• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nét đẹp mộc mạc của dòng tranh gốm Việt Nam

07/07/2009 05:49

Chưa bao giờ tranh gốm lại rộ lên như những ngày Hội hiện nay. Đi bất cứ phố nào ở các thành phố lớn cũng đều thấy có cửa hàng bán tranh gốm. Nào là tranh gốm mộc, tranh gốm men. Nào là tranh phẳng, tranh nổi…có loại gần với phù điêu hoặc giống như những dị bản tranh cổ Trung Hoa.

Chưa bao giờ tranh gốm lại rộ lên như những ngày Hội hiện nay. Đi bất cứ phố nào ở các thành phố lớn cũng đều thấy có cửa hàng bán tranh gốm. Nào là tranh gốm mộc, tranh gốm men. Nào là tranh phẳng, tranh nổi…có loại gần với phù điêu hoặc giống như những dị bản tranh cổ Trung Hoa.

Bên cạnh đó, ta cũng có thể thấy xuất hiện nhiều bức tranh gốm sứ hoặc đá. Nghĩa là đủ chủng loại, tạm gộp chúng vào một thể loại gọi chung là tranh gốm. Nhưng thực ra, tranh thì nhiều như vậy, nhưng thị trường lại không mấy sôi động. Khách hàng kỹ tính thường đắn đo vì chất lượng của nhiều bức tranh còn quá đơn giản cùng với chất liệu thô kệch, chế tác vội vàng. Hoặc giả có một số ít khách hàng lắm tiền mua chơi theo phong trào để tỏ ra sành điệu mà thôi.

Nếu khảo sát kỹ những cửa hàng tranh gốm, kể cả ở chợ gốm Bát Tràng mới hay tất cả còn ở mức sơ khai, thiếu hẳn một nền tảng nghệ thuật và kỹ thuật công nghệ cơ bản. Hình tượng không mới lạ, chưa phát huy được cái độc đáo của chất liệu thô ráp từ đất. Bên cạnh đó do kỹ thuật nung hiện vẫn còn thủ công nên đa số bức tranh bị cong vênh và sai lệch tỷ lệ của hình vẽ hoặc hình đắp nổi. Do đó những tác phẩm được treo bán thiếu nét thẩm mỹ tối thiểu. Thoảng hoặc lắm, mới có những bức đẹp, theo nghĩa đúng là tranh gốm thực sự.

Ta có thể khảo sát những cửa hàng tranh gọi là gốm Nhung ở nhiều phố mới thấy rõ sự yếu kém về nhiều mặt so với những yêu cầu của một bức tranh. Cửa hàng nào cũng một màu xám xịt nặng nề. Có bức giữ được màu nâu sậm của đất sét đỏ, nhưng nhiều bức bị nung xém tạo nên cảm giác đen sỉn. Riêng các hình vẽ, hoặc khoét chìm, hay đắp nổi đều thiếu sự rung cảm và đường nét tạo hình cơ bản nên không tạo được vẻ đẹp lạ lùng trên nền đất nung. Những mảng tranh không nhất quán về tạo hình và lại do nhiều tay nghề khác nhau, chủ yếu là thợ trẻ mới học việc, nên ít có tác phẩm có giá trị thực sự. Ngay cả việc xử lý men trong tranh gốm Nhung cũng thiếu sự tươi tắn gợi cảm làm cho khách hàng khó chọn lựa.             

Bên cạnh đó sự ồ ạt của tranh gốm Nhung còn có những họa sĩ khác đã  tìm tòi sáng tạo gần với đời sống hơn và thuyết phục người xem ở nhiều góc độ khác nhau như Phạm Tiến Khang, Nguyễn Thắng, Hoàng Đạt, Nguyễn Văn Chi…

Sự thật việc đưa những họa tiết, tranh gốm của hình khối như bình lọ chum vại lên mặt phẳng không dễ như căng tấm toan rồi phết màu như các họa sĩ tạo hình khác. Đặc điểm của tranh gốm là có khả năng biến động theo nhiệt độ nung và lại có sự độc đáo kỳ ảo từ chất liệu đất và men khác nhau được “hóa” qua lửa. Do vậy cái mới lạ của tranh gốm cần phải được tạo hình gần với đời sống chứ không nên tựa hẳn vào hình khối, gần với điêu khắc, như gốm Nhung đang bày tràn lan.

Ta có thể học ở hoa văn trên men trắng chàm và men Tam thái của gốm Chu Đậu (Hải Dương) cách đây 500 năm. Đó là những tàu lá chuối, nhánh rong, cọng rau muống, bông cúc, bông sen… còn với các hình con vật ta thấy đó là con tôm, con cá bống, con rùa, chim sẻ, chích chòe… Chính những tranh trên khối tròn của gốm Chu Đậu đã tạo nên những nét họa tuyệt vời đánh át gốm nhà Minh một thời. Do những nét vẽ khoáng đạt đầy rung cảm với thiên nhiên sẽ tạo được sự mềm hóa và làm những cốt đất trở nên duyên dáng.

Bên cạnh những bức tranh gốm của Chu Đậu ta còn thấy ở làng nghề Bát Tràng nổi bật với những hình ảnh Tùng, Cúc, Trúc, Mai hoặc các cảnh chợ búa, chùa chiền, núi non, tre, trúc, con sông, cái cầu… Riêng họa tiết gốm Phù Lãng chủ yếu đắp nổi với hình thức trạm bong với các đề tài như tứ linh, nghê, hạc, mặt hổ phù, hoặc chữ Phúc, Thọ, An, Khang… Nhưng đều được lót men vàng da lươn. Tuy vậy chúng không gần với tranh gốm phẳng lắm.         

Những lò gốm ở phía Bắc có nhiều họa tiết, tranh vẽ giản dị  , duyên dáng và tràn đầy hơi  thở đời sống  . Những bức tranh này ít màu sắc đối chọi và rực rỡ với các nhóm tranh Trung Hoa. Đây là vẻ đẹp riêng biệt tạo mỹ cảm sâu lắng thân thương của nền văn minh lúa nước ở ta.

Vậy việc căng tranh gốm trên mặt phẳng cần phải nâng cao và sáng tạo trên cái nền dân gian ấy. Những nhóm hoa văn nhân vật cũng cần phải chọn lọc, như Chú bé thổi sáo trên lưng trâu, Thả diều, ông lão câu cá, Say rượu hoặc Chèo đò… đều cần được gần với nét thủy mặc hơn trên tranh gốm mới tạo được sức lay động thanh thoát trên nền đất. Sức mạnh của hoa văn nhóm động vật hoặc thực vật cần được khai thác cho hết khả năng biểu cảm của từng họa sĩ có tài trên “toan cứng” như đá vậy. Lựu, nho, đào, sóc, bướm, chim, chuồn chuồn, tôm, cua… luôn luôn là mảng đề tài vô tận trong tạo hình tranh gốm.

Xem ra, thị trường  tranh gốm hiện nay còn xa lạ với đời sống tinh thần của khách hàng. Nhiều nghệ nhân, họa sĩ, thợ gốm có khả năng tìm tòi nhưng vẫn còn có khoảng cách so với sự tinh tế của người xem. Thí dụ gần đây một số tranh gốm ở Bát Tràng nhại các tác phẩm nổi tiếng trong nước và quốc tế như Thiếu nữ bên hoa sen, Mùa thu vàng, Hoa hướng dương, Monalisa… Thậm chí nhiều bức tranh gốm còn đưa cả hình thiếu nữ khỏa thân hòng để câu khách. Nhưng thực ra các chất liệu gốm chỉ ẩn chứa được những đường nét thanh thoát bay bổng gợi cảm qua tay bút lông thần diệu đầy tài hoa của nghệ nhân với màu sắc nhẹ nhàng chứ còn các bức tranh như trên đậm đặc màu sắc và những mảng dày sâu có nhiều độ tương phản mạnh khi qua lửa nung chúng sẽ bị biến chất, cứng queo và thô kệch. Cho nên tranh nhái có giỏi mấy về kỹ thuật sao chép thì công nghệ lửa sẽ đốt rụi những cảm xúc người xem.

Tuy vậy, cũng ở Bát Tràng với những bức tranh nổi như phố phái, hoặc tranh vẽ trên men trắng với những Con ong, Cái kiến ,Lá chuối, Hoa cúc  …thì lại có sức hấp dẫn khách hàng.

Thực tế khảo sát thị trường tranh gốm mới hay rằng cái đẹp ở tranh gốm chỉ có sức thuyết phục nhất lại là gần gũi với nét thủy mặc của tranh lụa trên nền men gốm trắng. Đó là cái kỳ lạ trên nền đất nung. Thêm nữa các độc đáo thô ráp của đất cũng đạt được khi các họa sỹ tạo hình khối thanh thoát ấn tượng và ít chi tiết trên nên men gốm hâu hoặc gốm mộc…

Để tránh cái xô bồ về thị trường tranh gốm hiện nay, các họa sỹ, các nghệ nhân và các tay thợ lành nghề cần kỹ tính hơn trong tạo hình và cân đời sống hóa chúng với nét đẹp dân gian. Tạo được hình trên đất nung đã khó nhưng tạo được nhạc điệu trên tranh gốm quả là không thể không tựa vào những cung đàn kỳ ảo trên men gốm bền bỉ, gần gũi với thiên nhiên và đời sống của ông cha ta đã dày công sáng tạo hàng ngàn năm qua.

 Theo HNM

NỔI BẬT TRANG CHỦ