• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nga – Nhật khó đồng thuận về tranh chấp quần đảo Kuril

Thế giới 06/05/2016 05:43

(Tổ Quốc)- Điện Kremlin cảnh báo cuộc hội đàm Abe-Putin ngày 6/5 không giải quyết được tranh chấp Kuril.

(Tổ Quốc)- Còn nhiều bất đồng, Điện Kremlin cảnh báo cuộc hội đàm Abe-Putin ngày 6/5 không giải quyết được tranh chấp Kuril.

Ngày 6/5, vào cuối chuyến thăm châu Âu của Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe sẽ tới Nga để gặp Tổng thống Putin. Hai nhà lãnh đạo sẽ có cuộc hội đàm không chính thức kéo dài khoảng 3 giờ tại Sochi. "Chúng tôi phải ngồi xuống và nói chuyện để giải quyết các vấn đề xung quanh một hiệp ước hòa bình," ông Shinzo Abe cho biết trước khi rời châu Âu chủ nhật tuần trước, theo The Japan Times.

Tuy nhiên, hãng tin Nga TASS, không hề đề cập đến hiệp ước hòa bình hoặc tranh chấp đảo Kuril. "Các cuộc đàm phán sắp tới sẽ tập trung vào tình trạng hiện tại và triển vọng phát triển của hợp tác song phương về thương mại, kinh tế cũng như trong các lĩnh vực nhân đạo," TASS cho biết dựa trên thông tin được cung cấp bởi cơ quan báo chí điện Kremlin. Ngoài ra, cuộc họp sẽ bao gồm sự "trao đổi ý kiến sâu ​​rộng về các vấn đề cấp bách quốc tế."

"Khó có thể mong đợi sự tiến bộ và tiến trình nghiêm túc bởi vì chủ đề này (tranh chấp quần đảo Kuril) là khá nhạy cảm và đòi hỏi sự giải quyết kĩ càng, lâu dài và quan trọng hợn, cần sự làm việc ở cấp độ chuyên gia" một phát ngôn viên điện Kremlin cho biết ngày 5/5.

Xung đột chủ quyền lâu dài

Quần đảo tranh chấp Kuril, phía Nhật gọi là các vùng lãnh thổ phía Bắc, bao gồm các đảo Kunashiri (tên tiếng Nga là Kunashir), Etorofu (Nga gọi là Iturup), cũng như các đảo nhỏ Habomai Shikotan nằm ở biển Okhotsk ở Tây Bắc Thái Bình Dương. Quần đảo này đã nằm dưới sự kiểm soát của Liên Xô từ năm 1945. Năm 1949 Liên Xô đã trục xuất 17.000 người dân Nhật Bản ra khỏi hòn đảo.



Khu vực xung quanh 4 hòn đảo tranh chấp giữa Nga và Nhật được cho là có trữ lượng dầu khí và nguồn hải sản phong phú. (Nguồn: DW)

Theo Hiệp ước Hòa bình San Francisco năm 1951, Tokyo từ bỏ "tất cả các quyền, danh nghĩatuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Kuril". Tuy nhiên, Liên Xô chưa từng tham gia kí kết nên Moscow không được hưởng những quyền lợi của hiệp ước nói trên và Tokyo cũng từ chối thừa nhận rằng bốn hòn đảo tranh chấp trên thuộc chuỗi Kuril.

(...) Nhật Bản cũng đã nhiều lần từ chối đề nghị của Nga để giải quyết các tranh chấp bằng việc trao trả hai vùng lãnh thổ nhỏ nhất đảo Habomai và Shikotan, chiếm 7% diện tích khu vực tranh chấp. Các cuộc xung đột đang tiếp tục gia tăng bởi trữ lượng dầu khí tiềm năng ngoài khơi, cũng như đây là một ngư trường phong phú.

Hiện nay Nhật Bản rất kiên định với tuyên bố rằng Nga phải trao trả cả 4 hòn đảo trước khi kí kết hiệp ước hòa bình trong khi Moscow nói rằng muốn giữ quyền kiểm soát toàn bộ các hòn đảo này.

Nga đã liên tục gia tăng sự hiện diện quân sự của mình trên các chuỗi đảo và đã công bố nhiều khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự mới. Moscow công khai xem xét việc thiết lập một căn cứ hải quân thường trực cho Hạm đội Thái Bình Dương và gần đây đã triển khai hệ thống tên lửa bờ biển tiên tiến trên các hòn đảo tại Kuril.

Rào cản khó vượt qua

Đã có nhiều quan điểm lạc quan rằng các tranh chấp trên có lẽ có thể được giải quyết trong phiên họp Đại hội đồng của Liên Hợp Quốc (UNGA) năm ngoái, diễn ra vào tháng 9 ở New York, khi Nhật Bản thông báo rằng Tổng thống Nga đã chấp nhận lời mời sang thăm Nhật Bản.

Tuy nhiên, hy vọng đã nhanh chóng tiêu tan khi thông báo rằng chuyến đi của ông Putin bị hoãn lại do cho rằng "tình hình không thích hợp cho chuyến thăm", theo các quan chức Nga. Thông báo này được đưa ra sau khi các cuộc đàm phán song phương đầy tranh cãi ở cấp Thứ trưởng Ngoại giao giữa hai bên ở Moscow vào tháng 10/2015 không mang lại tiến bộ về vấn đề này.

Kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Abe đã coi việc theo đuổi mối quan hệ tốt hơn với Nga là một trong những ưu tiên của chính sách đối ngoại. Để thực hiện chiến lược này, ông Abe đã tìm cách thực hiện nhiều cuộc họp với Tổng thống Putin thường xuyên.

Nhưng những tiến bộ trong quan hệ song phương đã bị xói mòn sau sự sáp nhập Crimea của Nga tháng 3/2014 và các biện pháp trừng phạt do Mỹ dẫn đầu được áp đặt đối với Moscow. Nhật Bản, sau đó cũng áp đặt biện pháp trừng phạt chống Nga. Hơn nữa, những nỗ lực của ông Abe trong việc phát triển quan hệ an ninh gần gũi hơn với Mỹ và châu Âu cũng làm phức tạp các mối quan hệ Nga-Nhật.

Chuyến thăm lần này tới Nga của ông Abe đã diễn ra bất chấp lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Barack Obama với lý do sự khác biệt của Moscow với phương Tây về tình hình ở Ukraine và Syria. Tuy nhiên, quyết tâm của ông Abe để giải quyết tranh chấp Kuril đã khiến chính quyền Nhật Bản bỏ qua sự phản đối của Washington.

Trong bối cảnh này, các nhà phân tích nhận định, cuộc họp ở Sochi sẽ cho ông Abe cơ hội để đánh giá sự sẵn sàng của Tổng thống Putin nhằm đạt được một giải pháp thỏa hiệp trong tranh chấp đảo Kuril 70 năm qua, vấn đề đã phủ bóng đen sự hợp tác song phương.

Cơ hội là sẵn có nhưng các chuyên gia vẫn còn hoài nghi về một bước đột phá trong suốt chuyến thăm.

An Bình (Theo The Diplomat/DW)



NỔI BẬT TRANG CHỦ