• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nếp sống an lành

Văn hoá 05/01/2024 22:50

(Tổ Quốc) - Đây là chương trình pháp thoại nhân dịp ra mắt cuốn sách "Cách mạng Liệu pháp Thư giãn" do dịch giả Phong Du dịch, thầy Thích Chân Pháp Khâm cùng bác sĩ Phạm Thị Vân Ngọc hiệu đính. Tác phẩm vừa được Phanbook cùng NXB Lao Động liên kết ấn hành ra mắt tối 5/1 tại TP.HCM

Nếp sống an lành - Ảnh 1.

Buối pháp thoại "Nếp sống an lành" tối 5/1 tại TP.HCM

Theo đó, Sư thầy Thích Chân Pháp Khâm là đệ tử xuất gia của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Thầy hiện là viện trưởng Viện Phật học ứng dụng Châu Á và là Giám đốc Trung tâm Sức khỏe Thân tâm Thở và Cười tại Hong Kong, Trung Quốc. Năm 2012, Thầy thiết lập Liệu pháp Niệm sinh An lạc: Nếp sống An lành (Mindfulness Born Peace and Happiness: A Way of Wellbeing), ứng dụng chánh niệm và Tâm lý học Phật giáo vào ngành sức khỏe Thân tâm, đặt biệt là lĩnh vực tâm lý trị liệu.

Cuốn sách Cách mạng Liệu pháp Thư giãn do dịch giả Phong Du dịch, thầy Thích Chân Pháp Khâm cùng bác sĩ Phạm Thị Vân Ngọc hiệu đính là tác phẩm vừa mới được Phanbook cùng NXB Lao Động liên kết ấn hành. Đây cũng là tác phẩm đánh dấu lần đầu tiên Phanbook hợp tác cùng Trung tâm Sức khỏe Thân tâm Thở và Cười.

Đến với chương trình "NẾP SỐNG AN LÀNH", thầy Thích Chân Pháp Khâm cùng khách mời là thầy Thích Chân Pháp Nguyện – hai vị thị giả bên cạnh thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ có những chia sẻ về con đường tu tập, cách thức chuyển hóa khổ đau, chữa lành thân và tâm từ phương pháp chánh niệm. Đồng thời giới thiệu nội dung hai tác phẩm Cách mạng Liệu pháp Thư giãn và Cơm sôi nhỏ lửa đến với độc giả.

"Cách mạng Liệu pháp Thư giãn" là tác phẩm vừa trình bày những khám phá khoa học mới nhất, vừa chỉ rõ y học thân tâm có thể được áp dụng – và trên thực tế đang được áp dụng – trong điều trị cho những căn bệnh cụ thể như là cao huyết áp, các chứng đau nhức kinh niên, nhiều dạng ám ảnh, sợ hãi, viêm khớp, trầm cảm và lo âu…

Từ cuốn sách, tác giả giới thiệu người đọc một cách khái quát về hiệu quả chữa lành của y học thân tâm, những đột phá trong lĩnh vực di truyền học, các bằng chứng cho thấy tâm trí có ảnh hưởng và có khả năng chữa lành cho cơ thể. Tác giả cũng trình bày sơ lược lịch sử suy tàn và vươn lên của liệu pháp điều trị bằng tâm trí, đi qua những thành tựu quan trọng của y học thân tâm. Đồng thời, hướng dẫn người đọc đạt được mục tiêu sức khỏe cá nhân hóa thông qua các bước và quy trình đã được chứng minh là hiệu quả. Giải thích chi tiết làm thế nào để chúng ta có thể kích hoạt Phản ứng thư giãn và áp dụng sức mạnh niềm tin - kỳ vọng trong điều trị.

Nếp sống an lành - Ảnh 2.

Cuốn sách "Cách mạng Liệu pháp Thư giãn"

Cùng với đó, tác giả chỉ ra bất cập của cách tiếp cận phổ biến trong nghiên cứu khoa học hiện đại là làm hạn chế sự nhìn nhận các giá trị có thể khai thác từ y học thân tâm, từ đó đưa ra những gợi mở về khả năng kết hợp của y tế và khoa học với tôn giáo và tâm linh nhằm phát huy sức mạnh tổng thể của cơ thể. Đồng thời cũng cho ta thấy được tương lai của cuộc cách mạng thư giãn, khả năng giải quyết của liệu pháp thân tâm trước những thách thức xã hội và y tế mà chúng ta đang phải đối mặt hiện nay.

Dễ dàng nói rằng những đề tài được chia sẻ trong cuốn sách này có lẽ sẽ không bao giờ cũ. Từ ngàn xưa và cho đến ngàn sau, con người luôn khổ đau vì tham sân si, và con đường để chuyển hóa chúng là Bát Chánh Đạo, trong đó chánh niệm đóng vai trò quan trọng trong việc nhận thức được tính vô thường, vô ngã và bất nhị của các hiện tượng trong cuộc sống. Từ đó, chúng ta sẽ có một cái nhìn rõ ràng về tự tánh của thực tại mà vượt qua được thách thức và tạo ra hạnh phúc.

Trong tác phẩm này nhiều mối quan hệ giữa người với người sẽ được nhìn nhận dưới lăng kính Phật giáo, như giữa vợ chồng với nhau, giữa cha mẹ với con cái, giữa bạn bè đồng môn… Từ đó đưa ra những lời hướng dẫn về các cách hành xử trong cuộc sống này.

Dẫn lời tác giả: "Đạo Bụt (Phật giáo) là một lối sống của hạnh phúc. Đạo là con đường, Bụt là từ Việt dịch từ chữ Buddha, có nghĩa là người tỉnh thức. Như vậy, đạo Bụt chính là con đường của người tỉnh thức, hay con đường tỉnh thức. Tỉnh thức thì thường là tỉnh thức về một việc gì. ‘Cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê’ là tỉnh thức về cách ứng xử có chừng mực, biết dừng lại. Tỉnh thức cũng được hiểu là tuệ giác. Những tuệ giác như vậy nếu áp dụng được trong cuộc sống hằng ngày sẽ đem lại cho ta nhiều hạnh phúc".

Được biết, thầy Thích Chân Pháp Khâm là đệ tử tại gia của Thiền sư Thích Nhất Hạnh từ năm 1987 và đệ tử xuất gia từ năm 1998, tu học tại các tu viện Làng Mai ở Pháp và Hoa Kỳ. Từ năm 2005, trong vai trò thành viên giáo thọ Làng Mai tại châu Á, thầy Pháp Khâm đã giảng dạy nghệ thuật sống chánh niệm và giúp thành lập các cộng đồng tu tập tại Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines, Hong Kong, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…

Thầy Pháp Khâm hiện là Viện trưởng Viện Phật học Ứng dụng Châu Á và là Giám đốc Trung tâm Sức khỏe Thân tâm Thở và Cười tại Hong Kong. Thầy là người sáng lập chương trình Niệm Sinh An Lạc: Nếp Sống An Lành, đem chánh niệm và tâm lý học Phật giáo vào ngành sức khỏe thân tâm, đặc biệt là về lĩnh vực tâm lý trị liệu.

PV

NỔI BẬT TRANG CHỦ