• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nga – Iran đột phá về hợp tác hạt nhân

Thế giới 11/11/2019 09:18

(Tổ Quốc) - Tehran và Moscow vào Chủ nhật đã bắt đầu một giai đoạn mới trong quá trình xây dựng lò phản ứng thứ hai tại nhà máy điện hạt nhân duy nhất của Iran ở Bushehr, ven bờ vùng Vịnh.

Ali Akbar Salehi, người đứng đầu Tổ chức Năng lượng nguyên tử của Iran (AEOI), và phó giám đốc cơ quan hạt nhân của Nga Rosatom, Alexander Lokshin, đã bắt đầu giai đoạn xây dựng mới tại một buổi lễ, nơi họ tiến hành đổ bê tông cho cơ sở lò phản ứng.

Lò phản ứng này là một trong hai lò chính thức được xây dựng từ năm 2017 tại khu vực Bushehr – cách thủ đô Tehran khoảng 750 km (460 dặm) về phía nam.

Nga – Iran đột phá về hợp tác hạt nhân - Ảnh 1.

Nga vẫn đang hỗ trợ Iran phát triển các lò phản ứng để sản xuất điện từ năng lượng hạt nhân. Ảnh: MSN/AFP.

Thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt 2015 mà Iran đã ký với sáu cường quốc, bao gồm Nga, đặt ra các hạn chế đối với loại lò phản ứng hạt nhân mà Tehran có thể phát triển và sản xuất nhiên liệu hạt nhân. Tuy nhiên, thỏa thuận này không yêu cầu Iran ngừng sử dụng năng lượng hạt nhân để sản xuất điện.

"Trong một tầm nhìn dài hạn cho đến năm 2027-2028, khi dự án này kết thúc, chúng ta sẽ có 3.000 megawatt điện do nhà máy hạt nhân này tạo ra", ông Salehi nói tại buổi lễ.

Cộng hòa Hồi giáo Iran đã tìm cách giảm sự phụ thuộc vào dầu khí thông qua việc phát triển các cơ sở năng lượng hạt nhân.

Nga đã xây dựng lò phản ứng 1.000 megawatt đầu tiên cho Iran tại Bushehr, được đưa vào hoạt động vào tháng 9/2011 và dự kiến sẽ tiến hành xây dựng lò thứ 3 trong tương lai, theo AEOI.

Là một phần của thỏa thuận năm 2015, Moscow cung cấp cho Tehran nhiên liệu cần thiết cho các lò phản ứng hạt nhân sản xuất điện.

Năm 2015, thỏa thuận JCPOA đã được kí kết để đảm bảo rằng chương trình hạt nhân gây tranh cãi lâu nay của Iran sẽ không bao giờ được sử dụng cho mục đích quân sự. Tuy nhiên, sự sống còn của thỏa thuận này đã bị đe dọa kể từ khi Hoa Kỳ đơn phương rút lui vào tháng 5/2018 và áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Để đáp trả các lệnh trừng phạt, làm mất đi những lợi ích dự đoán của Iran từ thỏa thuận này, Tehran bắt đầu rời bỏ các cam kết của mình trong thỏa thuận JCPOA từ tháng 5 năm nay./.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ