo hiểm.

“Tác động kinh tế tổng thể của những thảm họa này vô cùng nặng nề ở những khu vực bị ảnh hưởng. Thường những vùng này khó khăn và có mức độ tiếp cận bảo hiểm thấp”, nhà kinh tế Kurt Karl cho biết.

Thảm họa thiên tai đã trở thành vấn đề có tính toàn cầu. Và dù thiệt hại do các thảm họa thiên nhiên vẫn chiếm phần lớn nhưng không thể bác bỏ rằng những tai nạn công nghiệp đang ngày càng nghiêm trọng và để lại hậu quả vô cùng khó khăn để khắc phục.

Hiện nay, nhiều quốc gia vẫn lơ là công tác ngăn ngừa thiên tai, dẫn đến hậu quả là người dân, hạ tầng cơ sở và nền kinh tế dễ bị tổn thương trước những thảm họa. Theo các nhà khoa học, đầu tư vào việc giảm bớt nguy cơ xảy ra thiên tai tuy rất tốn kém, song có thể đạt hiệu quả cao. Với khoản đầu tư 6 tỷ USD mỗi năm dành cho các biện pháp giảm thiểu thiên tai, thế giới có thể tránh được thiệt hại lên tới 360 tỷ USD trong vòng 15 năm tới. 

Có thể nói đã đến lúc các nhà hoạch định chính sách cũng như cộng đồng quốc tế phải tính toán đến sự cân bằng giữa các mục tiêu phát triển kinh tế và việc bảo vệ môi trường, chống lại biến đổi khí hậu. Và “cuộc chiến” ngăn chặn thảm họa thiên tai đòi hỏi thế giới phải có thêm những bước đi tích cực và thực chất hơn nữa.

An Bình (Tổng hợp)

NỔI BẬT TRANG CHỦ