• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nga "bị át vía" trước siêu tham vọng của Trung Quốc?

Thế giới 19/08/2019 11:05

(Tổ Quốc) - Một trật tự Á-Âu mới đang hiện ra và Bắc Kinh đang ngồi ở ghế lái.

Vào đầu tháng 7, Nga đã bật đèn xanh cho một dự án xây dựng đường cao tốc dài 2.000 km nối biên giới Nga - Kazakhstan với Belarus.

Con đường cao tốc bốn làn sẽ chạy về phía tây từ tỉnh Orenburg, Nga đến Belarus và đi qua một số tỉnh khác của Nga.

Vị trí của đường cao tốc nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án: Belarus là cửa ngõ vào châu Âu, trong khi Kazakhstan - một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ - có chung đường biên giới phía đông với Trung Quốc –nơi cũng có một con đường cao tốc nối 2 nước với nhau.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường BRI với mục tiêu tạo ra một khu vực kinh tế khổng lồ kết nối Trung Quốc với châu Âu bằng đường bộ và đường biển. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, dự án mới trên đánh dấu việc Nga tham gia xây dựng tuyến đường quan trọng đối với kết nối đường bộ của BRI. Theo đó, toàn bộ tuyến đường sẽ dài khoảng 8.500 km và là tuyến đường vận chuyển ngắn nhất từ Trung Quốc đến Tây Âu.

Nga "dấn thân" sâu vào BRI

Đây không phải là bước đột phá đầu tiên của Nga trong việc phát triển các tuyến đường bộ nối liền châu Á và châu Âu. Trong nửa đầu thập niên 2000, Moscow đã vận động các công ty Nhật vận chuyển hàng hóa qua tuyến đường sắt xuyên Siberia dài 9.300 km.

Nhiều công ty đã thử nghiệm tuyến đường này, một phần là kết quả từ quyết định xây dựng nhà máy của Toyota Motor tại Saint Petersburg. Nhưng hiệu quả của nó không thực sự tốt.

Một trong những lý do là do có nhiều rung chấn mạnh làm rung chuyển các đoàn tàu, cả trên các đoạn tàu chạy và cũng như các đoạn kết nối với các chuyến tàu chở hàng khác. Rung động mạnh đến nỗi hàng hóa chịu nhiều hư hại. Hơn nữa, lịch trình kết nối xe lửa ở Nga cũng khá thất thường.

BRI Trung Quoc chau Au AP

Trung Quốc muốn xây dựng một khu vực kinh tế khổng lồ kết nối họ với châu Âu. Ảnh: AP

Ngay cả vào đầu những năm 2000, Trung Quốc cũng không thường xuyên vận chuyển hàng hóa đến châu Âu. Mãi đến năm 2011, dịch vụ "đoàn tàu khép kín" mới được giới thiệu lần đầu tiên theo một sáng kiến do Bạc Hy Lai thúc đẩy, kết nối thành phố Trùng Khánh với Đức qua Kazakhstan, Nga, Belarus và Ba Lan.

Các đoàn tàu này chạy thường xuyên và di chuyển giữa các điểm đến mà không phải liên kết với các đoàn tàu khác và cũng không phải tách toa trên đường đi.

Dịch vụ trên sau này được đổi tên thành China Railway Express và các đoàn tàu như vậy hiện đang di chuyển qua lại nhiều nhà ga ở Trung Quốc - bao gồm Tứ Xuyên và Đại Liên - và châu Âu. Và không bị nhiều lỗi giống như tuyến đường sắt xuyên Siberia, các đoàn tàu Trung Quốc hoạt động trơn tru và được kiểm soát nhiệt độ, cho phép chúng vận chuyển nhiều loại hàng hóa, từ máy tính, ô tô đến đồ dùng hàng ngày.

Công ty giao nhận vận tải hàng hóa quốc tế hàng đầu của Nhật Bản, Nippon Express, cũng đã được cung cấp dịch vụ vận tải đường sắt giữa Trung Quốc và châu Âu. Công ty cho biết khối lượng hàng hóa của họ trên tuyến đường này đã tăng nhanh.

Tuyến đường sắt xuyên Siberia đã cố gắng gánh vác trách nhiệm kết nối hai châu lục nhưng đã bị ảnh hưởng bởi các hạn chế từ hoạt động của dịch vụ tàu lửa kết nối Moscow và các thành phố khác. Do đó, China Railway Express đã thay thế đối tác Nga trở thành mạng lưới đường sắt chính kết nối châu Á và châu Âu.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến thăm Moscow vào đầu tháng 6 để hội đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Trong chuyến thăm này, hai nước đã ký khoảng 30 thỏa thuận, trong đó có một thỏa thuận cho gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei để xây dựng mạng 5G cho Nga. Ông Tập cũng đưa ra nhiều lời có cánh về mối quan hệ mạnh mẽ hơn giữa Trung Quốc và Nga, nói rằng sự hợp tác song phương đang ở "mức cao nhất trong lịch sử".

Trung Quốc và Nga đã khởi động mối quan hệ đối tác chiến lược của họ từ cuối những năm 1990 và mối quan hệ này đã trở nên chặt chẽ hơn khi họ bị Mỹ coi là những đối thủ trong bối cảnh hiện tại.

Khoảng cách gia tăng

Nhưng không phải tất cả mọi người ở Nga đều ăn mừng mối quan hệ nồng ấm hơn này. Trong thực tế, Nga đã bắt đầu cảm thấy sự bất cân xứng giữa họ và nước láng giềng châu Á khổng lồ.

Khoảng cách giữa hai nước ngày càng lớn trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả quy mô nền kinh tế, dân số, quân sự và chính trị. Ví dụ, tổng sản phẩm quốc nội của Nga chỉ bằng 12% của Trung Quốc vào năm 2018 và, theo một khảo sát của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, chi tiêu quân sự của họ chỉ bằng một phần tư của Trung Quốc.

Mặt khác, Trung Quốc đang thiếu tài nguyên và nhắm tới dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và các sản phẩm lâm nghiệp của Nga. Trung Quốc cũng đang gửi một lượng lớn công nhân đến Nga.

Còn Nga đã chịu sự cô lập và trừng phạt nặng nề từ phương Tây. Hiện họ cũng dựa nhiều vào Trung Quốc để duy trì sự hỗ trợ cho kinh tế. Nhưng Moscow vẫn coi Trung Á là nơi nằm dưới phạm vi ảnh hưởng của mình và ngày càng lo ngại về sự hiện diện ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực này, cả về kinh tế và trên mặt trận an ninh.

Trong nỗ lực tìm kiếm sự cân bằng, Nga đã cố gắng cải thiện mối quan hệ với Hoa Kỳ và Châu Âu, nhưng vẫn chưa có kết quả. Nếu tình trạng này vẫn không khá hơn, việc tạo ra một trật tự mới ở Á-Âu có thể thấy một Trung Quốc hết sức hùng mạnh và thậm chí còn gắn bó chặt chẽ hơn với Nga.

Trước điều này, sẽ không khôn ngoan khi tiếp tục cô lập Nga trên trường quốc tế.

Quý Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ