• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nga, Mỹ tăng mạnh sức nặng tại Syria

Thế giới 26/06/2017 09:47

(Tổ Quốc) - Các  nhà quan sát đang chờ đợi các cuộc thảo luận giữa Moscow, Astana (Kazakhstan), Bishkek (Kyrgyzstan), Mỹ và Damascus về Syria.

Ibrahim Kalin, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, ngày 22/6 cho biết Nga đã đề xuất triển khai quân đội của Kazakhstan và Kyrgyzstan để giám sát các khu vực giảm leo thang được thiết lập tại Syria vào tháng trước.

Kalin cũng cho biết Nga đang xúc tiến đề cập với hai nước Trung Á trên về việc đưa quân tới Syria.

Ông nói thêm rằng "một cơ chế liên quan đến người Mỹ và Jordan ở phía Nam khu vực Deraa đang được xem xét." Các lực lượng đối lập Syria đang kiểm soát phần lớn khu vực Deraa, giáp với Jordan.

RIA Novosti đã xác nhận thông tin trên và Chủ tịch Ủy an Quốc phòng Duma Quốc gia Nga, Đại tướng Vladimir Shamanov nói rằng Nga đang đàm phán với Kazakhstan và Kyrgyzstan.

Kalın cũng cho hay, một kế hoạch cụ thể hơn đang được nghiên cứu để xác định những quốc gia nào sẽ được triển khai giám sát các khu vực cụ thể và số lượng quân chính xác được đưa tới.

Đồn đoán về hiệu quả triển khai

Vào đầu tháng 5, các đại diện từ Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí thiết lập bốn khu vực giảm leo thang, bao gồm việc chấm dứt các hành động thù địch giữa các nhóm đối lập và các lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Thỏa thuận này đã đạt được trong một hội nghị thượng đỉnh ở Astana, Kazakhstan, tuy nhiên, cả chính phủ Syria lẫn các nhóm đối lập đều chưa ký.

Việc thiết lập 4 khu vực giảm leo thang tại Syria đã được đưa ra tại Astana đầu tháng 5 năm nay. (Nguồn: NYT)

Bộ trưởng Ngoại giao Syria Walid al-Moallem cho biết vào đầu tháng 5, khi thỏa thuận này được cho là có hiệu lực, rằng "Chúng tôi không chấp nhận vai trò của Liên hợp quốc (LHQ) hoặc các lực lượng quốc tế trong việc theo dõi thỏa thuận."

Theo The Diplomat, đề xuất triển khai các lực lượng Trung Á chỉ có ý nghĩa (nhỏ) về tinh thần (cho dù có bỏ qua các câu hỏi về năng lực và kinh nghiệm). Kazakhstan và Kyrgyzstan đều là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) – một tổ chức tiềm năng cho việc triển khai như vậy.

Trong khi chính phủ Syria, thông qua Bộ trưởng Ngoại giao, đã bác bỏ ý tưởng về các lực lượng quốc tế, họ có thể làm dịu lập trường với liên minh quân sự của Nga – một đồng minh của Tổng thống Assad.

Một nhà lãnh đạo phe đối lập Syria, Ilyan Masaad, nói với RBC rằng, động thái trên sẽ không xảy ra nếu không có sự đồng ý của Damascus. Ông chỉ ra ba tiêu chí để chọn bên giám sát các khu vực giảm leo thang: một quốc gia Hồi giáo, không tham gia vào cuộc xung đột và điều hòa được lập trường của Moscow và Damascus. Kazakhstan và Kyrgyzstan phù hợp với các tiêu chuẩn này.

Tuy nhiên, theo The Diplomat, cả Kazakhstan và Kyrgyzstan đều không có kinh nghiệm thực sự trong lĩnh vực giám sát các thỏa thuận ngừng bắn trong một cuộc nội chiến khủng khiếp.

Hai nước này đã từng tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, nhưng ở một mức độ rất nhỏ. Ví dụ, vào tháng 5, Kazakhstan đã triển khai năm chuyên gia quân sự tham gia vào các nhiệm vụ của LHQ; Kyrgyzstan cử 14 cảnh sát, ba chuyên gia quân sự, và hai lính thực hiện các hoạt động này.

The Diplmat cũng nhận định, khối CSTO, được thành lập vào năm 1992, bao gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan - chưa thể hiện  nhiều vai trò trong các cuộc khủng hoảng an ninh khu vực hoặc toàn cầu.

Và ngay cả khi Kazakhstan và Kyrgyzstan được triển khai độc lập, thay vì dưới sự bảo trợ của một khối quân sự, họ sẽ gặp nhiều khó  khăn khi ra mặt trận thực tế. Ví dụ ở đây là hành động của Kazakhstan năm 2011 trong việc triển khai quân đội gia nhập lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế do NATO (ISAF) dẫn đầu tại Afghanistan.

Tuy nhiên, ý tưởng cử bốn sĩ quan thực hiện nhiệm vụ luân phiên trong vòng sáu tháng tại trụ sở chính của ISAF ở Kabul - đã bị bỏ qua ở Thượng viện Kazakhstan.

Gia tăng yếu tố Mỹ

Theo thông tin của tờ Wall Street Journal (WSJ) vào ngày 10/ 6, Hoa Kỳ và Nga đã lặng lẽ tổ chức các cuộc đàm phán về việc thiết lập một khu vực giảm leo thang ở Syria – nơi các lực lượng do Mỹ dẫn đầu sẽ phụ trách.

Trích dẫn các nhà ngoại giao phương Tây và các quan chức khu vực, Reuters cũng cho biết rằng đặc phái viên của Mỹ và Nga đã đến Syria, tương ứng là Michael Ratney và Aleksandr Lavrentiev, đã gặp nhau ít nhất hai lần và đang có kế hoạch gặp nhau lần nữa về vấn đề này.

Nga và Iran đã hỗ trợ chính phủ của ông Assad trong cuộc xung đột, trong khi Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ lại ủng hộ các nhóm nổi dậy khác nhau.

Trong khi các cuộc đàm phán do Liên Hiệp Quốc làm trung gian tại Geneva chưa đạt được hiệu quả trong việc tìm kiếm giải pháp chính trị để chấm dứt cuộc xung đột Syria thì  các cuộc đàm phán riêng rẽ tại Astana do Nga, Iran, và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ tập trung vào thỏa thuận ngưng bắn trong tháng 12 cùng với việc triển khai các vùng an toàn. Một hội nghị thượng đỉnh về Syria dự kiến sẽ diễn ra tại Astana vào tháng 7 này.

Hiện tại, các  nhà quan sát đang chờ đợi các cuộc thảo luận giữa Moscow, Astana (Kazakhstan), Bishkek (Kyrgyzstan) và Damascus cũng như về phía Mỹ để làm dịu tình hình xung đột 6 năm qua tại Syria.

(Theo The Dpilomat, rferl)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ