• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nếu một thành viên NATO bị Nga tấn công, nước nào sẵn sàng dùng vũ lực giải cứu?

Thế giới 10/02/2020 10:34

(Tổ Quốc) - Tờ Financial Times đăng tải, niềm tin của người dân vào Mỹ và các nước dẫn đầu EU đã sụt giảm mạnh mẽ kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền.

Theo một cuộc khảo sát ý kiến do Trung tâm Nghiên cứu Pew tiến hành, tỷ lệ người trả lời có lập trường ủng hộ cho NATO đã giảm ít nhất là 10% tại các nước Mỹ, Pháp và Đức trong khoảng thời gian từ 2017 – 2019. Kết quả này được công bố trước thềm Hội nghị An ninh Munich dự kiến diễn ra trong tuần này. Kéo dài 3 ngày, đây là một hội nghị thường niên quy tụ các nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu quốc phòng, giới ngoại giao và điệp viên đến từ nhiều nước khác nhau. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ý nghĩa và tầm quan trọng của hội nghị đã phần nào bị che phủ bởi những căng thẳng ngày càng gia tăng trong mối quan hệ xuyên đại tây dương.

Nếu một thành viên NATO bị Nga tấn công, nước nào sẵn sàng dùng vũ lực giải cứu? - Ảnh 1.

Quanh cảnh một cuộc họp NATO diễn ra tại London, Anh (ảnh: getty image)

Chính sách "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump và sự thiếu tin tưởng trong chính nội khối đã khiến niềm tin của người dân vào liên minh quân sự sụt giảm. Tổng thống Mỹ từng gọi NATO là "lỗi thời" và liên tục chỉ trích các nước châu Âu vì không đáp ứng được cam kết dành ít nhất 2% GDP cho ngân sách quốc phòng. Ông Trump cũng "bỏ qua" các đồng minh trong chiến lược tại Trung Đông khi quyết định đưa quân Mỹ rời khỏi bắc Syria vào năm ngoài, cũng như ra lệnh ám sát tướng lĩnh hàng đầu của Iran là Quasem Soleimani đầu năm nay.

Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một nguyên nhân gây chia rẽ trong NATO, đặc biệt với chiến dịch quân sự đơn phương nhằm vào Syria vừa qua. Nằm một phần trong những phản ứng trước sáng kiến của Ankara, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố NATO đang trong tình trạng "chết não". Lời kêu gọi của nhà lãnh đạo Pháp về việc không nên coi Nga là một kẻ thù cũng đã làm dấy lên các phản đối từ Ba Lan và các nước vùng Baltic.

Nghiên cứu của Pew chỉ ra, 53% người trả lời tại 16 nước thành viên ủng hộ NATO và chỉ 27% phản đối. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ năm 2017 – 2019, tỷ lệ người ủng hộ đã giảm từ 62 xuống 52% tại Mỹ, từ 60 xuống 49% tại Pháp và từ 67 xuống 57% tại Đức.

Tại Anh nơi vai trò của NATO được đánh giá là quan trọng hơn trong bối cảnh Brexit, tỷ lệ ủng hộ NATO lại tăng từ 62 lên 65%.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy sự không thống nhất trong ý kiến người dân châu Âu đối với Điều 5 trong hiệp ước NATO (quy định một cuộc tấn công chống lại một nước thành viên được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả các thành viên). Khi được hỏi liệu một quốc gia của mình có bảo vệ một thành viên NATO trước khả năng bị Nga tấn công, 50% người được hỏi tại 16 nước thành viên đưa ra câu trả lời là "không". Chỉ có 38% trả lời là "có". Tỷ lệ trả lời "không" cao nhất ở Italy (66%), Đức (60%) và Pháp (53%). Chỉ 5 nước là Hà Lan, Mỹ, Canada, Anh và Lithuania có 50% hoặc hơn số người trả lời chọn sử dụng vũ lực trong trường hợp một quốc gia thành viên NATO bị Nga tấn công.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ