• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nga, “hòn đá tảng” chặn đứng tham vọng mở rộng của EU?

Thế giới 19/08/2018 16:36

(Tổ Quốc) - Một trong những ứng cử viên gia nhập EU, Serbia đang phải “đau đầu” lựa chọn giữa phần còn lại của châu Âu và Nga.  

Bloomberg đưa tin, trong khi Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực giải quyết những khác biệt trong vấn đề Kosovo và đón chào các thành viên mới từ nhà nước Nam Tư cũ, một trong các ứng cử viên có thể sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn.

Serbie là quốc gia lớn nhất trong số sáu nước Balkan có thể gia nhập EU vào năm 2015. Tuy nhiên, Serbia cũng lại đang phải đứng trước sự lựa chọn giữa một bên là những lợi ích khi trở thành thành viên của liên minh thương mại số 1 thế giới, và một bên là sự “trung thành” với đồng minh lớn nhất của mình: nước Nga. Cả Nga và Serbia hiện đều từ chối công nhận Kosovo – phần lãnh thổ tách ra từ hai thập kỷ trước sau một chiến dịch đánh bom của NATO.  Điều này góp phần tạo nên một mối quan hệ ngoại giao, kinh tế và quốc phòng sâu sắc giữa Moscow và Belgrade.

Thực tế trên thể hiện một khó khăn cho EU, vốn đang căng thẳng với Nga trong một số vấn đề phát sinh từ việc Moscow sáp nhập Crimea vào năm 2014. Lithuania – một thành viên của EU từ năm 2004 và từng là một phần của Liên Xô – đã phàn nàn rằng, chính sách đối ngoại của Serbia đang ngày càng rời xa, thay vì hoà nhập với toàn khối. Một lần nữa, nó nhấn mạnh vào con đường chông gai để trở thành viên EU của Serbia. Trước đó, Ukraine cũng từng theo đuổi chính sách cân bằng mà Serbia đang hướng tới.

“Điều làm chúng tôi cảm thấy không hài lòng là mức độ không liên kết” trong chính sách đối ngoại, Ngoại trưởng Lithuania Linas Linkevicius phát biểu trong một cuộc phỏng vấn tuần trước. Quốc gia Baltic này cũng có quyền phủ quyết đối với bất kỳ sự gia nhập của thành viên mới nào. Theo ông Linkevicius, năm năm trước, chính sách đối ngoại của Serbia gần như hoàn toàn gắn bó với EU, giờ đây, sự phù hợp chỉ còn chưa đầy một nửa. “Phải có động lực và dấu hiệu cho thấy một quốc gia sẵn sàng theo đuổi cùng một chính sách”, ông Linkevicius nói.

Trong khi Serbia từ lâu đã có một mối liên hệ văn hoá gắn bó với Nga, quan hệ giữa hai nước lại ngày càng được củng cố sau khi Đảng Những người xã hội của cựu Tổng thống Slobodan Milosevic trở lại nắm quyền lực vào năm 2008 – cũng là năm Kosovo tuyên bố độc lập. Kể từ đó, Điện Kremlin đã mua lại công ty dầu mỏ lớn nhất của Serbia, cung cấp cho nước này các xe tăng và phi cơ chiến đấu Mig-29 đã qua sử dụng, cũng như tổ chức tập trận chung gần biên giới Baltic - EU. Đổi lại, Nga khẳng định sẽ ngăn chặn việc cộng đồng quốc tế công nhận Kosovo là một quốc gia có chủ quyền. 

“Các mối liên hệ giữa Moscow và Belgrade, bao gồm cả ở cấp độ cao nhất, có cường độ khá cao”, Bộ Ngoại giao Nga tiết lộ vào tháng trước. “Chúng tôi tin rằng vấn đề Kosovo chỉ có thể được giải quyết theo cách mà Serbia có thể chấp nhận được”.

Tổng thống Aleksandar Vucic, người từng không ít lần thăm Tổng thống Nga Vladimir Putin khi còn trên cương vị Thủ tướng Serbia, đã cam kết không bao giờ ủng hộ những lệnh trừng phạt lên Nga liên quan tới cuộc xung đột tại Ukraine. Động thái này đã đặt Lithuania và các quốc gia biên giới EU vào tình trạng cảnh báo. Sau khi sáp nhập Crimea, Mosocw còn phải đối mặt với một loạt các cáo buộc như tiến hành tấn công mạng, đứng sau một cuộc đảo chính thất bại tại Montenegro hay tấn công hoá học một cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái tại Anh…

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Aleksandar Vucic (ảnh: Getty image)

“Hoàn toàn bối rối”

“Tình huống đã tạo nên sự bối rối hoàn toàn cho một đất nước từng tuyên bố trở thành thành viên của EU là mục tiêu địa chính trị của mình”, Bosko Jaksic, một nhà phân tích chính trị tại Belgrade đánh giá.

Hơn một nửa dân số Serbia ủng hộ việc gia nhập EU và chỉ chưa đầy ¼ phản đối điều này. Tuy nhiên, lựa chọn theo bên nào lại là một thách thức khó khăn dành cho chính phủ. Năm ngoái, Thủ tướng Ana Brnabic vấp phải một ‘cơn bão” chỉ trích khi tuyên bố Serbia sẽ chọn EU thay vì Nga nếu rơi vào tình thế bắt buộc.

Còn Bộ trưởng Hoà nhập Jadranka Joksimoic nói, Serbia sẽ giữ vững lập trường trung lập. “Mọi thứ đang trở nên phức tạp hơn, không chỉ tại châu Âu mà còn trên toàn cầu”, ông Joksimovic chia sẻ với hãng tin Bloomberg. “Khi đánh giá từng lập trường chính sách đối ngoại trong quá trình liên kết với EU, Serbia bắt đầu từ lợi ích của chính người dân mình”.

Trong khi đó, Vassela Tcherneva, một nhà phân tích của Hội đồng Đối ngoại châu Âu cảnh báo, sẽ đến lúc Serbia hiểu được hệ quả thực sự của chính sách cân bằng mà mình đang theo đuổi. EU có khả năng thay thế Nga trở thành đối tác thương mại và nhà đầu tư hàng đầu của Serbia. Khối này cũng có thể cung cấp hỗ trợ cho Belgrad trong các vấn đề kinh tế, nhập cư, biên giới và cơ sở hạ tầng.

“Việc Serbia không ủng hộ EU trong các lệnh trừng phạt Nga thật ra khá bất ngờ”, bà Tcherneva chỉ ra. “Serbia không nên cân nhắc và chọn lựa khi họ muốn thật lòng thực hiện những mục tiêu châu Âu của mình”.

Đây đặc biệt là một thách thức khi EU đang phải “vật lộn” với những vấn đề xuất phát từ hoàn nhập kinh tế sâu sắc hơn với những người tị nạn. Theo Linkevicius, chấp nhận một thành viên mới lại phản đối các lệnh trừng phạt lên Nga, sẽ làm mọi việc trở nên phức tạp hơn nhiều.

“Có thêm nhiều sự mất cân bằng sẽ không giúp củng cố EU và sự thống nhất của nó”, ông nói. “Mọi người nên tôn trọng cùng hệ thống nguyên tắc, làm theo cùng các giá trị và cố gắng liên kết chính sách với nhau”.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ