• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nếu quá chén vẫn lái xe khác nào những "cái bẫy tính mạng" không chừa bất kỳ ai?

Văn hoá 10/05/2019 08:27

(Tổ Quốc) - Liên tiếp những vụ tai nạn thương tâm xảy ra, cướp đi tính mạng đều xuất phát từ những người quá chén vẫn vô tư cầm lái tham gia giao thông. Nếu không ngăn chặn tình trạng này thì tính mạng của mỗi chúng ta mỗi ngày lao ra đường mưu sinh đều có nguy cơ trở thành nạn nhân không báo trước, đều có thể trở thành nạn nhân của những anh hùng xa lộ quá chén.

Có một điều rất kỳ lạ, trong những bữa cỗ, dù là hiếu hay hỉ từ mấy mươi năm trước và cho đến tận bây giờ, lúc nào cũng có cảnh chúc tụng và ép nhau uống rượu, bia. Cái quan niệm "nam vô tửu như kỳ vô phong" từ thời xa xưa để nói về chí khí của nam nhi ngày xưa giờ đã thực sự lỗi thời, không còn phù hợp nhưng dường như vẫn là cái cớ để các đấng mày râu chuốc rượu cho nhau.

Nào phải mấy chục năm trước khi miếng ăn còn thiếu thốn, người ta hân hoan, thậm chí tranh thủ ăn và uống những dịp cỗ bàn, rồi ngất ngây cắp nách đôi dép và chai rượu đi xiêu vẹo, dật dờ trên đường, nếu có xảy ra tai nạn thì đường vắng, phương tiện giao thông còn thô sơ nên tác hại chưa thực sự lớn. Cho đến tận bây giờ khi cái đói, miếng ăn không còn là gánh nặng của nhiều người nhưng cảnh chúc tụng, ép nhau uống cạn hết chén này đến chén khác vẫn tiếp tục diễn ra.


Nếu quá chén vẫn lái xe khác nào những cái bẫy tính mạng không chừa bất kỳ ai? - Ảnh 1.

Những khẩu hiệu ý nghĩa được cộng đồng mạng truyền cho nhau

Ép nhau uống rượu là một thói quen xấu được bào chữa với hàng tỉ lý do trời ơi đất hỡi như: lâu ngày không gặp nhau, già quá hay trẻ quá so với tuổi, kiếm được nhiều tiền hay ít tiền, sinh con một bề, sinh con có nếp có tẻ… tất tật đều quy ra thưởng và phạt bằng rượu. Người biết uống rượu đã đành nhưng với người không biết uống rượu, sợ rượu dường như lại càng bị ép. Ép cho họ đỏ mặt phừng phừng, nói năng mất kiểm soát, nôn ọe, nằm bẹp dí một chỗ mới thôi... thật là một thói quen ghê sợ, thiếu văn minh và đáng lên án. Không có gì đáng vui vẻ, hả hê khi một cuộc ăn mệt mỏi, hành xác như thế. Nhất là hiện nay, mật độ giao thông đầy đặc, việc gây ra tai nạn cho chính bản thân mình và người khác là điều không khó tránh khỏi, kéo theo những hệ lụy đau buồn.

Rượu bia không có lỗi mà lỗi ở con người khi sử dụng nó quá đà. "Miếng ăn quá khẩu thành tàn" trong trường hợp này đúng vô cùng. Chúng ta có những "đám đông kỳ lạ", họ biết uống nhiều rượu bia có tác hại ra sao nhưng vẫn ép nhau, vẫn cổ vũ mà không ngăn chặn. Thành ra một hành động bất thường của đám đông, lâu dần thành quen và cứ thế mặc nhiên tồn tại và chỉ đến khi xảy ra tác hại mới giật mình và hối tiếc.

Có người đã ví quá chén uống rượu bia rồi tham gia giao thông chẳng khác gì kẻ nghiện ma túy hay ngáo đá. Nhưng so sánh này vừa đúng lại vừa chưa đúng. Đúng bởi hậu quả gây ra khi ma men và ma túy khiến cho người tham gia giao thông không làm chủ được bản thân, có thể làm tổn hại chính bản thân và người khác, gây thiệt hại sức khỏe, kinh tế, thời gian và cả sự mất mát mà không có gì có thể bù đắp hay lấy lại được. Nhưng khác ở chỗ, ma túy và rượu bia khác nhau. Ma túy là một chất cấm, còn rượu thì không. Sử dụng ma túy dù chỉ một ít, dù chỉ là thử cũng là phạm pháp và chưa bao giờ được khuyến khích. Và chỉ những kẻ dễ bị cám dỗ, thành phần bất hảo mới tìm đến ma túy. Nhưng uống rượu là những người tỉnh táo, là những người bình thường, thậm chí không làm nguy hại ai, hoàn toàn biết tác hại của việc quá chén. Và chỉ vì cả nể, thiếu kiên quyết, hoặc không cưỡng lại được sự tung hô, bùi tai rằng rượu chứng tỏ "đẳng cấp", bản lĩnh của bản thân nên đã uống đến say.

Nếu quá chén vẫn lái xe khác nào những cái bẫy tính mạng không chừa bất kỳ ai? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa/ Suckhoedoisong.vn

Còn nhớ trong vụ tai nạn tại hầm Kim Liên, Hà Nội khiến hai phụ nữ tử nạn, có một câu nói rất ám ảnh khi những người quen biết đánh giá tài xế gây tai nạn trước đó là một người tốt. Vậy nhưng chỉ vì uống rượu say rồi vẫn cầm lái xe mà hai mạng người đã phải đánh đổi. Chỉ trong tích tắc rượu bia đã khiến người tốt trở thành kẻ giết người. Chỉ trong tích tắc những đứa trẻ đã không còn mẹ và mái ấm gia đình bị tan đàn xẻ nghé. Chỉ trong tích tắc gây ra tai nạn khi say rượu, vô thức, không phân biệt đúng sai để khi tỉnh lại họ phải ám ảnh, day dứt, ăn năn cả đời về tội lỗi của mình gây ra.

Vậy thì có đáng không khi chỉ vì "chén chú chén anh" rồi cầm lái trong ngật ngưỡng say để trở thành gánh nặng cho bản thân và xã hội?. Bản lĩnh đàn ông hay của một con người nào phải vài ba chén rượu rồi "bốc thơm" nhau lên mà phải biết từ chối, biết đâu là điểm dừng của bản thân. Phải hiểu và tự nhận thức được rằng uống rượu bia say mà tham gia giao thông thì tiềm ẩn nguy cơ tội lỗi, tiếp tay cho tội ác.

Điều đáng nói là ngoài sự thay đổi bản thân cũng cần lắm sự thay đổi căn bản trong ý thức của cộng đồng. "Đám đông kỳ quặc" từng cổ vũ, ép người uống rượu có thấy đáng xấu hổ, có nhận ra mình quá tàn nhẫn trong một suy nghĩ lạc hậu, thiếu văn minh và đầy tính bốc đồng để sửa chữa và dừng lại?. Rất cần những cá nhân đơn lẻ trong đám đông ấy dám dũng cảm đứng lên để từ chối rượu bia, tôn trọng sở thích, nhu cầu, quyết định của bản thân và nói thẳng nếu uống rượu bia rồi lái xe thì không khác gì kẻ giết người.

Lâu nay, nhiều người tham gia giao thông vẫn râm ran câu chuyện rằng dường như người dân sợ cảnh sát giao thông hơn sợ luật. Bởi vậy có hiện tượng, dù ai cũng biết luật giao thông nhưng ít nhiều vẫn cứ vi phạm. Tuy nhiên nếu nhìn thấy cảnh sát giao thông đang chốt ở đâu thì lại răm rắp thực hiện, bởi họ sợ nếu sai thì ngay lập tức sẽ phải nộp phạt, thực thi luật pháp. Bởi vậy, rất nhiều người mong muốn phải có chế tài xử phạt thích đáng, có tính răn đe với những người có nồng độ cồn cao vượt mức cho phép khi tham gia giao thông. Thậm chí ngoài phạt tiền ở mức cao, có thể tước bằng lái xe vĩnh viễn.

Nếu ý thức cá nhân, cộng đồng không thức tỉnh mức độ nguy hiểm của việc uống rượu bia khi tham gia giao thông cùng với luật pháp không nghiêm minh để ngăn chặn tình trạng này thì tính mạng của chúng ta mỗi ngày lao ra đường mưu sinh đều có nguy cơ trở thành nạn nhân không báo trước, đều có thể trở thành nạn nhân của những anh hùng xa lộ quá chén.

Nhị Xuân

NỔI BẬT TRANG CHỦ