• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

New York, Mỹ chật vật với dòng người xin tị nạn 'khổng lồ'

Thế giới 27/10/2022 10:49

(Tổ Quốc) - Kể từ tháng 4 năm nay, đã có tới 17.000 người xin tị nạn tại New York – gây khó khăn cho khả năng an sinh xã hội của thành phố này, theo hãng tin AFP.

Sau một chuyến đi đầy khó khăn từ quê hương Venezuela, Gustavo Mendez đã vượt qua khó khăn ban đầu sau hai tháng ở New York. Anh đã tìm được việc làm và một gia đình bản xứ để có thể sống cùng và đang trên con đường hướng tới một tương lai mới.

Nhưng Gustavo đang là một trong số những người may mắn có một mái nhà và một công việc giữa một thành phố đang vật lộn để có thể bảo đảm chỗ ở cho một lượng lớn người xin tị nạn gần đây. Kể từ tháng 4 năm nay, đã có tới 17.000 người xin tị nạn ở đây và nhiều người trong số họ đang được đưa đến các khu lều trại tạm.

Hàng chục nghìn người di cư Venezuela đã bị chặn lại ở biên giới phía nam trong năm qua, và trong những tháng gần đây, một số bang biên giới do Đảng Cộng hòa lãnh đạo bắt đầu chuyển những người xin tị nạn về phía bắc, đến các thành phố là thành trì của đảng Dân chủ. Vấn đề này đang ngày càng căng thẳng trước cuộc bỏ phiếu giữa kỳ sắp tới.

AA13q3bl.img.jpg

Giường ngủ tại khu lều trại tạm cho người tị nạn ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP.

Chỉ vài tuần trước cuộc bỏ phiếu ngày 8/11 đó, khi các đảng viên Dân chủ và Cộng hòa phải cạnh tranh gay gắt với nhau để giành quyền kiểm soát Quốc hội, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã giới hạn số lượng người xin tị nạn Venezuela được phép nhập cảnh ở mức 24.000 người.

Chương trình hỗ trợ liên bang Mỹ hiện chỉ cho phép một số lượng hạn chế người Venezuela nhập cảnh hợp pháp tại các sân bay của Mỹ. Chính quyền của ông Biden cũng sẽ trục xuất những người tìm cách vượt qua biên giới đất liền, viện dẫn quy tắc y tế khẩn cấp thời Donald Trump về việc từ chối quyền xin tị nạn với lý do phòng dịch Covid-19.

Cơ hội công việc hạn chế

Anh Mendez chưa có giấy tờ để làm việc một cách hợp pháp nhưng đầu bếp kiêm kỹ thuật viên truyền hình này đã may mắn tìm được nguồn thu nhập một tuần sau khi anh đến Mỹ. Anh đã được nhận vào một nhà hàng nhỏ ở Queens, nơi cũng có một xe đồ ăn để bán khi diễn ra các sự kiện thể thao.

"Tôi muốn làm đầu bếp hoặc làm truyền hình, và đó là lý do tôi đến đây", người đàn ông 40 tuổi nói với AFP.

AA13q12Z.img.jpg

Gustavo Mendez đã tìm được một công việc nhỏ trong nhà hàng. Ảnh: AFP.

Anh đang kiếm được từ 800 đến 1.200 USD mỗi tuần, khác xa so với mức 600 USD anh kiếm được hàng tháng ở quê nhà, nơi anh vẫn còn hai đứa con tuổi vị thành niên.

Nhưng có thể nói Mendez là một trong những người tương đối may mắn.

Tìm việc làm có tầm quan trọng đặc biệt đối với những người di cư này và không hề dễ dàng. Những người xin tị nạn thường phải đợi 150 ngày sau khi lần đầu tiên nộp đơn xin tị nạn để có thể đề nghị đi tìm việc làm.

"Kể từ giữa tháng 8, chúng tôi đã ghi nhận sự gia tăng lớn những người xin tị nạn", Jay Alfaro, người quản lý các dịch vụ xã hội tại Nhà thờ Holy Apostles ở Manhattan.

"Câu hỏi thường thấy nhất ở đây là: 'Này, bạn có biết kiếm việc làm ở đâu không?'", ông Jay nói.

Nhà thờ cung cấp thực phẩm, dịch vụ pháp lý, tư vấn nhà ở và hỗ trợ y tế, cũng như đang vận hành một trong những chương trình hỗ trợ lớn nhất như vậy trên toàn nước Mỹ.

Naisary Angulo, người Venezuela, cùng chồng và cô con gái ba tuổi cũng đến nhà thờ để tìm kiếm một bữa ăn ấm áp hiếm có. Sau chuyến hành trình kéo dài 50 ngày, cô gái 29 tuổi và gia đình đã ngủ tại một trong những nơi ở do văn phòng thị trưởng cung cấp

Sự quá tải của New York

New York là thành phố duy nhất trên toàn nước Mỹ có nghĩa vụ phải cung cấp nơi trú ẩn cho bất kỳ ai yêu cầu.

Đối với những người mới nhập cư đã đăng ký, thành phố cũng sẽ tạo điều kiện tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế, các lớp học tiếng Anh và đào tạo kỹ năng, cũng như việc đi học cho trẻ em.

Nhưng nhiều người xin tị nạn nói rằng quá trình để có được quyền tiếp cận công việc hợp pháp rất chậm. Anh Mendez không thể đặt lịch hẹn sớm với cơ quan di trú và lịch hẹn hiện tại đã kéo dài tới năm 2024.

Thị trưởng Eric Adams, người luôn cởi mở về tham vọng tổng thống của mình, đã thúc giục chính phủ liên bang thông qua luật cho phép những người xin tị nạn tìm kiếm việc làm "ngay chứ không cần đến sáu tháng."

Bên cạnh những khu lều trại tạm của thành phố, các nhà chức trách cũng đã tìm được nhiều phòng khách sạn cho những người xin tị nạn.

Tuần trước, New York cũng bắt đầu đưa người tị nạn đến một khu lều khổng lồ được dựng trên đảo Randall ở sông Đông, nơi có thể chứa 500 người đàn ông độc thân.

Ngoài ra còn có các nhiều đàm phán để một tàu du lịch có thể tiếp nhận những người mới đến.

Giải pháp không bền vững

Hiện tại, những người ở tại các nơi tạm trú này không có giới hạn về thời gian lưu trú của họ.

Trong khi đó, Alfaro viện dẫn chi phí thuê nhà cao ngất ngưởng ở thành phố New York, nơi cũng thiếu nhà ở, để giải thích cho sự khó khăn của thành phố.

Theo một nghiên cứu gần đây do hãng tin CNBC công bố, một công nhân kiếm được mức lương tối thiểu ở đây là 15 USD/h sẽ cần phải làm việc 111 giờ một tuần để trả tiền cho một căn hộ một phòng ngủ.

Thị trưởng New York Adams đã coi tình hình hiện tại là "không bền vững" và quan chức phụ trách tài chính của thành phố này là Brad Lander cũng ước tính New York sẽ phải chi từ 500 triệu đến 1 tỷ USD để tạm thời cung cấp chỗ ở cho người tị nạn.

Ông Adams nói rằng tất cả các thành phố của Mỹ nên chia sẻ gánh nặng và New York chưa bao giờ đưa ra "bất kỳ thỏa thuận nào trong việc đảm nhận công việc hỗ trợ hàng nghìn người xin tị nạn".

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ