• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer qua Lễ Sen Dolta

26/10/2017 09:25

(Cinet) - Trong khuôn khổ sự kiện “Về với miền Tây qua nét đặc trưng văn hoá Khmer Nam Bộ”, tại Làng dân tộc Khmer đã tổ chức tái hiện lại lễ Sen Dolta, nhằm giới thiệu, quảng bá nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng đến với du khách tham quan.

(Cinet) - Trong khuôn khổ sự kiện “Về với miền Tây qua nét đặc trưng văn hoá Khmer Nam Bộ”, tại Làng dân tộc Khmer đã tổ chức tái hiện lại lễ Sen Dolta, nhằm giới thiệu, quảng bá nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng đến với du khách tham quan.
Các cô gái dân tộc Khmer.



Đời sống văn hóa tinh thần người Khmer 



Khmer là một trong những dân tộc thiểu số với dân số khoảng hơn 1 triệu người. Đồng bào sinh sống tập trung ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu… sống xen kẽ với đồng bào Kinh, Hoa trong các sóc, ấp, phum…



Dân tộc Khmer có nhiều phong tục tập quán và có vốn văn hóa nghệ thuật rất đa dạng và phong phú. Lễ hội là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Khmer vì lễ hội thường gắn với tín ngưỡng dân gian và các lễ nghi tôn giáo. Người Khmer Tây Nam Bộ có khoảng 15 lễ hội thu hút sự tham gia của cả cộng đồng, trong đó có 10 lễ hội có nguồn gốc từ Phật giáo và do các sư sãi tổ chức trong khuôn viên chùa. Lễ hội của người Khmer gồm 2 loại là lễ hội dân tộc và lễ hội tôn giáo. Lễ hội dân tộc là những ngày lễ bắt nguồn từ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cũng như cuộc sống lao động của người dân. Các giá trị văn hóa, phong tục, tập quán được người dân, sư sãi Khmer giữ gìn và phát huy.



Những lễ hội dân tộc lớn trong năm của người Khmer phải kể đến: lễ Vào năm mới (Chôl chnam thmây) - thường tổ chức vào giữa tháng 4 Dương lịch tức đầu tháng Chét của người Khmer, lễ cúng ông bà (Sen Dolta), lễ cúng trăng hay lễ cúng cốm dẹp (Ók om bok). Lễ hội tôn giáo của người Khmer ngày nay đều gắn với Phật giáo Nam tông. Những lễ hội tôn giáo định kỳ hàng năm đó là: Lễ phật đản, lễ đặt cơm vắt, lễ ra hạ, lễ dâng y. Ngoài ra, còn có những ngày lễ không định kỳ như lễ an vị tượng Phật và lễ kết giới.



Lễ hội là một sự kiện văn hóa được tổ chức nhằm đẩy mạnh tinh thần đoàn kết, giao lưu văn hóa, nghệ thuật, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Khmer; tạo điều kiện cho các nghệ nhân, diễn viên quần chúng gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở... Thông qua các hoạt động của lễ hội nhằm tôn vinh, quảng bá, giới thiệu giá trị văn hóa của đồng bào Khmer với đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế.



Nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer qua Lễ Sen Dolta



Trong chuỗi sự kiện “Về với miền Tây qua nét đặc trưng văn hoá Khmer Nam Bộ”, đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, du khách đã được tham dự các chương trình dân ca dân vũ đặc sắc của các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam, các em sinh viên Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Bên cạnh đó, khi đến với Làng trong tháng 10 này, du khách cũng đã được hòa mình và các nghi lễ đặc trưng mang đậm nét văn hóa truyền thống của từng dân tộc như: Lễ Dâng y, Lễ Sen Dolta của đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng.

Đồng bào thỉnh lễ tại Chùa.



Về sinh hoạt tại Làng, em Lâm Thị Si Lên, dân tộc Khmer (tỉnh Sóc Trăng) xúc động chia sẻ: Em rất vui vì được giới thiệu nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình tới người dân Thủ đô. Lễ Sen Dolta là một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của người Khmer, còn được gọi là lễ cúng ông bà. Lễ có ý nghĩa giống với lễ Vu Lan của người Việt nên còn được gọi là lễ "Xá tội vong nhân"… Lễ được tổ chức 03 ngày 29,30 tháng Phah trô bót (tháng 10) và mùng 1 tháng A sooch (tháng 11) âm lịch Khmer nhằm tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên và cha mẹ đã khuất. Tập trung bà con thân thuộc, bạn bè trong phum, sóc để biếu bánh quần áo, bánh trái cho những người có công ơn còn sống và làm lễ cầu siêu cho người quá cố. Qua đó, đoàn kết giữa bà con thân thuộc, bạn bè trong phum, sóc. Tổ chức liên hoan văn nghệ với bạn bè hàng xóm thể hiện sự gắn bó thân thích giúp đỡ nhau cùng phát triển. Sen Dolta thường được tổ chức vào ngày với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục, tập quán diễn ra đan xen với nhau ở tại nhà và cả chùa.



Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, đồng bào dân tộc Khmer đã tái hiện lại một phần nghi thức trong lễ sen Dolta là: Bun Phchum bin (Họp mặt): Gia đình Khmer đi chùa cúng cơm cho sư sãi làm lễ cầu siêu cho ông bà mà người Khmer gọi là Dar. Các sư tụng kinh cầu siêu mời ông bà về chứng kiến, sau đó người thâm đưa ông bà trở về nhà mình; Chun Đôn ta (Tiễn ông bà): Lễ vật quan trọng không thể thiếu là thuyền bẹ chuối. Người Khmer dọn thức ăn, thức uống khấn 03 lần. Sau khi khấn gắp thức ăn và rót thức uống vào thuyền bẹ chuối được trang trí cờ phướn rực rỡ. Ngoài ra còn có túi gạo, mè, đậu, tiền bạc… đặt vào thuyền tiễn ông bà về nơi cũ để dành ăn lâu.

Gia chủ thỉnh các sư về làm lễ tại nhà.



Tại không gian nhà sàn Khmer bày sẵn 2 mâm cơm tại vị trí giữa nhà để làm lễ dâng ông bà tổ tiên và 2 mâm cơm tại gian trưng bày hiện vật để dâng cơm cho sư tất cả các thành viên của Làng dân tộc Khmer sẽ tập trung tại chùa Khmer để nghe các sư tụng Kinh cầu phước, cầu an. Sau khi tụng kinh xong, gia chủ sẽ thỉnh các sư từ chùa về nhà mình để cùng làm lễ Sen Dolta. Theo đó, các sư sẽ đi trước và gia chủ theo sau cùng các thành viên trong gia đình và khách mời. Khi mọi người đến cổng, dàn ngũ âm bát đầu tấu lên như một lời chào mừng mọi người trở về.



Gia đình Khmer đi chùa cúng cơm cho sư sãi làm lễ cầu siêu cho ông bà mà người Khmer gọi là Dar. Các sư tụng kinh cầu siêu mời ông bà về chứng kiến, sau đó người thân đưa ông bà trở về nhà mình. Đoàn rước gồm có các sư Nam tông (11 vị), 01 Achard, gia chủ nhà Khmer,các nghệ nhân Khmer, đại biểu, du khách…thỉnh mời ông bà về nhà của gia chủ Khmer. Theo đó, vị Achard và gia chủ sẽ bắt đầu cúng dâng cơm cho ông bà tổ tiên. Bên cạnh mâm cơm sẽ là chiếc ghe nhỏ làm bằng bẹ chuối, bên trong là một ít gạo, một ít muối…

Sau khi làm lễ xong, gia chủ thả ghe đưa ông bà tổ tiên về cội nguồn.



Vị Achard sẽ là người đọc lời khấn: “Đưa ông bà tổ tiên về cội nguồn, có thuyền, có cờ cắm hai bên đầu ghe, sau đó đặt cơm, gạo, muối, tiền vào ghe đem thả trôi theo dòng nước. Thứ nhất xin phù hộ làm ăn phát đạt; thứ hai xin cho cả nhà được sống lâu sống khỏe, yên vui; thứ ba xin cho cả làng vui vẻ và anh em sum họp một nhà”.



Sau khi cúng mời ông bà tổ tiên xong, chủ nhà cùng vị Achard sẽ sang tụng kinh để dâng cơm cho Sư. Dâng cơm cho Sư xong, ngũ âm xướng lên báo hiệu phần lễ kết thúc. Sau đó sẽ là các tiết mục đặc sắc do các nghệ nhân dân tộc Khmer thể hiện. Sau khi phần lễ kết thúc, mọi người cùng di chuyển ra khu vực không gian điểm nhấn tại cầu kiều để thưởng thức các tiết mục văn nghệ do các nghệ nhân làng dân tộc Khmer thể hiện.

Biểu diễn văn nghệ dân tộc Khmer.



Không chỉ tái hiện lại các lễ hội truyền thống của các dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại đây, đến Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trong tháng 10, du khách đã được tham gia vào Lễ Dâng y - Một trong những lễ lớn và quan trọng nhất của hệ phái Phật giáo Nguyên thủy.



Việc tổ chức các nghi lễ của đồng bào Khmer tại Làng là một trong những hoạt động nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần bảo tồn, tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch đến với Làng – Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Ban Quản lý Khu các làng dân tộc Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam chia sẻ.



Lan Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ