• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nếu không tháo gỡ nút thắt thì việc hỗ trợ doanh nghiệp chỉ là khẩu hiệu

Kinh tế 23/05/2017 21:13

(Tổ Quốc) -Chiều 23/5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Một trong những điểm mới trong Dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này là Luật được thiết kế theo luật khung, đưa ra những quy định khung và nguyên tắc để làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết. Dự thảo Luật cũng đã tiếp thu, bỏ các quy định liên quan có thể dẫn tới mâu thuẫn, chồng chéo hoặc phải sửa đổi, bổ sung các luật khác.

ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền chia sẻ quan điểm về Luật hỗ trợ DNNVV  (Ảnh: Nam Nguyễn)

Vì vậy, dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua lần này đã rút gọn chỉ còn 4 chương, 36 điều (giảm 3 chương và 9 điều so với dự thảo đã được cho ý kiến).

Thảo luận tại hội trường liên quan đến quy định các nội dung hỗ trợ của dự án Luật hỗ trợ DNNVV gồm: hỗ trợ tiếp cận vốn từ các ngân hàng, thuế, thuê mặt bằng sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp, đào tạo, thông tin, tư vấn, pháp lý…, ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định tại điều 9 không có gì ưu đãi hơn quy định hiện hành.

Cụ thể, chính sách bảo lãnh tín dụng không khả thi trên thực tế, thậm chí phức tạp hơn việc “gõ cửa” các tổ chức tín dụng bởi có rất nhiều quy định, rất nhiều yêu cầu làm khó doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các quy định về mức hỗ trợ thuế suất nêu còn rất chung chung.

ĐBQH Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) cho rằng thực tế, quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động cầm chừng. Nguyên nhân do yêu cầu phải có tài sản bảo đảm nên nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được.

“Ngoài ra, việc tiếp cận mặt bằng của doanh nghiệp khá khó khăn. Thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà. Nếu không tháo gỡ được những nút thắt này thì việc hỗ trợ doanh nghiệp chỉ là khẩu hiệu”, bà Hoa nhấn mạnh.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) cho biết, Luật hỗ trợ DNNVV được Quốc hội quan tâm và đưa ra Nghị trường là vấn đề hết sức cần thiết cho quá trình phát triển của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, điều mà đại biểu này quan tâm là làm thế nào để những hỗ trợ cho doanh nghiệp đi vào thực tế, cụ thể và phù hợp với các điều kiện phát triển của từng địa phương. Các chính sách hỗ trợ tín dụng phải tới được từng đối tượng, từng ngành nghề và phù hợp với từng giai đoạn.

“Đối với chính sách về thuế, doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi nếu có điều kiện hỗ trợ về thuế thì sẽ có những cơ hội để phát triển hơn nữa. Hay về mặt bằng sản xuất, tôi thấy rằng, trong dự án Luật hỗ trợ DNNVV có quy định căn cứ quỹ đất và điều kiện cụ thể của từng địa phương… từ đó có cơ chế hỗ trợ mặt bằng sản xuất cho các đơn vị, doanh nghiêp. Đây sẽ là những hỗ trợ vô cùng thiết thực đối với doanh nghiệp”, ông Nguyễn Thanh Hiền phát biểu.

Tuy nhiên, vị ĐB này cũng bày tỏ băn khoăn rằng, Luật này nếu được Quốc hội thông qua sẽ chính thức được áp dụng vào tháng 1/2017, nhưng trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều các bộ luật khác cần phải sửa đổi, điều chỉnh và có các hướng dẫn của chính phủ và bộ ngành có liên quan. Do đó trong quá trình xây dựng Luật hỗ trợ DNNVV, các văn bản dưới luật cũng cần thiết phải được ban hành – lúc đó việc hỗ trợ doanh nghiệp mới có tính khả thi và thiết thực./.

Hà Giang

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ