(Toquoc)- Trước thực trạng tồn tại nhiều vấn đề trong việc dạy và học văn, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức Hội nghị khoa học “Nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu văn học trong các Trường, khoa Sư phạm” tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
(Toquoc)- Trước thực trạng tồn tại nhiều vấn đề trong việc dạy và học văn, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức Hội nghị khoa học “Nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu văn học trong các Trường, khoa Sư phạm” tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Để góp thêm ý kiến cho Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện, người có nhiều năm làm công tác nghiên cứu lý luận văn học, đã và đang tham gia đào tạo người học Văn, với tư cách là giảng viên thỉnh giảng ở nhiều trường đại học có đào tạo về chuyên ngành văn học đã tham gia Hội nghị với tham luận “Xung quanh việc hướng dẫn người học văn chọn đề tài khóa luận tốt nghiệp, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của ông.
XUNG QUANH VIỆC HƯỚNG DẪN NGƯỜI HỌC VĂN CHỌN ĐỀ TÀI KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP, LUẬN VĂN THẠC SĨ, LUẬN ÁN TIẾN SĨ
I. Thực trạng đào tạo Đại học, sau Đại học ngành Văn những năm gần đây
1. Lâu nay tôi làm công tác nghiên cứu lý luận văn học là chính; 25 năm gần đây có tham gia đào tạo người học Văn, với tư cách là giảng viên thỉnh giảng (lên lớp giảng dạy, hướng dẫn khoa học, chấm ở các Hội đồng đánh giá Luận văn, Luận án hoặc Phản biện độc lập Luận án) tại một số cơ sở đào tạo Đại học và Sau Đại học như: Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, Viện Văn học rồi Học viện khoa học xã hội và nhân văn…
Tôi vui mừng nhận thấy những kết quả đào tạo người học Văn ở các học vị: cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ như báo cáo của các cơ sở đào tạo đã trình bày, trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng đã đề cập, là rất khả quan, đáng ghi nhận về những thành tựu cơ bản, những phương diện chủ yếu.
Tuy nhiên sự phát triển tăng tốc về số lượng người học và tốt nghiệp ở các cấp không thật tương xứng và chất lượng đào tạo được mong đợi, đã là một con số quá lớn, khiến dư luận xã hội và những người quan tâm không khỏi lo ngại.
2. Thực chất đáng báo động về chất lượng đào tạo suy giảm ở các khâu
a. Tuyển sinh (đầu vào)
Vào trường học văn hoặc học để nâng cao trình độ văn chương với mục đích ra trường làm giáo viên dạy Văn hoặc làm nghề cầm bút viết báo, viết văn nghiên cứu - phê bình vốn đòi hỏi khắt khe người học phải có năng khiếu, tư chất của người hành nghề lâu dài bằng văn chương.
Rất tiếc, quan sát những người học văn chương tôi cho rằng không dưới 50% số người về tư chất hành nghề còn yếu. Họ không có hứng thú và niềm say mê văn chương, họ lười học, lười đọc văn chương và các công trình nghiên cứu; năng lực tư duy và cảm thụ văn chương mờ nhạt, nông cạn; nghèo nàn khi diễn đạt bằng lời nói, ngôn từ các vấn đề về học thuật văn chương.
Những người này đi học văn chỉ là để kiếm cái cần câu cơm, kiêm lấy cái bằng để có vị trí trong cơ quan, đơn vị được hưởng lương, chứ không phải học là để hành nghề mà mình tâm đắc suốt đời. Vì vậy, thật đáng buồn và đáng xấu hổ khi những người này học xong ra trường, có học vị hẳn hoi mà nói và viết còn sai chính tả, viết văn không chuẩn về ngữ pháp, không kiến tạo nổi một văn bản cho ra hồn (đơn từ, báo cáo, bài báo…). Họ, như cách nói của dân gian là tuy được đi học mà học xong Thày không ra Thày, thợ không ra thợ, đáng gọi là “không sạch nước cản”.
b. Chọn đề tài nghiên cứu tùy tiện, không theo quy hoạch chặt chẽ
Khóa luận, Luận văn, Luận án là những công trình nghiên cứu khoa học ở các cấp độ với yêu cầu chất lượng khoa học khác nhau, dung lượng khác nhau.
- Khóa luận tốt nghiệp: Là bài nghiên cứu tập sự khoảng vài chục trang, người học vận dụng những kiến thức bậc đại học về lịch sử văn học Việt Nam, lịch sử văn học nước ngoài, lý luận văn học, giáo dục học… để giải quyết một đề tài cụ thể đặt ra từ thực tiễn dạy và học văn theo chương trình Sách giáo khoa hoặc từ thực tiễn đời sống văn học Việt Nam đương đại liên quan đến Nhà trường.
Đây là công trình khoa học nội bộ quản lý, có ảnh hưởng hẹp trong phạm vi Nhà trường - cơ sở đào tạo đại học. Hiện nay có trường 40% sinh viên được chọn làm Khóa luận tốt nghiệp. Tôi nghĩ cần xem lại tỉ lệ này có quá cao không, có phù hợp với thời gian và trình độ của sinh viên không. Nên chăng, tỉ lệ này chỉ 20% là vừa.
Từ Thạc sĩ hoặc Giảng viên chính trở lên là có thể hướng dẫn sinh viên làm Khóa luận tốt nghiệp.
- Luận văn cao học: Là công trình khoa học cấp đầu tiên của bậc Sau Đại học, có ảnh hưởng trong phạm vi quốc gia, không được trùng lặp về đề tài giữa các cơ sở đào tạo trong toàn quốc.
Tên đề tài Luận văn lẽ ra phải tuân thủ nghiêm nhặt quy định là phải được cập nhật trên trang mạng của cơ sở đào tạo.
Thế nhưng, hiện nay tình trạng trùng lặp đề tài Luận văn là phổ biến, do không giám sát kiểm tra về việc đưa thông tin về đề tài Luận văn lên mạng, do không bắt buộc Luận văn phải có mục “Lịch sử vấn đề nghiên cứu”.
Phần Thư mục tham khảo ở cuối Luận văn đa phần rơi vào tình trạng trình bày không đúng chuẩn mực quy định về miêu tả mục từ, có người không đích thân đọc tham khảo các tài liệu để ghi vào Thư mực này mà chỉ chép lại (có khi vẫn sai) từ Thư mục tham khảo của người khác đã bảo vệ có đề tài gần gũi với đề tài của mình.
Ở những học viên thiếu bản lĩnh tư duy độc lập nghiên cứu, Luận văn thường ít đề xuất những luận điểm mới, thiên về tổng thuật những ý kiến đã có trước bàn về phạm vi rộng ít nhiều liên quan đến đề tài của mình, thuật lại nội dung tác phẩm rồi trích dẫn chứng minh. Có tình trạng đua nhau đổ xô vào việc chọn một vài tác giả có tên tuổi, được dư luận chú ý, chọn triển khai một vài vấn đề lý luận đang là mốt như: thi pháp học, tự sự học, nghiên cứu văn học dưới góc độ văn hóa, góc độ thể loại, hậu hiện đại, hậu thực dân, sinh thái học, diễn ngôn v.v… mà người học vẫn không nắm chắc được cơ sở của các lý thuyết đó.
Do thời gian làm Luận văn chỉ trên dưới 1 năm nên học viên ít chọn những đề tài thuần lý luận hoặc tổng hợp vấn đề của một khuynh hướng, một khía cạnh lý luận từ trong một trào lưu, một sự nghiệp văn chương của tác giả lớn.
- Luận án Tiến sĩ:
Đã xuất hiện tình trạng cạn kiệt, nhàm chán trong chọn đề tài thuộc các khu vực văn học: văn học dân gian, văn học trung cận đại, văn học Việt Nam hiện đại trước 1945. Bởi một số vấn đề về tác giả, tác phẩm, trào lưu của các khu vực văn học này qua mấy chục năm đã được các Luận án trước đó triển khai thực hiện khá nhiều rồi.
Tuy nhiên, khi đi vào những khu vực ít nhiều còn trống vắng như: văn học miền Nam 1954-1975 (vùng đô thị, vùng giải phóng); văn học Việt Nam ở nước ngoài (từ đầu thế kỷ XX đến nay); văn học đương đại (sau 1975, thời đổi mới); một số vấn đề lý luận văn học để hội nhập với thế giới… thì trong khi triển khai viết Luận án, bước đầu đã khó tránh được những bất cập, do phương pháp tiếp cận nghiên cứu chưa phù hợp; mục đích nghiên cứu không chính danh, tư tưởng học thuật không rõ ràng rành mạch phân biệt đúng / sai; hay / dở; văn hóa / thô tục (về thơ đương đại với nhóm Mở miệng, thơ tân hình thức, thơ Thanh Tâm Tuyền, Du Tử Lê, văn nghiệp Võ Phiến, truyện ngắn Đỗ Hoàng Diệu…)
Rất ít Luận án đề cập đến các vấn đề lý luận, phê bình văn học Việt Nam hiện đại trong sự đối thoại với lý luận văn nghệ từ truyền thống và từ nước ngoài. Phải chăng bởi lực lượng cán bộ hướng dẫn Luận án chuyên sâu về khu vực này còn mỏng. Vả lại, tài liệu Lý luận văn học nước ngoài vào đến ta còn ít ỏi, chưa được tổ chức dịch thuật bài bản, trong khi trình độ ngoại ngữ của người hướng dẫn, người học còn bị nhiều giới hạn.
II. Kiến nghị đổi mới chọn đề tài và hướng dẫn thực hiện đề tài
1. Cần xem xét lại chỉ tiêu tỉ lệ chọn đầu vào người học cao học, nghiên cứu sinh văn học, theo Quy chế tuyển chọn chặt chẽ, có bổ sung để thu hút người học có đủ điều kiện, phẩm chất và tư chất học Văn (theo kết quả học tập ở cấp trước đó, năng lực thực hành viết qua các bài báo khoa học; trình độ tin học và ngoại ngữ; thâm niên công tác tối thiểu sau tốt nghiệp Đại học…).
Không thu hút người học tràn lan, biến quá trình đào tạo thành dịch vụ đào tạo như hiện nay.
2. Kiện toàn bộ máy tuyển sinh. Tuyển lựa người học trên cơ sở tích hợp tiêu chí: Điểm xét chọn Hồ sơ đáp ứng yêu cầu (không cho nợ các khoản mục phải có ngay khi nhập học như: bài báo, trình độ ngoại ngữ, tin học) + điểm thi viết bài tự luận + Điểm trình bày Đề cương Luận văn, Luận án.
Để làm Đề cương Luận văn, Luận án, học viên có quyền đề nghị lựa chọn người hướng dẫn mình thuộc cơ sở đào tạo dự tuyển hay ngoài cơ sở đào tạo.
Hội đồng chấm tuyển sinh (Hồ sơ + Bài thi tự luận + Đề cương) do Thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định thành lập, trong đó giữ đúng tỉ lệ số thành viên Hội đồng là người ngoài cơ sở đào tạo được mời tham gia để đảm bảo khách quan, khoa học.
3. Các cơ sở đào tạo phải quản lý chặt chẽ, có bổ sung, rà soát hàng năm Ngân hàng đề tài Luận văn, Luận án dựa trên:
- Các Dự án, Đề tài, Chương trình nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Nhà trường thuộc chuyên ngành đang hoặc sẽ được cơ sở đào tạo triển khai.
- Các giáo trình, sách chuyên luận, Từ điển thuật ngữ do cán bộ Nhà trường hoặc cán bộ thỉnh giảng đã hoặc mới xuất bản.
- Danh sách các tác giả, tác phẩm đoạt Giải thưởng văn học nghệ thuật, Giải thưởng khoa học và công nghệ (giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh), Giải thưởng Bộ, Ban, ngành, Nhà trường; giải thưởng khu vực, quốc tế và giải thưởng đặc biệt khác.
- Bản đăng ký tên đề tài Luận văn, Luận án của các nhà khoa học trong Trường và ngoài Trường được mời hướng dẫn khoa học hàng năm hoặc theo niên khóa.
Trước khi duyệt chấm bảo vệ Đề cương, người học và người hướng dẫn phải truy cập mạng để tránh trùng lặp tên đề tài hoặc khía cạnh tương tự với đề tài sẽ triển khai.
4. Thống nhất quy cách trình bày Đề cương, văn bản Luận văn, Luận án
- Phải thống nhất ghi tên chuyên ngành với mã số và tên ngành học.
Hiện tên ngành học chưa thống nhất.
- Thống nhất quy cách trình bày các phần, chương, mục, tiểu mục của Luận văn, Luận án [Chú ý: Lời cam đoan; Lịch sử vấn đề nghiên cứu; Tổng quan vấn đề nghiên cứu, Đóng góp mới của Luận văn, Luận án; Tiểu kết từng chương; Danh mục tài liệu tham khảo; số trang của Luận văn, Luận án; Phụ lục (nếu có)].
5. Chọn đúng, có sức thuyết phục người hướng dẫn Luận văn, Luận án
- Người hướng dẫn phải là chuyên gia thuộc đúng chuyên ngành của đề tài Luận văn, Luận án như Quy định.
Người hướng dẫn phải có những bài báo, công trình liên quan ít nhiều đến đề tài của Luận văn, Luận án đã được công bố trên sách, báo, Kỷ yếu Hội thảo khoa học.
- Người hướng dẫn chỉ được phép hướng dẫn học viên cao học, nghiên cứu sinh theo đúng chỉ tiêu quy định để đảm bảo chất lượng và thời gian đào tạo.
6. Việc thành lập Hội đồng chấm Luận văn, Luận án
- Chống móc ngoặc, “đi đêm” trong việc thành lập Hội đồng chấm Luận văn, Luận án, mời người phản biện độc lập Luận án.
Người tham gia Hội đồng chấm phải đúng chuyên ngành; đảm bảo tỉ lệ người chấm ngoài cơ sở đào tạo như Quy định hiện hành.
- Các thành viên của Hội đồng chấm, dù ở cương vị nào cũng phải có nhận xét bằng văn bản về Luận văn, Luận án, ghi rõ ý kiến kết luận của mình về tán thành hay không tán thành học viên được nhận học vị.
- Nên khôi phục việc cho điểm đối với Luận án Tiến sĩ theo những khía cạnh của tiêu chí khoa học mà Luận án đã đạt được. Điểm tối đa là 20/20.
- Sau khi bảo vệ Luận văn, Luận án; tuy học viên được Hội đồng tán thành trao học vị, nhưng học viên vẫn phải chỉnh sửa hoàn thiện Luận văn, Luận án như ý kiến kết luận của Hội đồng. Sau đó học viên làm các thủ tục nộp quyển cho Phòng đào tạo và Thư viện cơ sở đào tạo, chờ xét cấp văn bằng học vị như Quy định.
*
Trên đây là mấy ý kiến đóng góp sơ lược, từ một góc nhìn hẹp của một giảng viên thỉnh giảng, rất mong được quý vị trao đổi nhằm nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành văn học ở bậc Đại học và Sau Đại học (*)
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện