• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nga tăng tốc giảm "xung chấn" từ COVID-19 tới kế hoạch kéo dài quyền lực của Tổng thống Putin

Thế giới 26/03/2020 10:24

(Tổ Quốc) - CNN nhận định, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang đối mặt với thách thức, liệu hệ thống lãnh đạo của mình có đứng vững giữa sóng gió đại dịch COVID-19.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình vào hôm thứ Tư (25/3), ông Putin công bố một loạt các biện pháp nhằm đối phó với sự lây lan của virus và những ảnh hưởng của nó tới nền kinh tế.

"Đừng dựa vào may mắn của nước Nga", người đứng đầu Điện Kremlin kêu gọi. "Làm ơn đừng nghĩ, như chúng ta vẫn thường làm là: 'ồ điều này sẽ không xảy ra với tôi'. Nó có thể xảy ra với mọi người. Và những gì đang diễn ra ngày hôm nay tại nhiều nước phương Tây, tại cả châu Âu và nước ngoài, có thể ngay lập tức trở thành tương lai của chúng ta".

Một số biện pháp được đánh giá là sẽ giúp làm giảm sốc cho nền kinh tế. Bắt đầu từ ngày 28/3, người dân Nga sẽ được nghỉ phép ở nhà trong một tuần; các khoản trả góp bất động sản được lùi hạn và các gia đình có nhiều con sẽ nhận được thêm tiền hỗ trợ từ chính phủ…

Tuy nhiên, virus corona mới đã đem tới một khía cạnh chính trị mới cho nhà lãnh đạo Nga: ông Putin cũng tuyên bố, cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc về sửa đổi hiến pháp – dự kiến tổ chức vào ngày 22/4, đã bị hoãn cho tới khi có thông báo tiếp theo.

"Chúng tôi sẽ đánh giá tình huống và dựa trên các khuyến nghị từ bác sỹ và chuyên gia để quyết định ngày mới", ông Putin nói.

Nga tăng tốc giảm "xung chấn" từ COVID-19 tới kế hoạch kéo dài quyền lực của Tổng thống Putin - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (ảnh: getty image)

Không thể phủ nhận được tầm quan trọng của cuộc trưng cầu dân ý đối với tương lai chính trị của ông Putin. Ông đã nắm giữ quyền lực lãnh đạo Nga trong hai thập kỷ; tuy nhiên, nhiệm kỳ hiện tại của ông kết thúc vào năm 2024 có thể mở ra một cuộc khủng hoảng về người kế nhiệm.

Trong hệ thống lãnh đạo hiện tại của Nga, quyền lực tập trung vào người đứng đầu. Ông Putin không có đối thủ chính trị thực sự, các đồng minh và người ủng hộ ông đảm nhận các vị trí then chốt của bộ máy chính quyền. Hiến pháp hiện tại quy định ông Putin phải từ bỏ quyền lực khi nhiệm kỳ kết thúc – đồng nghĩa với việc hệ thống mà ông gây dựng trong những năm qua sẽ khó có thể vận hành như vốn có.

Sự kiện ngày 22/4 ra được với mục đích thay đổi viễn cảnh trên. Trước đó, Quốc hội Nga đưa các đề xuất sửa đổi hiến pháp, có thể mở đường để tổng thống ở lại quyền lực sau khi nhiệm kỳ hiện tại kết thúc – có khả năng là tới tận năm 2036. Ông Putin phê chuẩn việc sửa đổi, ủy ban hiến pháp tán thành các đề xuất và sau đó chúng được đưa ra trưng cầu dân ý.

Tuy nhiên, COVID-19 là một cuộc chiến chính trị mới cho Tổng thống Nga và trước bài phát biểu hôm thứ tư, nhà lãnh đạo Điện Kremlin đã có một loạt hoạt động mang tính quảng bá rõ nét.

Đáng chú ý, ngày 24/3, ông Putin đã mặc đồ bảo hộ để tới một bệnh viện khác ở Kommunarka. Điều này làm gợi nhớ tới một trong những động thái đầu tiên của ông khi còn là quyền tổng thống Nga vào năm 2000: bay tới cộng hòa Chechnya trên ghế phi công phụ của một chiếc phi cơ chiến đấu Su-27.

Đề cập tới chiến dịch hiện tại của Nga trước đại dịch COVID-19, ông Putin sử dụng những từ ngữ quyết liệt. "Tôi chứng kiến cách nhân viên y tế đang làm việc, mọi người đều ở trong vị trí chiến đấu của mình", một thông cáo từ Điện Kremlin dẫn lại lời nhà lãnh đạo Nga. "Mọi người làm việc như một chiếc đồng hồ, phối hợp tốt và đúng đắn".

Không chỉ đưa ra các quyết định đối nội, ông Putin còn triển khai quân đội trong một chiến dịch quốc tế đối phó đại dịch. Cuối tuần qua, quân đội Nga thông báo sẽ cử một nhóm gồm 100 bác sỹ và chuyên gia với các thiết bị khử trùng tới Italy – quốc gia hiện đang là tâm dịch của châu Âu và thế giới.

Hôm chủ nhật (22/3), một phi cơ Il-76 đã rời sân bay quân sự Chkalovsky của thủ đô Moscow đem theo các chuyên gia và thiết bị viện trợ. Bộ Quốc phòng Nga cũng đăng tải hình ảnh một trong những chiếc máy bay vận chuyển: thân máy bay được sơn hình hai trái tim mang màu cờ của Nga và Italy kèm dòng chữ "Từ Nga với yêu thương" bằng cả 3 ngôn ngữ.

Truyền hình nhà nước Nga cũng trình chiếu hình ảnh các xe quân sự Nga chạy trên đường phố Italy. Theo một số chuyên gia, những hành động nhanh chóng của Moscow khiến các phản ứng của Mỹ và đồng minh trước khủng hoảng trở nên chậm chạp hơn. Một quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ, động thái của Nga được thực hiện khi mà bộ trưởng quốc phòng Italy còn đang yêu cầu hỗ trợ quân sự từ Mỹ trong cuộc chiến chống COVID-19.

"Bộ Các Tình huống Khẩn cấp và Bộ Quốc phòng Nga thích những hành động có tiếng vang lớn và họ đã làm rất tốt điều đó kể từ khi cuộc chiến tại Syria bắt đầu", ông Andrew Weiss, Phó Chủ tịch về nghiên cứu tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, đánh giá.

Bên cạnh đó, cách tiếp cận hiện tại của Điện Kremlin không có nghĩa là Nga có thể hoàn toàn ngăn ngừa được sự lây lan của COVID-19. Cũng trong ngày 25/3, số lượng ca nhiễm mới trong một ngày đã tăng đột biến, khiến tổng số trường hợp dương tính tại Nga là 658 người.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ