• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nga – Mỹ - châu Âu “dữ dội” trước giờ G tháng 11

Thế giới 20/09/2018 13:55

(Tổ Quốc) - Loạt động thái gần đây cho thấy Mỹ vẫn rất cứng rắn trong quan hệ đối với Nga.

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry đã đến thăm Moscow ngày 11-13/9 để hội đàm với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov và Bộ trưởng Năng lượng Alexander Novak. Sau khi thảo luận về một loạt các vấn đề, các bên đã đồng ý khởi động lại Nhóm làm việc năng lượng Mỹ-Nga để giải quyết các vấn đề chung cần quan tâm và những điều còn bất đồng. Hai bên đã nhấn mạnh rằng hai cường quốc năng lượng nên duy trì tiếp xúc để đảm bảo sự ổn định của thị trường năng lượng thế giới. Điều này là tốt, nhưng chuyến thăm cũng cho thấy rằng Mỹ vẫn rất cứng rắn trong quan hệ đối với Nga.

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry đã đưa ra nhiều tuyên bố cứng rắn với Nga. (Nguồn: Strategic Culture)

Gay gắt con đường năng lượng, an ninh mạng

Ông Rick Perry đã nhắc lại sự phản đối của chính quyền Mỹ đối với dự án khí đốt Nord Stream 2 đi xuyên lòng biển. Ông khẳng định trong cuộc họp báo rằng, Washington sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào đường ống dẫn khí Nga-Đức để giảm thiểu sự phụ thuộc năng lượng của châu Âu vào Moscow.

Bộ trưởng Rick Perry cũng đã bày tỏ “sự thất vọng và lo lắng” của ông về “những nỗ lực của Nga tiếp tục xâm nhập vào lưới điện Mỹ.” Ông không chỉ rõ chính xác những lời buộc tội của ông dựa trên điều gì. Trước đó, vào tháng 3, FBI và Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã đưa ra một báo cáo chung cho biết: “ít nhất là từ tháng 3/2016, các lực lượng mạng của chính phủ Nga đã nhắm mục tiêu vào các tổ chức chính phủ và nhiều lĩnh vực cơ sở hạ tầng quan trọng của Hoa Kỳ, bao gồm năng lượng, hạt nhân, cơ sở thương mại, nước, ngành hàng không và các ngành sản xuất quan trọng. ”

Theo cây viết Arkady Svitsky cho Strategic Culture, bản báo cáo này chưa nêu ra bằng chứng đáng kể và các kết luận hầu như chưa được chứng minh. Văn bản đưa ra ý kiến của các chuyên gia nhưng không đủ thuyết phục để sau đó Nhà Trắng chính thức đưa ra tuyên bố chỉ trích Moscow.

Một báo cáo khác được Symantec - một công ty bảo mật mạng của Mỹ công bố cách đây một năm, cảnh báo rằng Nga có khả năng có khả năng gây ra tình trạng mất điện trên khắp nước Mỹ. Vào tháng 5, đơn vị tình báo mạng Talos của Cisco cho biết họ cho rằng chính phủ Nga đứng đằng sau một chiến dịch tấn công mạng có tên là VPNFilter, vì phần mềm tấn công trong chiến dịch này sử dụng cùng mã phần mềm độc hại được sử dụng trong các cuộc tấn công mạng trước đó

Tuy nhiên, chưa tài liệu nào tuyên bố rằng có bằng chứng không thể chối cãi dẫn đến kết luận cuối cùng rằng Nga đã làm điều đó.

Vào tháng 7, một nhóm thượng nghị sĩ đã gửi một bức thư cho Nhà Trắng bày tỏ mối quan ngại "về khả năng của Nga đối với việc thực hiện các cuộc tấn công mạng nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Mỹ."

Cũng đã có những “rò rỉ” khác và nhiều câu chuyện dựa trên “thông tin nội bộ” đang được lan truyền. Và ông Rick Perry là quan chức chính quyền Mỹ đầu tiên chính thức đưa ra lời cáo buộc Nga trong một tuyên bố công khai. Và ông đã làm điều đó trong chuyến thăm Moscow.

Nguồn cơn sức ép Mỹ vào Nga

Theo Arkady Svitsky, trên thực tế, do hệ thống tập trung của Nga, lưới điện Nga dễ bị tấn công hơn Mỹ, với các mạng lưới hoạt động độc lập và được điều hành bởi nhiều tầng nấc quản trị viên. Có hàng chục công ty cung cấp năng lượng cho các thành phố lớn và khu vực đô thị của Mỹ. Một cuộc tấn công vào một số nhà máy điện không thể gây ra sự cố mất điện trên một khu vực rộng lớn, và đối với cả nước thì còn khó khăn hơn. Điều đó thậm chí không thể. Để làm điều này, lực lượng tấn công phải nhắm tới một cơ sở hạ tầng rộng lớn và phân tán rộng khắp - bao gồm hàng trăm trạm phát điện, trạm biến áp, công ty điện, nhà máy điện mặt trời, trang trại gió, vv. Và cũng không có ai ngăn cản bất kỳ nỗ lực nào để tăng cường khả năng phòng thủ lưới điện của Mỹ. Nâng cao vấn đề và than phiền dễ dàng hơn nhiều so với thực hiện một số công việc thực tế.

Điều thực sự quan trọng là ông Rick Perry đã tuyên bố công khai cáo buộc và cho biết điều này dựa trên những bằng chứng rất dồi dào và vững chắc. Nhưng cả ông hay bất kỳ quan chức Mỹ nào khác đều chưa từng “xuất trình” ra được bằng chứng nào, Arkady Svitsky nhận định. Tuyên bố trên được ông Perry đưa ra vào ngày 13/9 - cùng ngày Trợ lý Ngoại trưởng Manisha Singh nói rằng, chính quyền Mỹ đã sẵn sàng áp đặt một biện pháp trừng phạt mới và "rất cứng rắn" chống lại Nga vào tháng 11 nếu Moscow không thực hiện các bước đi nhất định liên quan đến việc cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal bị đầu độc ở Anh. Hai phát biểu trong cùng một ngày! Sức ép được gia tăng.

Một động cơ của những hành động này được cho là xuất phát từ việc chính quyền Mỹ muốn áp đặt trừng phạt vào Nga trước khi Quốc hội hành động. Các nhà lập pháp Mỹ đang có ý định đẩy thông qua các đạo luật trừng phạt Nga của họ càng sớm càng tốt. Tổng thống Trump muốn đi trước một bước, để chứng minh trước cuộc bầu cử giữa tháng 11 rằng ông không giữ lập trường mềm mỏng với Nga, theo Arkady Svitsky.

Mỹ cũng cần nhắm vào dự án Nord Stream 2 để có thể thúc đẩy xuất khẩu LNG sang châu Âu. Vào tháng 7, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã hứa rằng EU sẽ mua thêm khí đốt của Mỹ. Việc Mỹ tuyên bố trừng phạt chống lại các công ty tham gia vào dự án Nord Stream 2 là không có gì là khó hiểu.

Thời gian tới cuộc bầu cử Quốc hội giữa kì không còn nhiều và nhiều động thái sẽ được sử dụng để tác động tới lá phiếu cử tri, trong đó có cả vấn đề về Nga.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ